Chàng sinh viên đam mê chế tạo xe buýt mini

Thứ năm - 31/10/2024 00:15
Niềm đam mê xe buýt từ nhỏ đã giúp Lương Tuấn An (hiện là sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, Hà Nội) tự tay sáng tạo ra các loại xe buýt mini bằng nhựa mica, giấy màu.
Tuấn An bên sản phẩm xe buýt của mình.
Tuấn An bên sản phẩm xe buýt của mình.

Từ nhỏ, Tuấn An rất thích được bố mẹ dẫn đi chơi trên những chuyến xe buýt của thủ đô. Đó là nguồn động lực giúp anh chàng tự tay sáng tạo ra nhiều mẫu xe buýt mini rất giống phiên bản ngoài đời.

Những mẫu xe buýt thủ công này được Tuấn An bắt đầu thử sức từ những kỳ nghỉ của các năm học ở bậc THPT. Thế nhưng, lúc ấy các mẫu xe buýt chưa được đẹp lắm. Sau khi tham gia các hội, nhóm yêu xe buýt, được một người anh trong hội mê xe buýt ở TP.HCM giúp đỡ và hướng dẫn nhiều hơn. Từ đó, Tuấn An dần cải thiện chiếc xe buýt mini trở nên ưng ý.

Những chiếc xe buýt đầu tay mà Tuấn An làm ra

Những chiếc xe buýt đầu tay mà Tuấn An làm ra

Tuấn An cho biết để lắp ráp được mô hình xe buýt làm từ nhựa mica, giấy màu và keo kết dính này, anh chàng thường thực hiện 3 công đoạn chính bao gồm: việc lên ý tưởng về mẫu xe mình muốn làm, chụp ảnh thiết kế theo yêu cầu riêng của từng mẫu và cuối cùng là thực hiện lắp ráp.

Những mẫu xe buýt nhìn như thật của Tuấn An

Những mẫu xe buýt nhìn như thật của Tuấn An

NVCC

Tính đến thời điểm này, Tuấn An đã làm ra được khoảng 80 chiếc xe buýt các loại. Chàng trai này nhận ra mỗi chiếc xe sẽ có vài điểm khác nhau như nắp máy, vị trí ốc lazang và ghế. Cụ thể là xe Daewoo BC095, bản E4A và E4B có khác nhau về cách đục nắp máy, vị trí ô kính và dàn lạnh trên nóc xe.

Mỗi chiếc xe đều chứa đựng tình yêu của Tuấn An dành cho xe buýt

Mỗi chiếc xe đều chứa đựng tình yêu của Tuấn An dành cho xe buýt

NVCC

Theo Tuấn An, trong toàn bộ quá trình này, việc thiết kế và lên ý tưởng lắp ráp xe là công đoạn khó khăn nhất. Khi thực hiện vẽ trên máy và lắp ráp, Tuấn An nhận ra chiếc xe thủ công của mình có một điểm khác biệt so với thực tế. Do đó, dẫn đến việc một chiếc xe mới Tuấn An phải làm đi làm lại nhiều lần mới ra được một sản phẩm hoàn chỉnh.

Để khắc phục được khó khăn ấy, Tuấn An đã tìm cách đổi mới công nghệ thiết kế và in ấn, đồng thời xây dựng một bản thiết kế cấu tạo mô hình giả lập để dễ dàng chỉnh sửa hơn. Nhờ vậy, Tuấn An có thể phát hiện sai sót một cách nhanh chóng hơn so với việc lắp ráp xe trong thực tế.

Một góc bộ sưu tập xe buýt mini của Tuấn An

Một góc bộ sưu tập xe buýt mini của Tuấn An

"Mình thấy việc kiên trì và tập trung là bí quyết quan trọng nhất vì không phải lúc nào mình tính toán cũng chính xác. Có vài lần mình tính toán sai, nhầm con số nhỏ thôi mà sản phẩm làm ra bị hư hỏng hoàn toàn", Tuấn An nói.

Nhưng chính những lần thất bại ấy đã giúp Tuấn An có thêm quyết tâm hoàn thành thật nhiều xe buýt mini để tặng cho các anh chị, cô chú lái, phụ xe và những cán bộ điều hành trong hệ thống xe buýt tại Hà Nội. Tuấn An hy vọng những chiếc xe buýt nhỏ ấy sẽ giúp các anh chị, cô chú có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của hệ thống xe buýt thủ đô.

 

Mỗi khi cầm trên tay những chiếc xe buýt bé xinh, Tuấn An lại càng thêm yêu và gắn bó hơn với niềm đam mê nhỏ của mình. Đó cũng là nguồn động lực giúp An đặt giấy bút ghi nguyện vọng vào Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải năm xưa.

Tuấn An tỉ mỉ chế tạo xe buýt mini

Tuấn An tỉ mỉ chế tạo xe buýt mini

NVCC

Trong tương lai, Tuấn An dự kiến sẽ tiếp tục cải tiến những chiếc xe buýt mini bằng chất liệu bền vững, đẹp hơn và nhiều chức năng hơn.

"Mình mong rằng những bạn muốn tự chế tạo các mô hình bằng giấy giống An hãy luôn kiên trì theo đuổi niềm đam mê. Khi bạn hết mình với đam mê, điều đó sẽ đem lại cho bạn những trái ngọt tinh thần vô cùng to lớn, giúp bạn vững bước hơn trên con đường chinh phục ước mơ của mình", Tuấn An nói.



 Nguồn: Cổng thông tin Thánh Gióng

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây