Tại chương trình, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 110 triệu đồng, tặng nhiều phần quà có giá trị và ý nghĩa như: quần áo, xe đạp, cặp, vở, ti vi… cho 5 học sinh mồ côi cha mẹ, cuộc sống nghèo khó.
Những mảnh đời bất hạnh
Cuộc đời của 5 học sinh bất hạnh trong chương trình Điều ước cho em năm 2022 là những thước phim buồn về tuổi thơ.
Em Huỳnh Thị Cẩm Tiên ở thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông năm nay 10 tuổi. Mẹ bỏ nhà đi biệt tăm từ khi em còn chập chững. Ba đi bán vé số trong miền Nam, em sống cùng bà nội già yếu và em nhỏ. Vì không có người trông nom, nên cách đây vài năm, em của Tiên bị đuối nước qua đời. Hai bà cháu hiện sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn. Hàng ngày, bà nội phải đi xin từ sớm nhưng bữa đói bữa no. Cẩm Tiên thường xuyên nhịn ăn sáng, mang bụng đói đến lớp. Năm học mới đang đến gần, nhưng em vẫn chưa có quần áo, sách vở.
Em Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở khu phố Bàn Nham Bắc, phường Hòa Xuân Tây năm nay lên 8, chuẩn bị bước vào lớp ba. Từ khi sinh ra, Như Quỳnh đã không biết ba mình là ai. Mẹ em vừa qua đời vì ung thư. Hiện cô học trò nhỏ này sống cùng ông ngoại già yếu và người cậu khuyết tật mắt, thường xuyên đau bệnh. Gia cảnh hết sức khó khăn, nhưng Như Quỳnh vẫn cố gắng, nỗ lực trong học tập.
Hay như các em Lê Trung Thái, 7 tuổi, ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông; Đinh Thị Lệ Uyên, 14 tuổi, khu phố Đa Ngư, phường Hòa Hiệp Nam; Trần Thị Bích Thủy, học sinh lớp 7, khu phố Phước Lâm, phường Hòa Hiệp Bắc, cuộc sống hiện tại đều rất cơ cực, có nguy cơ bỏ học bất cứ lúc nào.
Đều là những mảnh đời kém may mắn, ước mơ của các em cũng thật giản dị, đáng yêu, như có xe đạp đến trường, có ti vi để xem phim hoạt hình, có ba mẹ bên cạnh… “Em ước mơ được tiếp tục đến trường, được cùng bà có những bữa ăn mỗi ngày để đủ sức khỏe”, Cẩm Tiên bộc bạch. “Em ước có ti vi để xem các chương trình hoạt hình và có cậu đứng trên sâu khấu cùng em”, Như Quỳnh thổ lộ. Và ước mơ chung lớn nhất của các em là có điều kiện đi học, không phải bỏ học giữa chừng.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Chúng tôi tổ chức chương trình với mục đích kết nối các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống có cơ hội vươn lên, đặc biệt là để các em không phải bị bỏ học giữa chừng.
Người thân của 5 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xuất hiện trên sân khấu cùng các em. Ảnh: KIM CHI |
Ước gì được nấy
Và những ước mơ ấy của các em đã không còn là mơ ước. Kết thúc chương trình, mỗi em đều nhận những phần quà có giá trị cộng với tiền mặt mà các nhà hảo tâm hỗ trợ. Mỗi em được hỗ trợ ít nhất 10 triệu đồng, có em được nhận hơn 30 triệu đồng.
Em Đinh Thị Lệ Uyên vui mừng bày tỏ: “Được nhận quà từ chương trình, em rất vui. Đặc biệt khi mẹ xuất hiện trên sân khấu trong trang phục dạ hội màu trắng giống như cô tiên, em thấy thật hạnh phúc”.
Chị Lê Thị Phương, mẹ của Lệ Uyên thổ lộ: Tôi có 3 đứa con, nhưng chỉ lo được cho mỗi Lệ Uyên đến trường. Hàng ngày, tôi ra cảng mua cá đem bán ở chợ Hòa Hiệp Nam để có đồng ra đồng vào nhưng thu nhập rất bấp bênh. Những phần quà có ý nghĩa và thiết thực này tiếp thêm động lực cho mẹ con tôi phấn đấu vươn lên.
Anh Lê Trung Chánh, ba em Lê Trung Thái, khuyết tật chân nên đi lại khó khăn cũng được các tình nguyện viên bí mật đưa từ nhà đến tham gia chương trình và bất ngờ được gặp con ngay trên sân khấu Điều ước cho em. Anh nói: “Tôi thật sự xúc động. Gần 50 tuổi nhưng đến giờ này, tôi chưa làm được điều gì cho con. Chúng tôi cảm ơn chương trình và những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ. Tôi chỉ mong cho con được tiếp tục đến trường, sống mạnh khỏe, bình yên là đủ rồi”.
Chương trình chỉ diễn ra chưa đầy 1 giờ đồng hồ, nhưng để lại thật nhiều cảm xúc. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi xem các phóng sự về hoàn cảnh của từng em. Các em phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Chương trình đã giúp đỡ cho những hoàn cảnh quá khó khăn và biến ước mơ của các em thành hiện thực, ước gì được nấy. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc”.
Theo https://baophuyen.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn