Nhưng rồi nhờ những nhân duyên khác nhau, những bà mẹ đặc biệt ấy đã cùng tụ hội lại, bắt tay nhau thực hiện dự án cho các cha mẹ trên hành trình nuôi dạy trẻ tự kỷ.
"Hạnh phúc của mình là được làm mẹ của em bé đặc biệt 11 tuổi và làm cô giáo đặc biệt của hàng trăm em bé đặc biệt khác ở nhiều độ tuổi khác nhau suốt 16 năm qua" - chị Nguyễn Thị Thu Ngân (Hà Nội) tâm sự. Để tự tin có được từ "hạnh phúc" đó, chị đã đi qua cả một hành trình dài từ bóng tối bước ra ánh sáng.
Năm 2005, chị Ngân sinh một bé trai nhưng không may con mắc chứng tự kỷ. Chị Ngân cho biết đó là giai đoạn chị cảm giác như rơi xuống đáy và hôn nhân gia đình có nguy cơ đứng bên bờ vực chia cắt.
"Có rất nhiều sự bất đồng, cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện. Nhất là khi tư duy bố mẹ chồng luôn cho rằng phúc đức tại mẫu, bởi mình ăn ở thế nào nên con mình mới như vậy" - chị Ngân kể.
Nhưng rồi một tai nạn xảy đến cướp đi của chị một lúc cả con trai nhỏ và con gái sinh năm 1997. Vợ chồng chị nằm viện hơn hai tháng. Hơn một năm sau, chị Ngân sinh một bé trai khác. Trớ trêu thay, đó cũng lại là một đứa trẻ đặc biệt.
Người mẹ lại tiếp tục cuộc hành trình mới "leo dốc" cùng con, đến nay là 11 năm. Mặc dù việc thực hành ngồi thiền đã giúp chị tìm được cảm giác bình an hơn, song đôi khi ký ức về những tổn thương và day dứt thi thoảng vẫn ập đến. Chị đã đi học thật nhiều, làm việc thật nhiều để có thể trốn chạy.
Cho đến khi chị gặp được chị Cao Tú Trinh - một người mẹ cũng có con tự kỷ và đang là chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần và trị liệu tâm lý dựa trên nền tảng trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient) - thì chị Ngân mới thực sự chấp nhận chính bản thân mình cùng những sai lầm trong quá khứ. "Khi mỗi chúng ta chấp nhận mình được thì sẽ tha thứ cho mình được" - chị Ngân nói.Hành trình trở thành một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần của chị Cao Tú Trinh (Ninh Thuận) cũng xuất phát từ vị trí của một người mẹ có con trai mắc chứng tự kỷ. Đối mặt với vô vàn thử thách trong cuộc sống khiến chị luôn phải tìm nhiều phương pháp để vượt qua.
Trong quá trình đó, chị Trinh nhận ra rằng cần thấu hiểu bản thân, gia tăng nội lực để cứu mình, giúp người. "Sau nhiều năm kiên trì tìm cách trị liệu cho con, mình nhận ra con chắc chắn không có ngôn ngữ. Lúc đó mình rệu rã, chỉ còn có 38kg" - chị Trinh kể về nhận thức có phần chưa đúng của mình thời điểm đó.
May mắn chị Trinh gặp được cô giáo của mình. Mỗi ngày cô đều dành ra một tiếng đồng hồ để trò chuyện riêng, cho chị những câu hỏi khơi gợi niềm tin, sức mạnh nội tại bên trong. May mắn đã mỉm cười khi con trai chị 7 tuổi bắt đầu biết nói.
"Dù hiện nay con 12 tuổi, nhiều khả năng còn hạn chế, nhưng nhờ bố mẹ tạo ra môi trường bình an nên con đón nhận mọi thứ vui vẻ và dễ dàng hơn, tư duy theo cách con muốn" - chị Trinh nói.
Chứng kiến nhiều cha mẹ loay hoay, bế tắc trong việc tìm trường học cho con, cộng với tìm hiểu các mô hình trên thế giới, ông Dương Quang Minh - người sáng lập Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Seroto Foundation và Cộng đồng Dạy con trong hạnh phúc - đã quyết định xây dựng dự án Live Village.
Đây là mô hình một ngôi làng dành cho trẻ tự kỷ 7-18 tuổi. Trẻ cùng nhau học tập, sống vui vẻ và hạnh phúc với thiên nhiên, qua đó hòa nhập xã hội, tham gia lao động với một nghề phù hợp sau 18 tuổi.
"Cha mẹ cần nhìn đứa trẻ của mình là đứa trẻ đặc biệt, công nhận nó bình thường ở suy nghĩ của nó chứ không phải theo suy nghĩ của mình. Live Village ra đời nhằm giúp trẻ tự kỷ được sống là chính mình.
Tại đây, các con được chấp nhận, được sống mỗi ngày trong hạnh phúc, không phải gồng mình lên theo những tiêu chuẩn người lớn đặt cho như những đứa trẻ khác" - ông Minh nói.
Hiện Live Village đặt tại Linh Đàm (Hà Nội) với năm trẻ và ba giáo viên. Cô Đinh Hường, một giáo viên của dự án, cho biết chỉ sau sáu tháng đầu tiên, các con tiến bộ vượt bậc nhờ áp dụng mô hình vừa sống vừa trị liệu thông qua các tình huống thực tế của đời sống.
"Tôi không hy vọng rằng sau này các bạn có thể khỏi hoàn toàn, trở thành một người bình thường. Tôi hy vọng rằng đây chính là nơi để nuôi dưỡng các bạn ấy. Và mỗi ngày các bạn sẽ được sống là chính mình, từng chút, từng chút một, tốt hơn mỗi ngày" - cô Hường chia sẻ.
Anh Hoàng Trung, một phụ huynh, cho biết con anh được học rất nhiều từ môi trường này và hiện cả hai vợ chồng anh đều tham gia dự án. Đều đặn vào thứ tư hằng tuần, anh chủ động lái xe đưa các con cùng giáo viên đi dã ngoại để cân bằng cảm xúc và nhịp điệu sinh hoạt.
"Khi đến đây, tôi làm việc một cách rất là thoải mái bởi vì tôi biết rằng điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho con tôi cũng như con của những phụ huynh khác. Và tôi thấy rằng mô hình này nhỏ gọn, hoàn toàn có thể nhân rộng trên khắp toàn quốc để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người" - anh Trung bày tỏ.
Cuối năm 2023, dự án Live Village cho ra đời Câu lạc bộ Live Village Coaching - đồng hành cùng các cha mẹ có con đặc biệt.
"Chỉ khi các phụ huynh thực sự ổn, có niềm tin và hành động một cách nhất quán, mạnh mẽ với nội lực tích cực khởi phát từ bên trong thì mới đủ sức "leo núi", dễ dàng giảm xóc cho chuyến xe cuộc đời mình trên hành trình nuôi dạy con" - chị Cao Tú Trinh, chủ nhiệm câu lạc bộ, nói.
Đồng hành với chị Trinh còn có năm thành viên khác là các phụ huynh trẻ tự kỷ: chị Phạm Yến - chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, một trong những người sáng lập và điều hành Trung tâm trị liệu cho trẻ tự kỷ Albert Einstein từ năm 2007 đến nay; chị Trần Thu Hường - giám đốc Trung tâm can thiệp tích cực Unique; chị Nguyễn Thị Thu Ngân - 16 năm kinh nghiệm giáo dục đặc biệt cùng hai phụ huynh đang vận hành Live Village.
Theo https://tuoitre.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn