Nhưng cô đã vươn lên sống ý nghĩa và sống đẹp như bông hướng dương ngược nắng để lan tỏa nghị lực cho bao người...
Gần 20 năm bệnh nặng, phải chịu đựng nhiều cuộc đại phẫu rồi bị mất thính giác, giảm nặng thị giác và giọng nói, thậm chí có lúc từng định hủy hoại bản thân, nhưng cô giáo này đã kiên cường đứng lên và tìm được niềm vui sống bằng những trang viết đầy ý nghĩa, lấp lánh tình yêu thương, nghị lực đời người.
Cô giáo Liên lại vừa trải qua cuộc đại phẫu nữa mà người nhà cũng không nhớ rõ lần mổ thứ bảy hay thứ tám. Chúng tôi ghé thăm, mua những cuốn sách cô viết, bởi đây cũng là cách để hiểu thêm về đời cô khi không thể trò chuyện trực tiếp.
"Nếu em đến thì gọi cho mẹ hoặc chồng chị, vì gọi chị cũng không nghe được", cô nhắn trong Messenger. Đây là cách cô giao tiếp với bạn bè khi không thể nghe và thị lực giảm nặng.
Căn nhà trong ngõ nhỏ đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông, Hà Nội) khá yên tĩnh. Mẹ già mở cửa đón khách, còn cô giáo Liên từ phòng bếp men tường đi ra. Cô mặc chiếc áo len đỏ, người gầy gò, mái tóc che một phần khuôn mặt bị khối u làm xiêu vẹo.
Mấp máy hỏi không thành tiếng, rồi cô gật đầu tỏ ý cảm ơn đã tới thăm. Mẹ cô lấy chiếc bảng vuông lớp 1, sẵn sàng làm thông dịch cho con gái. Bà ghi câu hỏi thật to lên bảng rồi đưa sát mắt cho con. Cô lắp bắp trả lời, từ đủ từ thiếu. Cuối cùng, người mẹ cũng cố hiểu câu trả lời của con, vậy mà điều này đã diễn ra 17 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Bắc, mẹ cô, đã ngoài 70 tuổi. Bà chỉ có người con duy nhất vì sớm chia tay chồng. Mẹ con không rời nhau, cô lấy chồng cũng thuyết phục về ở rể. Căn nhà lẽ ra ngập tiếng cười lại phủ lên mảng tối trầm buồn.
"Từ nhỏ tới lớn Liên không bệnh gì, khi lấy chồng, năm 26 tuổi mang bầu thì mắc u não ảnh hưởng đến tai, mắt, giọng nói cũng mất. Đau đớn suốt ngày đêm. Bao nhiêu lần mổ rồi không hết" - bà Bắc buồn bã kể, hy vọng con gái không phải mổ nữa và bớt những cơn đau...
Lúc này, vừa trò chuyện với tôi, hai mẹ con vừa bận rộn chuyện gửi sách cho khách hàng. Cô giáo Liên vừa ra mắt cuốn sách mới Phép màu yêu thương, lại vừa tái bản thêm 1.000 cuốn tự truyện Tôi phải sống gần đây. Và chúng tôi cũng có trên tay cuốn tự truyện về hành trình cuộc đời của cô giáo vượt lên số phận này.
"Tôi buộc phải mạnh mẽ lên, phải thay đổi suy nghĩ tiêu cực rằng mình bị sống để chịu đựng bệnh tật bằng một suy nghĩ khác tích cực hơn là sống để chịu thử thách của bệnh tật" - những dòng tâm sự được viết ngoài bìa cuốn tự truyện của cô giáo Dư Phương Liên.Ngồi trò chuyện lâu sợ cô đau, tôi viết vào bảng dòng chữ to "nếu mệt, cô có thể đi nằm bất cứ lúc nào". Cô khoát tay, lắc đầu, lắp bắp nói được "thông dịch viên" mẹ dịch lại: "Lúc nào cũng đau, ngồi đau, nằm cũng đau. Đau thế này có là gì đâu!". Suốt buổi gặp, cô luôn tay xoa vào má để giảm đau.
Trong tự truyện, cô giáo Liên đã nhắc khổ đau, tuyệt vọng cùng cực vì bệnh tật. Tới tháng thứ sáu thai kỳ của cô, mọi âm thanh đều tắt, đầu đau như búa bổ. "Tôi chính thức rơi vào thế giới vô thanh. Mọi tiếng động dù lớn, nhỏ đều im bặt hoàn toàn. Ban đầu mọi người động viên, sinh con xong sẽ hết. Tôi không tin! Tôi không tin!", cô thổn thức.
Bác sĩ quyết định mổ sinh non. May mắn bé chào đời khỏe mạnh nhưng chỉ được ở cùng mẹ ít hôm, sau đó gửi về quê cho ông bà nội để mẹ bước vào cuộc đại phẫu, bác sĩ phát hiện trong não cô có một khối u lớn.
Ca phẫu thuật não kéo dài nhiều giờ ở Bệnh viện Việt Đức, lấy từ trong não cô khối u to bằng quả trứng gà. Hy vọng lấy lại âm thanh sau mổ bao nhiêu, thực tế lại khiến cô thất vọng bấy nhiêu. Cô vẫn không thể nghe tiếng mẹ nói bên tai.
Vài năm sau, cô lại đau, lại mổ. Trên phim chụp, bác sĩ sửng sốt khi thấy các khối u chi chít. Nhưng bác sĩ trưởng khoa kết luận u tuy nhiều mà không phải ác tính, gọi chính xác là bệnh đa u xơ thần kinh. Tỉ lệ mổ thành công cao, nhưng nguy cơ tái lại cũng cao không kém.
Hai mẹ con chỉ còn biết ôm nhau, sáng mẹ khóc, tối con khóc. Cơ thể cô bị mổ phanh rồi tới mổ bằng tia Gamma... Và một bên mắt cô đỏ ngầu, mờ dần. Phần cơ mặt không hoạt động được, kéo một bên khóe miệng xuống ép mất giọng nói.
"Tôi mong được…chết!" - đó là một trong số tựa bài cô viết. "Bao nhiêu lần đứng trên cầu thang tầng ba, tôi muốn lao đầu xuống tự vẫn. Sức chịu đựng của tôi đã đến giới hạn cuối cùng… Nhưng cuối cùng không thể chết được, tôi phải sống!".
Khi cánh cửa tương lai khép lại, cô giáo Liên nuốt nước mắt tâm tình với người chồng rất mực yêu thương rằng hãy buông tay để tìm hạnh phúc mới. Người chồng im lặng, anh không ký đơn ly hôn. Sau 17 năm, anh vẫn im lặng và không ký.
Mỗi ngày, anh làm thầy giáo bên bục giảng rồi trở về nhà làm hai vai trò, vừa làm chồng vừa làm vợ, chăm sóc con nhỏ và mẹ già. Có hôm, chiếc xe máy nhỏ của anh chở cả bốn người, sáng đưa con đi học rồi đưa vợ và mẹ vào viện, sau đó lại lên trường dạy học. Anh lặng lẽ bên vợ con, làm tất cả việc lớn nhỏ trong gia đình. Trái tim cô coi anh là bức tường thành vững chắc để cô tựa vào vượt qua sóng gió bệnh tình.
Ông trời cũng thương cảm, cho cô gặp được bố mẹ, anh em chồng đều rất tốt. Họ thay nhau chăm sóc cháu khi cô nằm viện. Mỗi lần cô phải phẫu thuật, bố mẹ chồng lại từ quê lên viện chăm sóc con dâu. Còn con trai chị vừa lọt lòng đã phải xa mẹ, phải nằm viện.
"Con không được bú sữa mẹ, những khoảnh khắc của cuộc đời không có bàn tay mẹ nắm: con tập đi, tập nói, ngày đầu tiên đi học, đi chơi công viên. Ngược lại, chính con đã giúp mẹ có động lực và dạy lại mẹ khi mẹ học cách trở lại cuộc sống" - cô giáo Liên đã viết trong tự truyện như thế.
Giờ ở tuổi 17, con trai đã biết làm thơ tặng mẹ, tự hào vì có mẹ dù bệnh tật thế nào. Và có những điều hai mẹ con không cần qua ngôn ngữ giao tiếp nào cũng thấu hiểu ý nhau.
Về người mẹ ruột đã sinh thành, cô giáo Liên xúc động nói có thể viết một cuốn sách riêng về bà. Khi cô mang thai và bệnh nặng, mẹ như đã sống cuộc đời của con gái. Mẹ cùng đau, cùng mất ngủ, cùng vào viện với con.
Mẹ không ngại lên rừng lên núi, đi bất cứ đâu tìm thầy tìm thuốc nếu thấy có thể giúp con bớt đau. Và niềm vui duy nhất của mẹ chính là thấy con viết sách, tìm thấy niềm sống trở lại...
Tự truyện của cô giáo Liên có sức hút bởi nội dung và văn phong vừa giản dị vừa sâu sắc đến nặng lòng. Là cô giáo dạy văn nhưng Liên mới chỉ viết sách ba năm trở lại đây, lại viết trong hoàn cảnh ba không: không nghe, không nói được và gần như không thấy.
Con trai 15 tuổi phải làm "thư ký riêng", hỗ trợ mẹ gõ máy tính. Mẹ nguệch ngoạc chữ to vào vở thừa của con hoặc tờ lịch treo tường, con gõ lại từng từ rồi để phông chữ thật to cho mẹ duyệt, giấy nháp chồng cao hơn bản chính nhiều lần.
Cuối cùng bản thảo được nhà văn Minh Cao đánh giá: "Tôi hết sức kinh ngạc về nét tài hoa qua những trang văn tươi rói của Liên về tuổi thơ và những trang miêu tả nỗi tuyệt vọng. Tác phẩm khi xuất bản đã tạo nên một hiện tượng và được trích đưa vào sách giáo khoa".
Từ khi viết sách, tinh thần của cô giáo Liên đã hoàn toàn thay đổi. "Liên vui vẻ hơn trước rất nhiều, những gì trong lòng được giải tỏa, không còn suy nghĩ tiêu cực nữa. Tôi thấy con viết rất thật về những điều đã trải qua, tôi ở cạnh con nhưng đọc vẫn rất xúc động", bà Bắc trải lòng.
Trang sách của cô kể khi "mọi âm thanh đều tắt", ở trong nỗi cô đơn cùng cực cô đã nỗ lực tìm cách để sống và sống có giá trị. Cô tập đi lại, tập xách đồ để rèn luyện sức khỏe. Học cách nói chuyện với con không bằng âm thanh, nhưng cô nhận ra mẹ con đã có sợi dây gắn kết tình cảm tự nhiên nên không cần học.
Cô còn cộng tác viết báo, giành giải trong cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" của báo Tuổi Trẻ, rồi giải thưởng Tác phẩm mới...
Bạn bè, hàng xóm còn gửi con để cô dạy kèm khi thị lực chưa bị giảm quá nặng như hiện nay. Có ngày lịch làm việc của cô ngang, thậm chí còn hơn một người khỏe bình thường. Cô làm việc khi những cơn đau tạm dịu xuống, những lúc như thế cô thấy mình đang sống.
Và mục tiêu lớn nhất ấp ủ bao tháng ngày cô cũng đã thực hiện được, đó là viết tự truyện. Không dừng lại, một năm sau cô lại hoàn thành cuốn Phép màu yêu thương và vẫn đang ấp ủ cuốn sách mới như điều cô luôn mong "còn gắng sức được ngày nào tôi còn bước tiếp".
Bước xuống nhà lần đầu sau cuộc phẫu thuật trước Tết, cô bất ngờ với sắc xuân tràn ngập mà người chồng yêu thương vợ con mang về.
Cô nhớ lại cảm giác hạnh phúc vô bờ y như Tết năm 2021 cũng sau cuộc đại phẫu: "Chưa đủ khỏe nhưng tôi đã đủ vui để tận hưởng cuộc sống. Giây phút nắm tay chồng bước đi, tôi thấy mình đang giống như bao nhiêu người bình thường khác".
Theo https://tuoitre.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn