Xuất thân từ gia đình thuần nông, Trần Kim Tiến sớm có nhiều thuận lợi về cách nhìn với nông nghiệp. Từ nhỏ, anh đã được cha mẹ hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi các cây trồng, vật nuôi thuần túy tại địa phương. Theo anh Tiến: Tốt nghiệp THPT xong, do không có điều kiện học lên nữa nên Tiến ở nhà tham gia hoạt động phong trào Đoàn tại địa phương và giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn Thôn Chư Blôi, sau đó lập gia đình, từ đó anh suy nghĩ phải tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương, không chấp nhận sự manh mún trong nông nghiệp trong khi bản thân nhận thấy tiềm lực phát triển kinh tế và quỹ đất nơi anh ở rất trù phú, thời tiết lại thuận hòa, mà thanh niên trong làng lại toàn rủ nhau đi làm thuê ở thành phố, xa nhà. Từ trăn trở đó nên Tiến quyết tâm phải làm điều gì đấy để vận động thanh niên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Với suy nghĩ đó, từ đất và chút vốn ban đầu cha mẹ cho để gây dựng gia đình cũng những kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập các mô hình kinh tế hay ở các địa phương khác có sự tương đồng với nơi mình ở, đến nay gia đình anh Tiến đã tự xây dựng cho mình một cơ ngơi khá ổn định như nhà cửa khang trang, được cấp quyền sử dụng hơn 4ha đất nông nghiệp với các cây trồng theo mô hình cây ăn trái, lúa, sắn, mía, cao su, cỏ để nuôi bò và đàn bò lai gần 10 con… Chưa dừng lại ở đó, với tính ham làm, Trần Kim Tiến đã thuyết phục vợ mua cho máy cày kéo để hàng ngày đi vận chuyển nông sản, keo,cao su cho bà con trong thôn, trong xã… từ những việc làm đó đã tạo cho gia đình Tiến thu nhập khá cao và ổn định, từ 200-300 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu một mình, trong các buổi sinh hoạt đoàn hoặc trong cuộc sống, Tiến cũng tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên khác cùng làm, vì vậy nhiều đoàn viên trong xã đã làm theo và đang trở thành một phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp rộng khắp trên địa bàn miền núi./.
Thu Hà