Trong 30 thanh niên tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19 ở huyện Tây Hòa, Mỹ, Thực, Trọng và Lượng tham gia hoạt động tình nguyện tại Tiểu ban Tiếp đón công dân về từ vùng dịch.
Hành động đẹp của tuổi trẻ
Trước, trong và sau các chuyến xe chở người dân về địa phương là thời gian đội tình nguyện này tất bật suốt ngày. Nào là sắp xếp nơi ở tạm, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, phát thức ăn, nước uống, trợ giúp những yêu cầu phát sinh của người dân, dọn dẹp vệ sinh... Công việc của đội thanh niên tình nguyện này tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả, lẫn nguy hiểm do thường xuyên tiếp xúc với những người từ vùng dịch về.
Là sinh viên năm 3 Khoa Công nghệ - chuyên ngành điện, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, quê ở khu phố Phước Thịnh, thị trấn Phú Thứ, khi dịch ập đến, không chần chừ, Mỹ tham gia vào đội thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch COVID-19 khi hay tin Huyện đoàn Tây Hòa phát lời kêu gọi. Được phân công làm Trưởng đội Tiếp đón công dân từ vùng dịch về, Mỹ đã luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao, giúp ích rất nhiều cho công tác chống dịch ở địa phương. “Đi làm tình nguyện mới hiểu được vai trò của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Công việc rất áp lực và nguy hiểm, nhưng em không ngại vì thấy rằng cần có sự chung sức chung lòng của nhiều người mới đẩy lùi dịch bệnh. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ thì gian khó ai làm”, Mỹ nói.
“Bông hoa thép” trong đội này là Nguyễn Thị Thực (ở thôn Phước Thành Đông, xã Hòa Phong) vừa tốt nghiệp Trường đại học Ngô Quyền, chuyên ngành Giáo dục quốc phòng - an ninh. Cô gái xinh đẹp này tiết lộ, lúc đầu đã giấu cha mẹ đăng ký tham gia chống dịch vì không muốn mọi người lo lắng. “Khi biết được sự việc, cha mẹ đã nổi giận nhưng sau đó em lại nhận được sự ủng hộ, động viên của mọi người trong gia đình vì hành động của em có ích cho cộng đồng và thuộc trách nhiệm của tuổi trẻ”, Thực cười thổ lộ.
Là một đảng viên, vì thế Thực luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi công việc để động viên cả đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, mang đến cuộc sống bình yên cho người dân, thể hiện những hành động đẹp nhất của tuổi trẻ.
Cùng chung lý tưởng đẹp vì cộng đồng, Nguyễn Văn Trọng ở thôn Mỹ Lâm, xã Hòa Thịnh, sinh viên năm 2 Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng đến với công việc tình nguyện này bằng mệnh lệnh của trái tim. Chàng trai thư sinh này kể, sau mỗi ngày tham gia chống dịch về nhà, bạn ấy đều phải đi ngõ tắt, đến ở một gian nhà riêng, bữa tối lúc nào cũng được mẹ mang đến, ăn riêng... để cách ly với mọi người trong gia đình.
“Dù vất vả, nguy hiểm và đôi lúc có cảm giác cô đơn nhưng được sự động viên của các cô chú lãnh đạo huyện, hoặc mỗi khi bắt gặp ánh mắt hạnh phúc, những cái vẫy tay chào của những người bạn, người thân quen từ vùng dịch trở về, em lại có động lực rất lớn để tiếp tục công việc”, Trọng bộc bạch.
Hành động xông pha, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng thể hiện ở thanh niên Trần Hùng Lượng - thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội. Lượng ở thôn Mỹ Cảnh, xã Hòa Thịnh, là công nhân làm việc ở Khu công nghệ cao quận 9, TP Hồ Chí Minh, may mắn trước khi dịch bùng phát, Lượng đã về nhà. “Ủng hộ chủ trương của tỉnh tổ chức đón người dân vùng dịch về địa phương và thấu hiểu hoàn cảnh của những người đi lao động xa nhà, em đã làm việc tình nguyện ngày đêm mà không mệt”.
Gặp hiểm nguy, thêm kiên cường
Vất vả nhiều nhưng cả đội nhớ nhất là những đêm phải dầm mưa trong căn lều dã chiến để làm nhiệm vụ. Hay như có lần cả nhóm phải làm xét nghiệm PCR nhiều lần sau khi tiếp xúc gần với một ca về từ TP Hồ Chí Minh bị dương tính.
“Đó là một cụ bà đã già yếu, khi phát hiện đồ bảo hộ của bà bị rách, chúng em mang đồ bảo hộ đến để đưa bà thay, nhưng quên giữ khoảng cách. Sau khi biết bà cụ dương tính, hôm đó cả nhóm đều lo lắng. Ngay lập tức cả nhóm được làm xét nghiệm PCR, và nhiều ngày sau đó cứ tối đến, cả nhóm lại nín thở chờ kết quả “xổ số” xét nghiệm. Nhưng rất may, chúng em không bị lây nhiễm và vẫn tiếp tục công việc trên tuyến đầu chống dịch của huyện. Cũng kể từ sự cố nhỏ ấy, chúng em trở nên kiên cường hơn, kinh nghiệm hơn”, Mỹ kể lại.
Làm việc trên tinh thần tình nguyện, các thành viên trong đội chưa nhận bất cứ khoản tiền bồi dưỡng nào. Không những vậy, thỉnh thoảng cả nhóm còn góp tiền mua sữa tặng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khi vào ở khu cách ly tạm thời của huyện.
Sinh thời Bác Hồ đã dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Thấm nhuần lời dạy này của Bác, trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cần sự chung tay, hành động của cộng đồng thì lực lượng đoàn viên, thanh niên cả nước nói chung và huyện Tây Hòa nói riêng đã không ngại hiểm nguy, lao vào tuyến đầu chống dịch, ngày đêm cống hiến, hy sinh thầm lặng để giành lại cuộc sống bình an cho mọi người. Hành động của tuổi trẻ nước nhà trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Chúng tôi càng cảm phục nghĩa cử của những thanh niên tình nguyện huyện Tây Hòa khi họ dù đã hoàn thành công tác tình nguyện trong đợt dịch thứ tư này vẫn tiếp tục ghi tên vào danh sách tình nguyện lâu dài, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tình nguyện khi địa phương cần.
Ghi nhận những đóng góp của lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch của huyện, Bí thư Huyện đoàn Tây Hòa Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: “Họ là những thanh niên sống đẹp vì cộng đồng. Bằng tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, các bạn đã làm được những phần việc rất có ý nghĩa, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của huyện nhà”.
Ban Biên tập (theo THANH HỘI- https://baophuyen.vn/)