“Men theo con đường nội bộ xóm tầm 1 cây số, nhìn thấy nhà nào có nhiều lan là vườn của nó. Ngày nào cũng có khách đến đấy hỏi mua lan”, một người dân thôn Long Phước, xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu chỉ đường cho chúng tôi từ quốc lộ 1 vào nhà anh Tô Minh Tấn. Thú thật, khi được nghe giới thiệu về vườn lan cấy mô rộng gần 300m2 với hơn 7.500 cây lan giống của anh Tấn, khó mà mường tượng rằng ở Xuân Lâm - một xã miền núi còn khó khăn của TX Sông Cầu, lại có mô hình trồng lan quy mô như vậy và chủ vườn là chàng trai vừa tròn 27 tuổi. Nhưng đến khi được mục sở thị nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận được hết tâm huyết của chàng trai 9X mong muốn khởi nghiệp trên quê hương mình.
Khi chúng tôi đến, Tấn đang cặm cụi chăm sóc những mầm lan quý do anh nhân giống. Nhìn tác phong chuyên nghiệp của Tấn, không ai nghĩ, những kiến thức anh có được đều do tự mày mò nghiên cứu qua sách vở, internet, học hỏi từ người thân, bạn bè và qua các lớp tập huấn. Trước đây, Tấn tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch, có ba năm “lăn lộn” với nghề, say mê, cần mẫn. Năm 2016, anh “rẽ ngang” về quê lập nghiệp. Mong muốn vươn lên làm giàu từ quê nhà, giữa năm 2018, Tấn mạnh dạn đầu tư mô hình vườn lan cấy mô.
Ban đầu, vườn lan trồng chủ yếu phong lan ngọc điểm và lan dendrobium. Nhận thấy nhu cầu của thị trường nên anh Tấn gom vốn mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống tưới, phun sương tự động và mua thêm nhiều giống phong lan quý. Ðến nay, vườn lan của anh đa dạng các giống lan như: trầm tím, trầm lai giả hạc, giả hạc ám lào, dendrobium, ngọc điểm... Mặc dù mới đi vào hoạt động gần hai năm, nhưng vườn lan nhanh chóng thu hút khách hàng là những người yêu hoa trong và ngoài tỉnh tìm đến. Năm 2019, tổng doanh thu vườn lan đạt trên 250 triệu đồng; anh Tấn được Tỉnh đoàn giới thiệu xét trao giải thưởng Lương Ðịnh Của lần thứ XIV của Trung ương Ðoàn.
Với mong muốn lập nghiệp bằng các đặc sản xứ Nẫu, là “gạch nối” quảng bá nét đẹp quê mình đến với mọi người, Thái Mỹ Vàng (cựu sinh viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) cùng Dương Phi Thoàn đã mở Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hòa Yên, chuyên chế biến, cung cấp đặc sản với quy mô lớn. Ngoài ra, hai chàng trai đời đầu 9X này còn ghi dấu ấn đậm nét trong việc phát triển, quảng bá biệt phẩm nhân sâm Phú Yên - loại dược liệu quý đang có nguy cơ biến mất trên địa bàn tỉnh. Sau hai năm cần mẫn gầy giống từ vài cây tìm được trên núi, hai bạn trẻ đã thu hoạch được hơn 20kg củ nhân sâm, được các nhà thuốc Ðông y mua với giá gần 400.000 đồng/kg. Vàng và Thoàn sắp sửa thu hoạch lứa sâm mới trên diện tích hơn 1ha với gần 30.000 cây.
Tấn, Vàng, Thoàn chỉ là ba trong nhiều thanh niên dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công ngay trên quê hương. Bởi theo Bí thư Tỉnh Ðoàn Phan Xuân Hạnh, phong trào khởi nghiệp đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, đến nay, toàn tỉnh có 8 tổ hợp tác thanh niên, 12 CLB thanh niên làm kinh tế với gần 300 thành viên. Hàng chục thanh niên có mô hình kinh tế hiệu quả tiêu biểu được Trung ương Ðoàn, Tỉnh đoàn tuyên dương, khen thưởng. Ðồng hành với thanh niên khởi nghiệp, các cấp bộ Ðoàn đã tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên hướng dẫn các cơ sở đoàn hoàn thiện các tổ vay vốn do ÐVTN làm chủ, đăng ký cho ÐVTN vay vốn.
“Với tinh thần kiên trì, bền chí cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, thanh niên Phú Yên đang đứng trước nhiều cơ hội để khởi nghiệp và hội nhập, góp phần thay đổi diện mạo mới cho vùng nông thôn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước”
Gia Khánh ST
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn