Thầy giáo về hưu Lương Thạch Nghĩa cùng cô giáo Huỳnh Thị Thúy Diễm (Trường tiểu học Đức Thắng, huyện Mộ Đức) và cô Huỳnh Thị Thu Trương (giáo viên Trường THPT Thu Xà, huyện Tư Nghĩa) cứ lặng lẽ với những việc họ cho là nhỏ bé ấy. Nhưng đối với những học sinh mồ côi, cha mẹ đau ốm... bước vào lớp 10 chẳng biết lấy đâu tiền may dài thì món quà ấy ý nghĩa biết bao.
Niềm vui của những thiếu nữ
Một ngày giữa tháng 8 tại sân Trường THCS Đức Thắng (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vừa thi đậu lớp 10 đến nhận áo dài. Gương mặt các em vui vẻ, hồ hởi khi thầy Nghĩa, cô Diễm, cô Trương đến trường.
"Đợi lâu không mấy đứa" - thầy Nghĩa hỏi. Các học sinh đồng loạt đáp: "Dạ tụi em mới đến thôi thầy". Cô Trương cẩn thận lấy từng bộ áo dài ra, đọc tên từng trò đến nhận. Lần lượt các em vào thử áo, chỗ nào chưa ổn hay thoải mái, cô Trương sẽ sửa lại.
Nhìn học trò xúng xính trong những chiếc áo dài, thầy Nghĩa nói: "Chà, đứa nào cũng ra dáng thiếu nữ cả rồi, ráng mà học cho nên người nghen". Những bạn trẻ lễ phép "dạ" và hứa có khó khăn gì cũng không dừng lại.
Điều ấy khiến thầy Nghĩa hạnh phúc. Thầy Nghĩa nhớ lại bộ áo dài đầu tiên may tặng trò để rồi hành trình yêu thương ấy đã bước sang năm thứ bảy.
Tháng 8-2018, thầy Nghĩa đến hiệu may của một đồng nghiệp dạy cùng trường thấy một người mẹ đưa con gái vừa đậu lớp 10 đến may áo dài đi học. Trong phút giây ấy, người thầy bỗng nghĩ đến những học sinh nữ mồ côi, gia cảnh khó khăn, cha mẹ vào Nam mưu sinh phải sống cùng ông bà.
"Các em ấy đâu có được cha mẹ dẫn đi may áo dài đi học, có khi còn chẳng có tiền để may" - thầy Nghĩa tâm tình.
Lượt qua trí nhớ, thầy Nghĩa nhớ ngay hoàn cảnh của em Hoàng Thị Như Quỳnh ba bệnh nặng, mẹ làm rẫy ở Gia Lai, hai chị em Quỳnh phải sống cùng bà ngoại. Hay em Trần Thị Kim Chi có cha bị tai nạn lao động, mẹ Chi vất vả nuôi cả nhà. Thầy Nghĩa hỏi thăm mới hay ngày nhập học lớp 10 sắp đến nhưng Quỳnh và Chi đều chưa có bộ áo dài nào.
"Thế là tôi bàn với cô Diễm, để cô thay mẹ đưa Quỳnh đi may áo dài và mua một số dụng cụ học tập. Chi thì tôi đưa tiền cho mẹ đưa đi may. Buổi sáng hôm trao áo dài, cũng là ngày hai đứa lên trường khai giảng" - thầy Nghĩa tâm sự.
Thầy cô chung tay
Thầy Nghĩa, cô Diễm là những giáo viên thường làm công tác thiện nguyện, hỗ trợ học trò khó khăn. Sau lần ấy cô Diễm, thầy Nghĩa quyết tâm giữ chương trình áo dài ấy mỗi năm.
"Khắp huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi... chúng tôi có danh sách các hoàn cảnh và hỗ trợ nhiều năm, khi các em vào lớp 10 là kết nối rồi lên danh sách may thôi. Khó nhất là chở các em đến hiệu may đo, chọn vải... vì mình không rành" - cô Diễm nói.
Đến năm 2019, thầy Nghĩa, cô Diễm đang loay hoay tính phương án thì cô Trương thấy câu chuyện may áo dài quá ý nghĩa đã nhắn tin "xin may".
Những tấm lòng gặp nhau, "bài toán" đo may được giải quyết, học trò bất kỳ đâu cô Trương cũng đi cùng thầy Nghĩa, cô Diễm đến tận nơi đo vẽ. "Thầy Nghĩa, cô Diễm đưa tôi bao nhiêu tiền tôi cũng may vải tốt nhất. May cho các cháu thì chắc chắn phải lỗ rồi, tôi chỉ lấy đủ tiền vải thôi", cô Trương tâm tình.
Thoáng chốc đã bảy năm học trôi qua, gần 150 bộ áo dài được may, những yêu thương lặng lẽ tiếp tục.
Thầy Nghĩa tổng kết "Năm nay có 12 nữ sinh được chọn may áo dài và 23 bộ được may. Lý do là một em xin được của người chị họ một bộ áo dài nên chỉ nhận từ thầy Nghĩa một bộ". Với thầy Nghĩa, điều ấy rất hạnh phúc bởi trong khốn khó các em vẫn biết sống, biết nghĩ.
Em Nguyễn Thanh Hà không có cha, mẹ đi làm thuê. Hà cũng là người làm thuê chính hiệu, bất kể việc đồng áng gì có tiền là Hà đều nhận làm thuê. Em còn cắt cỏ và nuôi bò. Mặc bộ áo dài lên người, Hà nở nụ cười nói: "Đẹp quá, em cảm ơn thầy cô nhiều".
Nhìn trò mặc áo dài, cô Trương cẩn thận xem lại và chỉnh sửa từng sợi chỉ, mũi khâu. Như cảm nhận được yêu thương, em Nguyễn Thanh Nhàn rơm rớm nước mắt. Cha mất sớm, mẹ vất vả nuôi hai chị em. Hiểu được nỗi khổ của mẹ nên dù đậu lớp 10, biết phải có áo dài đi học nhưng Nhàn không dám xin tiền mẹ.
Khi thầy Nghĩa đến nhà thông báo sẽ may áo dài tặng, Nhàn rất vui. Để ngăn cảm xúc của trò, cô Diễm vỗ về: "Ráng học nghen con, có học mới thay đổi được số phận", Nhàn nhắm nghiềm mắt, nói "dạ" rất nhỏ và tựa vào người cô.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Tác giả: Diepkinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn