Đó là chia sẻ của Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn với Tuổi Trẻ Online tại sân Trường THCS Tam Sơn (xưa là Trường cấp 2 Liên Sơn) - nơi phát động phong trào Nghìn việc tốt.
Người khởi xướng Nghìn việc tốt
Ở tuổi 83, thầy Thìn vẫn tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò.
Thầy Thìn cho hay, dù chỉ học hết lớp 7, nhờ tinh thần tự học, năm 18 tuổi ông đã trở thành thầy giáo trường làng. Sau đó, ông tiếp tục được phân công giáo viên tổng phụ trách Đội của Trường cấp 2 Liên Sơn (nay là Trường Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh).
Ngày 24-3-1963, thực hiện lời Bác Hồ dạy "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", thầy trò ông đi trồng cây hai bên đường vào nhà của nhà cách mạng Ngô Gia Tự, bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ, người con của huyện Từ Sơn.
Khi họp tổng kết, ông nảy ra sáng kiến, phát động phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", gọi tắt là "Nghìn việc tốt".
Sau đó, phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam. Ông đã đi từ Cao Bằng tới Cà Mau để nhân rộng phong trào.
Ban đầu, phong trào được phát động trong hàng ngũ thiếu niên, nhi đồng nhằm giáo dục con người thói quen làm việc tốt từ khi còn nhỏ. Đó là các học sinh cắt phiên thay nhau chăm sóc, chép hộ bài khi bạn ốm; khi bạn bị đau chân, các em phân công nhau cõng bạn đến lớp. Về nhà, các em là người chăn thả trâu bò, vỗ béo đàn lợn, chăm sóc đàn gà, giúp đỡ cha mẹ cơm nước hằng ngày.
Từ đó, hàng loạt khẩu hiệu như "Xóm thôn nghìn việc tốt", "Gia đình nghìn việc tốt", "Lớp học nghìn việc tốt"… được lan tỏa.
Thầy Thìn tâm sự: "60 năm qua, Nghìn việc tốt đã giúp các em nhỏ hình thành nhân cách con người thiện tâm, luôn vì đời và vì mình mà cố gắng. Làm nghìn việc tốt là làm nhiều việc tốt để trở thành người tốt, người chân chính, người có bản lĩnh".
Với thầy Thìn, đêm 28-12-1972 là một đêm không thể nào quên. Thầy kể lại, cô giáo Nguyễn Thị Kính là học trò đầu tiên tham gia Nghìn việc tốt, chồng cô đã hy sinh ở chiến trường. Đêm 28-12-1972, giặc Mỹ ném bom hủy diệt vườn hoa Nghìn việc tốt. Ném bom trúng vào nhà cô Kính, giết chết mẹ, ba người em trai và làm bố cô bị thương.
"Chỉ vài hôm sau, cô Kính chạy ra trường nói: Các thầy cứ xếp lịch cho em đi dạy học. Tinh thần ấy chỉ có thể là tinh thần chống Mỹ cứu nước, trả thù cho những người đã mất.
Từ sự việc này, phong trào Nghìn việc tốt đã lan tỏa rất nhanh. Đảng bộ ra quyết định xây dựng các xóm quê Nghìn việc tốt từ gia đình đến cộng đồng xã hội khu dân cư'', thầy Thìn nói.
Mùa xuân 1973, rất đông nhà giáo, học sinh, nhân dân đã mở hội trại ngay trên những hố bom B52 của giặc Mỹ với khẩu hiệu vô cùng mạnh mẽ: "Mừng Việt Nam đại thắng - Mừng thắng lợi 10 năm phong trào Nghìn việc tốt".
"Lúc này, Nguyễn Thị Kim Cúc là liên đội trưởng. Sau đó Cúc được đi tham dự Trại hè thiếu nhi quốc tế ở Berlin để kể chuyện với thiếu nhi quốc tế giặc Mỹ đã ném bom vào vườn hoa Nghìn việc tốt, nhưng sức sống của Nghìn việc tốt vẫn nở hoa kết trái. Cúc đến với các bạn bè quốc tế để trồng bông hồng trong vườn hữu nghị, hòa bình, đoàn kết thiếu nhi quốc tế", thầy Thìn cho biết.
Những năm 1970, phong trào Nghìn việc tốt không chỉ được nhân rộng trên tất cả trường học trong nước mà còn được nhiều quốc gia sang học hỏi kinh nghiệm. Năm 1971, Trường cấp 2 Tam Sơn (Bắc Ninh) đã kết nghĩa với các đội viên Trường Talơman (Đức). Từ đó đến nay, hai trường của hai quốc gia vẫn giữ liên lạc với nhau. Nghìn việc tốt đã thực sự trở thành một vườn hoa tỏa hương thơm ngát.
Trong khi đang dốc hết lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, năm 1978 thầy Thìn phát hiện mắc bệnh phong. Khi này các ngón tay của thầy Thìn bắt đầu co lại, không cảm giác.
Không chấp nhận số phận, trong suốt 4 năm ở trại phong Quỳnh Lập, thầy vừa chữa bệnh, vừa ươm mầm Nghìn việc tốt tại đây.
"Khi vào trại phong Quỳnh Lập, thấy cảnh các em thiếu nhi phải theo người thân vào trong bệnh viện, không được học hành, mình kiến nghị với bác sĩ giám đốc bệnh viện tập hợp các em tổ chức một lớp học tình thương với tổng số 152 em", thầy Thìn kể.
Tại trại phong Quỳnh Lập, những ai từng là giáo viên, học sĩ… những người có kiến thức đang điều trị bệnh đều được thầy Thìn tập hợp tham gia giảng dạy. Sau đó thành lập thành Trường Lê Văn Tám.
Bằng ý chí, nghị lực của mình, sau 4 năm, thầy Thìn đã chiến thắng bệnh tật, trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
4 năm thầy đi chữa bệnh cũng là 4 năm Nghìn việc tốt được ươm mầm và nở hoa ở một nơi vô cùng đặc biệt. Trong số các em học sinh ngày đó, nhiều em bây giờ là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên cấp 3... Thầy trò vẫn đang giữ liên lạc, thầy Thìn cho hay.
Thầy Thìn cho hay, Nghìn việc tốt đã trải qua 1 hoa giáp, tương đương với một đời người. Phong trào đã giữ được 60 năm lúc nào cũng như những cơn sóng dồn dập.
Với thầy Thìn, Nghìn việc tốt như mới vừa phát động ngày hôm qua, và bây giờ phải tiếp tục. Bởi thầy cho rằng, Nghìn việc tốt không bao giờ là cũ. Đó là tâm hồn Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, đó là ý thức và trách nhiệm công dân của người Việt Nam. Ý thức đó có từ tuổi thơ. Khi Tổ quốc cần thì thiếu nhi cũng sẵn sàng làm những việc lớn.
"Sau 60 năm, tôi nhận ra Nghìn việc tốt là di sản văn hóa của thiếu nhi thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Nghìn việc tốt đã "phát" là "động", đã "làm" là "hăng". Nghìn việc tốt giữ ngọn lửa niềm tin. Người làm giáo dục không được bỏ lãng đi. Những thử thách càng lớn càng phải làm tốt", thầy Thìn nói.
Thầy chia sẻ thêm, trong bối cảnh hiện nay, cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghìn việc tốt là một phương thức hoạt động của Đội để xây dựng và duy trì hành động cách mạng, hành động để tô thắm văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới.
Thực hiện Nghìn việc tốt để không bao giờ nguội lạnh về tâm hồn, giữ một tâm hồn nồng cháy để thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn