Trong đầu tôi lúc đó cho rằng ung thư là cửa tử. Khi đối diện với cửa tử, chúng ta sẽ sợ vì đâu rõ tương lai thế nào.
Nhưng tôi chỉ được sợ một hai ngày, chứ không thể ngày nào cũng sống trong sợ hãi. Tôi cho phép mình khóc trong một quãng thời gian ngắn, sau đó tiếp tục cuộc sống".
Tôi nghĩ muốn yêu đời hãy đi vào bệnh viện. Chúng ta hay cho rằng mình là nạn nhân, không hài lòng về cuộc sống. Nhưng không đâu, hãy đi vào bệnh viện và bạn sẽ thấy những hoàn cảnh rất kinh khủng. Chúng ta đã rất may mắn, đủ đầy.* Khi đối mặt với những điều tồi tệ, con người thường có xu hướng kể khổ, nhưng điều ấy không xuất hiện trong sách của chị. Để có thể lạc quan như hiện tại, chị đã phải trải qua những gì?
- Tôi nghĩ đơn giản một điều: quá khứ là những gì đã qua, mình không lấy lại được; còn tương lai là chuyện của ngày mai, mọi người cũng không biết được nó như thế nào.
Cuộc đời của mình là sống ở hiện tại, tức là những thứ mình có thể cầm nắm được, cảm nhận được. Nếu ở hiện tại mà chúng ta vẫn cứ đau khổ, vật vã hay trì trệ thì cuộc sống cũng không còn đáng sống.
Nên tôi nghĩ ngày mai những điều tốt đẹp vẫn đang ở phía trước, mình phải vượt qua khó khăn thì mới đến được những điều tốt đẹp.
Người ta có xu hướng tìm kiếm sự bình yên, nhưng nếu cuộc đời không có những gập ghềnh, sóng gió thì sự bình yên đôi khi sẽ làm người ta chán. Tôi nghĩ những điều này chỉ là thử thách mà tôi cần phải vượt qua cho cuộc đời có thêm nhiều xúc cảm và câu chuyện để kể hơn.
* Trong quãng thời gian đầu khi biết mình bị bệnh, có lần nào chị oán trách số phận mình không?
- Có những lúc đau đớn quá tôi không kiểm soát được ý chí của mình và muốn buông xuôi. Tại sao lại là tôi? Tại sao lại như vậy?
Và cuộc sống không phải ai cũng yêu thích mình, nên lúc biết tôi bị bệnh, có những người nói rằng do làm ác nên gặp quả báo. Điều đó làm tôi nghĩ mình đã làm điều gì sai hay sống sai.
Nhưng những bệnh nhi ung thư đã giúp tôi rất nhiều. Nhìn những đứa bé đó, tôi biết mình không làm gì ác hết. Cuộc sống của mỗi người sẽ gặp những điều tồi tệ khác nhau.
Sự ý chí, kiên cường của các em là bài học cho tôi. Các em chỉ là những đứa trẻ, chưa biết mình là gì mà các em có sự lạc quan như vậy thì sao tôi lại phải buồn bã?
* Những mảnh đời chị từng chứng kiến cho chị sức mạnh như thế nào?
- Những mảnh đời đó là câu chuyện để thấy cuộc đời mình còn rất nhiều may mắn, không ngồi than thân trách phận, oán thán cuộc đời này.
Bởi vì ở ngoài kia có nhiều hoàn cảnh còn kinh khủng hơn mình nữa. Nếu biết được bản thân mình đã may mắn thế nào, mình sẽ biết nhìn vào thực tế và chấp nhận những điều đã xảy ra, biết hài lòng với những gì mình đang có.
* Câu chuyện của chị đã tạo được một hiệu ứng lan tỏa nhất định đối với mọi người ở Đường sách TP.HCM vừa qua, đặc biệt là khi có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ điều đó đơn thuần xuất phát từ tình cảm và lòng trắc ẩn của họ với một bệnh nhân ung thư, chỉ là họ chưa có thời gian để thực hiện. Đến thời điểm này, đột nhiên có một quyển sách, một dự án nên họ tham gia mà không cần lý do. Đó là tấm lòng của họ.
Tác giả Thùy Trang dùng mọi lợi nhuận từ việc bán sách để gây quỹ cho bệnh nhi ung thư. Đến trưa ngày 5-4, tổng số tiền bán sách và ủng hộ của các nghệ sĩ, độc giả là 300 triệu đồng.
Số tiền này tác giả dùng mua 20 máy nước nóng lạnh đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, số còn lại chị đã chia thành các phần quà tiền mặt gửi tặng các bệnh nhi khoa ung bướu và khoa thận Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào sáng 6-4.
Theo https://tuoitre.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn