Hội thảo khoa học “70 năm ra đời tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Thứ ba - 15/10/2019 02:13
Ngày 14-10, tại Hà Nội, Ban Dân vận T.Ư phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng hình thức trực tuyến toàn quốc; trao giải cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư chủ trì hội thảo. Tại điểm cầu Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng hơn 500 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học ở Trung ương, TP Hà Nội và các địa phương đã về dự.


Hội thảo là dịp để cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa Di huấn của Bác về công tác dân vận; về giá trị lý luận, thực tiễn to lớn, vững bền của tác phẩm Dân vận, đồng thời nhìn lại công tác dân vận trong 70 năm qua.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Ra đời cách đây 70 năm, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Đảng. Giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách của Bác. Cùng với thời gian, tư tưởng dân vận của Người vẫn nóng hổi tính thời sự, khẳng định sức sống trường tồn, tiếp tục dẫn đường, soi sáng cho công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

Hơn 30 bản tham luận tham gia hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ các vấn đề: Thứ nhất, tác phẩm Dân vận là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Thứ hai, tác phẩm kết tinh tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, được cô đúc trong nhiều vấn đề lớn: Về bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận, nhằm tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng. Thứ ba, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc; là cẩm nang cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đối với công cuộc đổi mới hiện nay, nội dung tác phẩm Dân vận vẫn nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận. Tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hành động. Bên cạnh đó, triệt để đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích của các dự án, công trình kinh tế - xã hội đem lại cho dân, cho nước.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, việc nhận thức sâu sắc hơn những nội dung trong tác phẩm Dân vận của Bác là yêu cầu quan trọng trong tình hình mới. Từ đó, công tác vận động các tầng lớp nhân dân cần đi vào thực chất hơn nữa, lấy sự hài lòng, niềm tin của nhân dân là thước đo cho kết quả công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Niềm tin đó chính là sức mạnh để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc vượt qua thách thức, đạt được các mục tiêu phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Dân vận T.Ư và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp trao giải Cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019 cho 50 tác phẩm có chất lượng, tiêu biểu vào vòng chung khảo cuộc thi giai đoạn 2017-2020. Nhân dịp này, Ban tổ chức phát động cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2020, gắn với tổng kết cuộc thi giai đoạn 2017 - 2020.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây