VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

Thứ hai - 06/01/2020 04:24
VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ chỉ ở với chúng ta có 79 năm. Nhưng tư tưởng và sự nghiệp của Người có sức mạnh vượt qua cái hữu hạn để đi vào đời sống, kể cả đời sống tâm linh như một giá trị vĩnh hằng.

Trong hàng vạn bức điện và thư từ chia buồn với Đảng ta khi Bác mất, Chủ tịch Phidden đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống. Tức là bất tử”. Điều này cũng cho thấy dù Bác mất nhưng tư tưởng, nhân cách và những tấm gương đạo đức của Bác, tiêu biểu cho giá trị con người thì được truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy mà Bác Hồ của chúng ta bất tử trong lòng dân tộc và trong lòng nhân loại.

Nói đến Hồ Chí Minh có thể nói đến mấy nhận xét sau đây về sự thống nhất hữu cơ của Người:

- Đó là sự thống nhất giữa con người, cuộc đời và sự nghiệp.

- Thống nhất giữa tư tưởng, phương pháp và phong cách.

- Thống nhất giữa đạo đức, lối sống và nhân cách.

Tổng hợp sự thống nhất đó cho chúng ta thấy hiện tượng văn hóa Hồ Chí Minh. Một hiện tượng văn hóa độc đáo, xuất hiện trong xã hội hiện đại. Người là một lãnh tụ rất hiếm hoi trong thế kỷ XX đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống chính là đạt được sự thống nhất đó.

Hiện tượng văn hóa này rất lạ. Tại sao những người trình độ thấp nhất, thậm chí mù chữ, đọc Bác, nghe nói về Bác cũng hiểu. Những học giả uyên bác nhất của thế giới, nhất là các chuyên gia về Hồ Chí Minh học mà đọc Hồ Chí Minh, nghiên cứu cả đời về Hồ Chí Minh lại cảm thấy có cái gì đó chưa hiểu hết về Người.

Hiện tượng này có thể được giải thích rằng: Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng mà Người đạt đến trình độ một nhà hiền triết, một cốt cách của hiền triết, ý tại ngôn ngoại, hàm súc dư ba, tư tưởng vượt khỏi câu chữ, chữ nghĩa, lời văn, ẩn sâu, ẩn bên trong. “Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng ở giữa hai dòng chữ. Ở khoảng giữa hai dòng chữ”.

Đọc Hồ Chí Minh nếu không có sự thấu hiểu, thấu cảm thì không thấy hết chiều sâu và sự tinh tế trong tư tưởng của Người. Bác giản dị tới mức không thể giản dị hơn được nữa. Giản dị đến mức nhiều khi ở đời Người ta nhầm tưởng là giản đơn. Đây là sự nhầm lẫn lớn. “Bác giản dị chứ không giản đơn”. Giản đơn là sự hời hợt, nghèo nàn. Còn giản dị tức là tột cùng của sự sâu sắc, của sự phong phú thì mới giản dị được. Mỗi câu, mỗi ý của Người đều chạm đến cái lõi của sự vật.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây