VẠCH TRẦN BẢN CHẤT CÁI GỌI LÀ "BẢN TUYÊN BỐ ĐỒNG TÂM"

Thứ ba - 21/01/2020 04:33
Sau vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố (TP) Hà Nội), trên mạng xã hội xuất hiện cái gọi là “Bản tuyên bố Đồng Tâm” của những người tự xưng là tri thức, văn nghệ sỹ, tổ chức xã hội dân sự mà nội dung của nó chẳng có gì xa lạ ngoài những giọng điệu vu cáo, xuyên tạc bản chất vụ việc... Luận điệu sai trái của cái gọi là “Bản tuyên bố Đồng Tâm” đã bị Công an TP Hà Nội vạch trần.
VẠCH TRẦN BẢN CHẤT CÁI GỌI LÀ "BẢN TUYÊN BỐ ĐỒNG TÂM"

VẠCH TRẦN BẢN CHẤT CÁI GỌI LÀ "BẢN TUYÊN BỐ ĐỒNG TÂM"
===========
Sau vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, thành phố (TP) Hà Nội), trên mạng xã hội xuất hiện cái gọi là “Bản tuyên bố Đồng Tâm” của những người tự xưng là tri thức, văn nghệ sỹ, tổ chức xã hội dân sự mà nội dung của nó chẳng có gì xa lạ ngoài những giọng điệu vu cáo, xuyên tạc bản chất vụ việc... Luận điệu sai trái của cái gọi là “Bản tuyên bố Đồng Tâm” đã bị Công an TP Hà Nội vạch trần.

Theo đó, về hàng chục ha đất đồng Sênh, xã Đồng Tâm mà ông Lê Đình Kình và số đối tượng trong Tổ đồng thuận luôn cho rằng là đất của dân và khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua, Công an TP Hà Nội cho biết, từ năm 2017 đến nay, chính quyền các cấp đã thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân thống nhất cách giải quyết bức xúc của người dân liên quan các khiếu nại về đất Đồng Sênh.

Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm để có cơ sở pháp lý giải quyết dứt điểm các khiếu nại, thắc mắc.

Riêng trong năm 2019, Thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã 3 lần tổ chức công bố công khai kết luận thanh tra và kết luận kiểm tra rà soát, khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn (địa giới xã Đồng Tâm) là đất Quốc phòng. Độc giả có thể tìm hiểu nguồn gốc đất Đồng Sênh thông qua các bài viết được đăng tải công khai trên nhiều kênh báo chí, báo điện tử.

Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 25/11/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì hội nghị đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn. Cùng dự có Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các cơ quan của thành phố, huyện Mỹ Đức, huyện Chương Mỹ; đại diện lãnh đạo, nhân dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) và 3 xã Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ).

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thanh đã nêu rõ: “Sau khi Thanh tra thành phố Hà Nội ban hành Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 với nội dung chính khẳng định: Toàn bộ 238ha đất thuộc địa bàn 3 xã Trần Phú, Mỹ Lương, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi, giao cho quân đội từ năm 1980 để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Một số người dân không đồng tình Kết luận và khiếu nại với Thanh tra Chính phủ”.

Đến ngày 25/4/2019, sau quá trình xem xét rà soát, kiểm tra nghiêm túc, khách quan tính chính xác, hợp pháp của kết luận 2346/KL-TTTP-P5; Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 611/TB-TTCP khẳng định: “Việc tiến hành thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về thanh tra; các nội dung của Kết luận thanh tra phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm tính chính xác. Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội thực hiện Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội”.

Nhân chứng lịch sử Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng nhớ lại: ngay từ năm 1968, Chính phủ cho phép quân đội xây dựng sân bay bí mật ở khu vực Miếu Môn; quân đội đã xây dựng hệ thống hầm giấu máy bay trong các dãy núi song song với đường băng, cách vài trăm mét.

“Đầu tháng 4/1969, khi sân bay bằng đất và hệ thống hầm đã hoàn thành bước một thì chúng tôi nhận lệnh hạ cánh thử nghiệm sân bay và hầm cất giấu máy bay. Khi đó xung quanh sân bay hầu như không có người ở. Sau khi hạ cánh, máy bay được kéo vào hầm dưới sự chỉ huy của Đại tá Phùng Thế Tài. Khi đó chui qua hầm sang phía bên kia núi mới thấy người Mường ở trong bản gần đó”, Trung tướng Thái cho biết.

Trung tướng Phạm Phú Thái khẳng định, bản đồ đất Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng làm sân bay có từ năm 1968 và đất này không có tranh chấp. Khu vực đất này là đất quân sự. Mà đã là đất Quốc phòng thì mọi dự án đất đai đều phải đặt lợi ích này lên trên và người dân, các tổ chức có nghĩa vụ phải chấp hành khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều ưu tiên số một cho quốc phòng, an ninh chứ không riêng gì Việt Nam.

"Như vậy căn cứ vào đâu nhóm ông Lê Đình Kình luôn tự nhận là đất của dân, luôn cho rằng các quyết định thanh tra là không đúng sự thật để từ đó hô hào, kích động “Quyết tử giữ đất” trong khi bản thân ông Kình và số đối tượng trong Tổ đồng thuận không hề có đất ở, đất canh tác trong diện tích đất mà xã Đồng Tâm bàn giao cho Bộ Quốc phòng?", Công an TP Hà Nội nêu.

Thứ hai, về việc lực lượng Công an tiến vào làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020 có hợp pháp hay không, Công an TP Hà Nội làm rõ: Tình hình ANTT tại Đồng Tâm diễn biến phức tạp từ năm 2017 đến nay, đặc biệt là sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả rà soát kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội.

Ngay trong buổi đối thoại ngày 25/11/2019 của Thanh tra Chính phủ với người dân để thông báo kết luận rà soát thì một số đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã tập trung tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm, chửi bới những người phát biểu ủng hộ, tin tưởng với kết luận của thanh tra; số này còn dùng vũ lực, đe dọa các đại biểu phát biểu ủng hộ kết luận. Tháng 11/2019, UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức chi trả cho 14 hộ dân sinh sống trên đất sân bay Miếu Môn. Cả 14 hộ đều đồng tình, ủng hộ, tự nguyện di dời khỏi đất quốc phòng nhưng lại bị các đối tượng tổ đồng thuận kéo tới phản đối, chửi bới trong khi số này không hề có quyền lợi gì liên quan đến việc này.

Số đối tượng tổ đồng thuận còn tổ chức các buổi họp phản đối kết luận thanh tra, tuyên bố sẵn sàng hy sinh, đổ máu để giữ đất, chống đối việc xây tường rào rồi quay phim, ghi hình tán phát lên mạng Internet công khai đe dọa, thách thức chính quyền "không giết được từ 3 trăm đến 5 trăm thằng không phải dân Đồng Tâm". Không chỉ là lời đe doạ, số này đã chuẩn bị lựu đạn, bom xăng, vũ khí tự chế và ráo riết chuẩn bị phương án, vũ khí để chuẩn bị chống đối. Chúng âm mưu bắt cán bộ, gây cháy nổ UBND xã Đồng Tâm, gây cháy nổ cây xăng Đồng Tâm để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài nhằm ngăn cản việc thi công tường rào sân bay Miếu Môn.

Từ ngày 31/12, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng tường rào quanh khu vực sân bay Miếu Môn, nằm trên ba xã thuộc hai huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ. Việc xây dựng được bắt đầu từ khu vực đất Chương Mỹ và ngay từ đầu đã bị những người cực đoan ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức chống đối. Họ tự lột quần áo giữa đường để gây rối; dựng lều bạt, cử người cảnh giới trước cửa khu huấn luyện Miếu Môn, phát loa tuyên bố "Đồng Sênh là đất Đồng Tâm"; phân công các phần tử quá khích mang dao đến nhà Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm đe doạ, hung hăng tuyên bố sẽ cho nổ nhà Chủ tịch xã, doạ chém cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã...

Đến sáng 9/1/2020, khi Bộ quốc phòng tổ chức thi công tường rào tại khu vực xã Đồng Tâm trên phần đất mà các đối tượng luôn tự cho rằng là đất của dân; bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Thành phố đã nắm được toàn bộ âm mưu, ý đồ phá hoại, gây rối của ông Lê Đình Kình và “Tổ đồng thuận”.

Trước diễn biến ngày càng xấu về ANTT tại xã Đồng Tâm, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn và nhân dân; bảo đảm việc thi công tường rào đúng tiến độ đề ra; Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an triển khai các chốt bảo vệ tại xã Đồng Tâm.

"Đây là việc làm hết sức cần thiết, thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an theo đúng quy định pháp luật; lực lượng Công an khi vào xã Đồng Tâm đều xác định đây là việc chủ động phòng ngừa tội phạm không phải để thực hiện việc bắt giữ, đàn áp người dân hay thực hiện các biện pháp tố tụng hình sự", cơ quan chức năng khẳng định.

Còn về việc bắt giữ, xử lý số đối tượng chống đối tại Đồng Tâm có đúng quy định pháp luật Việt Nam hay không, Công an TP Hà Nội thông tin, diễn biến tình hình ngày 09/01/2020 cho thấy ngay khi lực lượng Công an đang triển khai các chốt bảo vệ thì các đối tượng trong Tổ đồng thuận mà cầm đầu là ông Lê Đình Kình tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt.

Khi bị tấn công, lực lượng Công an vẫn kiềm chế kiên trì dùng loa tuyên truyền, kêu gọi, thuyết phục các đối tượng chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, số này lại cho rằng sự kiềm chế chứng tỏ lực lượng công an không dám mạnh tay nên càng hung hãn, cố thủ trong nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Công và tiếp tục sử dụng lựu đạn, bom xăng tấn công gây nguy hiểm cho lực lượng Công an mà trực tiếp là sự đổ máu, là tính mạng của 3 cán bộ, chiến sỹ Công an.

Điều đáng nói ở đây 3 cán bộ chiến sỹ Công an hi sinh không sử dụng vũ khí quân dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với đối tượng, người dân và chính người thân đối tượng",

Số hung khí, vũ khí nguy hiểm cơ quan Công an thu giữ của các đối tượng

"Chính vì vậy, lực lượng Công an buộc phải nổ súng trấn áp, bắt giữ các đối tượng chống đối nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ cũng như an toàn của người dân xung quanh. Đây là biện pháp cần thiết và là biện pháp cuối cùng được pháp luật cho phép", Công an TP Hà Nội nhấn mạnh. "Tuy nhiên, việc nổ súng cũng được kiềm chế tới mức thấp nhất, chỉ ông Lê Đình Kình bị tiêu diệt, trong khi lực lượng công an được trang bị vũ khí hiện đại nếu quyết tâm tấn công mạnh, chắc chắn số đối tượng thương vong sẽ lớn hơn nhiều".

Bên cạnh việc nổ súng trấn áp, các lực lượng chức năng cũng đã dũng cảm vây bắt các đối tượng nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho nhân dân và người thân đối tượng. "Thử hỏi những cá nhân, tổ chức ký tên vào bản tuyên bố Đồng Tâm đang sinh sống ở nước ngoài, nếu sự việc này diễn ra ở nước ngoài thì cảnh sát các nước sẽ dùng biện pháp gì để trấn áp", Công an TP Hà Nội đặt vấn đề, đồng thời đưa câu trả lời được chứng mình từ thực tế. "Chắc chắn sẽ là nổ súng để tiêu diệt nhằm bảo đảm an toàn cho người thi hành công vụ và nhân dân".

Như vậy, cơ quan chức năng kết luận, việc lực lượng Công an tiêu diệt, vây bắt xử lý các đối tượng tấn công các đối tượng gây rối, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020 là hoàn toàn chính đáng và theo đúng quy định Pháp luật Việt Nam nhằm trấn áp, chấm dứt hành vi phạm pháp quả tang; trong trường hợp này không cần phải có lệnh bắt giữ. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp các nước trên thế giới cũng sẽ cho phép lực lượng thực thi pháp luật xử lý các hành vi phạm pháp quả tang.

Về luận điệu những người tự xưng là tri thức, văn nghệ sỹ, tổ chức xã hội dân sự cho rằng người dân Đồng Tâm "bị đàn áp", Công an TP Hà Nội phân tích, khi lực lượng chức năng bắt đầu xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, các đối tượng đã lên Kế hoạch, chuẩn bị bom xăng, lưu đạn và hung khí tự chế nhằm tấn công lực lượng chức năng. Thậm chí, các đối tượng chống đối còn hung hăng tuyên bố chấp nhận đổ máu, giữ đất đến cùng ngay trên mạng xã hội Facebook. Có đối tượng còn manh động mang dao đến nhà, đe doạ Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, doạ chém cán bộ Ban chỉ huy quân sự xã hay đe doạ, chửi bới lăng mạ những hộ dân chấp nhận đi dời.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tuyển khai nhận: “Cụ Kình (tức Lê Đình Kình) bảo cứ cho 3 thằng chết là chúng nó phải chạy hết”; và “ông Công (tức Lê Đình Công- con của Lê Đình Kình) bảo không cần phải bàn nhiều, đứa nào cứ xông vào là chiến…”.

Sau vụ việc, bước đầu lực lượng chức năng thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa tại nhà các đối tượng.

Ngoài ra, cũng theo Công an TP Hà Nội, các đối tượng chống đối còn thu nhận số đối tượng nghiện hút, tiền án, tiền sự làm "đệ tử" để lợi dụng số này phục vụ cho các hoạt động gây rối, mất an ninh rật tự tại địa phương, thậm chí là đe doạ, khống chế những người không đồng tình với Tổ đồng thuận.

"Như vậy, cái gọi là Tổ đồng thuận không còn là người dân mà là băng nhóm tội phạm có dấu hiệu hoạt động theo kiểu khủng bố, phá hoại đi ngược lại lợi ích quốc gia; trong khi hầu hết người dân Đồng Tâm ủng hộ việc thu hồi đất của Bộ Quốc phòng", Công an TP Hà Nội cho biết.

Tính đến thời điểm hiện tại, căn cứ tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 20 đối tượng Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Lê Đình Chức, Bùi Văn Niên, Nguyễn Văn Tuyển, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Quân để điều tra hành vi Giết người; Khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 2 đối tượng Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến để điều tra về hành vi Chống người thi hành công vụ.

Trong đó nhiều đối tượng có quan hệ họ hàng thân thích với ông Lê Đình Kình như: Lê Đình Công, Lê Đình Chức- con trai ông Kình, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy- cháu nội ông Kình, Lê Đình Quang, Bùi Thị Đục, Bùi Thị Nối đều nhận ông Kình là bố nuôi; có thể nói “Tổ đồng thuận” mà chúng rêu rao là đại diện người dân Đồng Tâm chỉ là nhóm người thân của ông Kình, hoạt động theo sự chỉ đạo của ông Kình nhằm mưu lợi cá nhân. Theo các tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, có căn cứ xác định gần một nửa số tiền được quyên góp dưới danh nghĩa đi đòi đất đã được chia cho bố con ông Kình.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng bước đầu đã thừa nhận hành vi phạm tội; khai nhận ông Lê Đình Kình là người chủ mưu cầm đầu gây ra vụ việc (Chúng ta có thể xem lại những video clip lời khai của các đối tượng tại cơ quan Công an của Đài truyền hình Việt Nam để hiểu rõ hơn). Như vậy ở đây, cơ quan Công an tấn công, trấn áp những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật quả tang, không phải là đàn áp nhân dân.

Sau sự việc Đồng Tâm, lực lượng Công an triển khai tại xã Đồng Tâm luôn được sự quan tâm ủng hộ của nhân dân địa phương và các xã xung quanh; nhiều Tổ công tác được người dân ủng hộ đồ ăn, nước uống, chăn màn... Hoạt động của người dân Đồng Tâm diễn ra bình thường trong không khí bình yên không căng thẳng, lo lắng như những ngày còn tồn tại Tổ đồng thuận.

Đặc biệt, ngay trong Lễ tang 3 liệt sỹ trong sáng ngày 16/01/2020, đoàn đại diện người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm cũng đến viếng tang. Đây chính là sự tri ân sâu sắc nhất của người dân địa phương với 03 đồng chí, những người đã hi sinh để mang lại sự bình yên cho nhân dân thôn Hoành, chấm dứt những hành vi coi thường kỷ cương phép nước, đe dọa, khống chế người dân Đồng Tâm của ông Lê Đình Kình và cái gọi là “Tổ đồng thuận”.

Công an TP Hà Nội khẳng định, lời kêu gọi “Lập tức điều tra một cách khách quan trung thực về sự thật xung quanh vụ đổ máu ngày 9/1/2020 ở Đồng Tâm có sự tham dự của báo chí, giới luật gia, các nhân sĩ và tổ chức dân sự độc lập. Khởi tố vụ án không chỉ đối với những người dân bị coi là chống đối, mà cả với những người ra mệnh lệnh, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào khu dân cư trong đêm tối một cách bất minh vì đó là nguyên nhân buộc người dân chống đối” trong bản Tuyên bố Đồng Tâm chỉ là sự lập lờ đổi trắng thay đen nhằm bôi nhọ, xuyên tạc vụ việc.

Theo cơ quan chức năng, từ sau khi sự việc Đồng Tâm xảy ra, thông tin vụ việc được công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Công an Thành phố và cung cấp cho các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng; chính quyền các cấp và lực lượng Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ từng hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra hoàn toàn khách quan, tuân theo quy định pháp luật và sẽ có sự tham gia của các luật sư nếu các đối tượng có yêu cầu, kết quả xử lý các đối tượng chắc chắn sẽ được công khai để răn đe những đối tượng đang có ý đồ chống phá, gây rối ANTT. Thử hỏi, lời kêu gọi này có nhằm mục đích gì ngoài việc xuyên tạc dẫn dắt dư luận, làm sai lệch bản chất vụ án; kích động các đối tượng cực đoan, gây ra những vụ gây rối chống người thi hành công vụ và thậm chí giết người một cách dã man, tàn bạo

"Một lần nữa, có thể khẳng định cái gọi là Bản tuyên bố Đồng Tâm thực chất chỉ là những lời lẽ xuyên tạc, kích động làm sai lệch bản chất vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại Đồng Tâm ngày 09/01/2020; những kẻ soạn ra tuyên bố này, ghi danh ủng hộ tuyên bố này thực chất chỉ nhằm mục đích chống phá Nhà nước, ủng hộ kích động những hành vi vi phạm pháp luật của những phần tử chống đối, phá hoại núp bóng “dân Đồng Tâm”. Hay nói cách khác Bản tuyên bố này chỉ là trò hề mà các thế lực thù địch và phần tử phản động, chống đối dựng lên", Công an TP Hà Nội nêu rõ. "Chúng ta hãy chờ xem những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng ở Đồng Tâm sẽ bị xử lý thích đáng thế nào".

***
Qua điều tra vụ án Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản số 0611001987139 mở tại Ngân hàng VCB mang tên NGUYEN THUY HANH.

Công an Thành phố Hà Nội đề nghị các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nâng cao cảnh giác, không gửi tiền vào tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.

Báo Pháp Luật Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây