Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 6/2019

Thứ tư - 05/06/2019 03:06
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 6/2019. Đề nghị các Huyện, Thị, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc triển khai đến các cấp bộ Đoàn của đơn vị mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những ngày đáng nhớ trong tháng 6:

- Ngày 01/6/1950: Kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi.

- Ngày 05/6/1972: Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới.

- Ngày 05/6/1911: Kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

- Ngày 11/6/1948: Kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

- Ngày 21/6/1925: Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

- Ngày 28/6/2001: Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6
I. Lịch sử ra đời

Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, quân phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.

II. Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.

Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác Hồ luôn hết sức quan tâm, dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
 
 Nguồn: vietnamnet.vn

05/6: Ngày Môi trường thế giới

Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.

Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người&Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển từ 5 - 6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5/6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu. Trong ngày này, nhân dân trên toàn thế giới sẽ nhận được một thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó có nêu lên các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chung trên toàn thế giới.

Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hợp quốc đã phát động thêm lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng ngày môi trường thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.

Từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới trong phạm vi cả nước. Hàng năm Bộ Tài nguyên&Môi trường thường phối hợp với các cơ quan liên quan phát động và tổ chức sôi nổi ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước với các hoạt động như tổ chức các chiến dịch làm sạch đẹp môi trường sống, môi trường làm việc... và cũng chọn ra một địa phương đại diện làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước. Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới hàng năm ở Việt Nam thường có sự tham gia của mọi tầng lớp dân chúng như các quan chức Chính phủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức quốc tế và các Đại sứ quán ở Việt Nam, học sinh, sinh viên và các tổ chức xã hội quần chúng.

Ngày Môi trường Thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú, như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thi và làm sạch môi trường.
Nguồn: http://vacne.org.vn - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Kỷ niệm 71 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948/ 11-6-2019): “Thi đua là yêu nước...”

71 năm qua, thực tiễn phong trào thi đua đã minh chứng vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là người khởi xướng, vừa dẫn dắt, lãnh đạo phong trào phát triển. Trong công cuộc tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập và phát triển hôm nay, những tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, mọi cấp, ngành hưởng ứng tham gia.

Không những đến năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh mới phát động phong trào “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mà ngay từ những năm 1919 và những năm 20 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói tới chủ nghĩa yêu nước, truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam. Tại diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ II, Hồ Chí Minh đã nêu lên nhận định khái quát “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của ta”, và Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(1). Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, là bài giảng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1927, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(2).

Ngày 11-6-1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Và Người khẳng định: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”(3).

Nhìn lại chặng đường 71 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, có thể khẳng định rằng: Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay đều gắn liền với việc quán triệt và tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2016-2020 đã được các ngành, các cấp hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”; “Dạy tốt, học tốt”; “Dân vận khéo”; đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau…”. Những điển hình tiên tiến xuất hiện trong các phong trào thi đua yêu nước không phải biểu hiện chỉ ở những thành tích cá nhân. Vượt lên chính bản thân mình, họ là những tấm gương “vì nước, vì dân” - phẩm chất ưu tú được hình thành từ sự giáo dục tư tưởng của Đảng, từ niềm tin vào lý tưởng cách mạng, từ sự giúp đỡ của tập thể, rèn luyện của công việc và chỉ bảo, dạy dỗ của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng”(4).

Ngày nay, cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, thấy rõ sự tất yếu, vị trí, mục đích, ý nghĩa, nội dung và cách thức của thi đua yêu nước theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có chủ trương, quan điểm và tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước nhằm tập hợp, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện đường lối của Đảng, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Đồng thời, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “phải có sự lãnh đạo đúng”, “phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân, bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là, phải sao cho mỗi người, mỗi nhóm, mọi người tự giác, tự động”(5) tham gia.

Hai là, “thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người”(6). Bởi vậy, thi đua sản xuất nhằm tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, không xa rời mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, vận động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phải nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, cũng là ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”(7).

Ba là, gắn các phong trào thi đua yêu nước thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội với mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trên cơ sở thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của thi đua”, “Thi đua cải tạo con người”, “Thi đua là cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. Phải xây dựng những mẫu người, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”(8).

Bốn là, làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: thi đua phải toàn dân, toàn diện, lâu dài, rộng khắp, không chỉ trong thời gian này, không chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào để tổ chức phong trào thi đua yêu nước và “trong thi đua chúng ta cần phải bồi bổ lực lượng và tinh thần cho quần chúng”(9). “Để phát triển thi đua, thì chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống tham ô lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, nó làm cho phong trào chậm tiến và nạn tham ô lãng phí sẽ giảm bớt kết quả của phong trào thi đua(10).

Năm là, thực hiện phương pháp nêu gương, xây dựng điển hình tiên tiến. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phương pháp nêu gương, xây dựng điển hình tiên tiến và Người đã sử dụng rất thành công phương pháp này trong phong trào thi đua yêu nước cũng như giáo dục cán bộ, đảng viên. Trong các phong trào thi đua yêu nước, Người thường quan tâm xây dựng các điển hình tiên tiến và khéo sử dụng các tấm gương đó để động viên quần chúng noi theo. Với cách đó, Người kịp thời động viên, cổ vũ các tấm gương người tốt việc tốt; lấy các tấm gương tốt có thật trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân để giáo dục lẫn nhau; bồi dưỡng, nêu gương, nhân rộng người tốt việc tốt.

Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, bám sát chủ đề thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phát động “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng bảo vệ Tổ quốc”; quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, “chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau giai đoạn 2016-2020”; thực hiện hiệu quả các nghị quyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Đặc biệt, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

*(1 đến 10) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, Nxb CTQG, HN, 2008.
 
 
Lịch sử Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6


Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày kỉ niệm ra đời số báo "Thanh niên" đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây cũng là dịp tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, và nhiều khi là cả máu và nước mắt để độc giả có được những bài báo hay phản ánh chân thực các sự kiện nóng hổi.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ XIX đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21- 6 - 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Từ khi có Báo Thanh Niên, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là Báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh,…
Ngày 02/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Ngày 05/02/1985, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hoá dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hoá tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hoá xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay đã và đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân./.
 
Nguồn: Trung tâm Thông tin và Tạp chí AMC

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2019

Giảm số lượng công chức cấp xã; say rượu không được lên máy bay... là những quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 6.

Say rượu không được lên máy bay:

Thông tư 13/2019 của Bộ giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 1/6 quy định các hãng hàng không từ chối chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác.

Ngoài ra, việc chấp nhận chuyên chở hành khách bị bệnh tâm thần do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định. Khi chấp nhận chuyên chở phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Hành khách bị bệnh tâm thần phải có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của hành khách.

Trong trường hợp cần thiết, hành khách bị bệnh tâm thần cần phải được gây mê trước khi lên tàu bay, thời gian bay không được lâu hơn thời gian tác dụng của thuốc; hành khách bị bệnh tâm thần và hành lý, vật dụng của họ phải được kiểm tra trực quan; việc kiểm tra có thể được bố trí tại khu vực riêng.

Săn bắn, giết động vật rừng bị phạt đến 400 triệu đồng:

Có hiệu lực từ 10/6, Nghị định 35/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp quy định hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 5 - 400 triệu đồng; ngoài ra còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung.

Hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh có thể bị phạt từ 1,5-3 triệu đồng.
Các hành vi chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc... gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

Không nhập khẩu máy móc cũ quá 10 năm tuổi:

Quyết định 18/2019 của Thủ tướng quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có hiệu lực từ ngày 15/6, đưa ra một số tiêu chí nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng như sau: Tuổi thiết bị không quá 10 năm; riêng một số loại máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột giấy cho phép có tuổi không quá 15 - 20 năm.

Máy móc, thiết bị phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy chuẩn Việt Nam về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp các nước xuất khẩu đã loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường...

Giảm số lượng của cán bộ, công chức cấp xã:

Từ ngày 25/6, Nghị định 34/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ có hiệu lực.

Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giảm xuống chỉ còn: Loại 1: Tối đa 23 người (trước đây là 25 người); loại 2: Tối đa 21 người (trước đây là 23 người); loại 3: Tối đa 19 người (trước đây là 21 người).

Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức giảm một người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã...
Ngoài ra Nghị định cũng quy định cử nhân có bằng đại học loại giỏi sẽ được tuyển thẳng vào công chức cấp xã, thay vì trải qua xét tuyển như hiện nay.

Infographic - Những điều cần biết về Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh sán lợn
 

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây