Vượt 600 ca nhiễm và có 3 ca tử vong, Phú Yên họp khẩn chống dịch Covid-19

Thứ ba - 13/07/2021 02:20
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên cho biết, từ 8 giờ đến 17 giờ ngày 12/7 Phú Yên đã ghi nhận thêm 46 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có thêm 3 trường hợp tử vong.
Lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho tất cả 1.150 người dân khu vực phong tỏa buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, Phú Yên.
Lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho tất cả 1.150 người dân khu vực phong tỏa buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, Phú Yên.

Trong 46 ca mắc mới, có 40 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa; 6 ca qua sàng lọc cộng đồng (trong đó có một nhân viên y tế). Như vậy từ ngày 23/6 đến nay Phú Yên đã có 603 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là thành phố Tuy Hòa với 355 ca.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại tỉnh, chiều tối 12/7 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng chống dịch, những tồn tại và bàn các giải pháp cấp bách tiếp theo.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương chỉ đạo nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn Phú Yên vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Với mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là ưu tiên hàng đầu, trong giai đoạn này, chúng ta cần ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Đồng chí Phạm Đại Dương cho rằng, một trong những điểm mấu chốt của công tác phòng chống dịch chính là lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và khoanh vùng, cách ly.

Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh cần thực hiện phương châm thần tốc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, không để trùng lặp, bỏ sót; phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Xét nghiệm phải theo chỉ định chuyên môn, tránh dàn trải gây tốn kém, lãng phí, trả kết quả nhanh trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu đối với F1, công bố ca bệnh trong thời gian sớm nhất có thể, không để tồn lưu mẫu để phục vụ điều tra, truy vết và cách ly, điều trị.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, tổng hợp báo cáo, bảo đảm kết nối liên thông để có chỉ đạo kịp thời.

Đối với các khu vực đã được khoanh vùng thì phải quản lý chặt, không để tình trạng ngoài chặt, trong lỏng.

Thực hiện khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể trên cơ sở đánh giá mức nguy cơ, kết quả điều tra dịch tễ, không máy móc áp dụng theo địa giới hành chính; khi chưa khoanh được hẹp thì tạm thời khoanh rộng và khẩn trương điều tra dịch tễ, xác định phạm vi lây nhiễm để nhanh chóng thu hẹp khu vực giãn cách.

Thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của ngành y tế trong khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo. Các trường hợp bệnh có diễn biến nặng cần kịp thời điều trị, xử lý. Khi có vắc xin thì cần được triển khai nhanh, đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên, công khai, công bằng. “5K + vaccine” là giải pháp quan trọng trong phòng chống dịch.

​Việc cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong khu cách ly, khu phong toả cần được bảo đảm và triển khai một cách khoa học, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu.

Đối với các nơi ngoài khu vực cách ly thì có giải pháp để người dân có thể mua được thực phẩm, đồ dùng thiết yếu nhưng phải bảo đảm về phòng chống dịch. Kinh nghiệm đã qua cho thấy, chợ, trung tâm thương mại là những nơi dễ xảy ra bùng phát dịch bệnh nhất. Có biện pháp thiết thực hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản của khu vực bị cách ly, phong tỏa.

​Phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, đôn đốc, nhắc nhở, nắm tình hình, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn đặc biệt trong giám sát cách ly tại nhà, theo dõi y tế sau cách ly, người về từ vùng dịch.

​Mỗi địa phương, trên cơ sở Quyết định 2686/QĐ-BCĐ ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đánh giá mức độ nguy cơ của địa phương mình. Trên cơ sở đó, đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh để đưa ra giải pháp hành chính về phòng, chống dịch bệnh phù hợp.

Công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống dịch. Người dân cần hiểu được về dịch bệnh, nắm rõ về phương thức phòng chống dịch bệnh, biết được các hướng dẫn, quy định thì mỗi người dân mới có thể là một pháo đài, thì chúng ta mới có thể thực hiện phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thống nhất, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau (như báo, website, tivi, đài phát thanh, loa phường, facebook…) với thông tin đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ tiếp cận. Không để người dân hoang mang do thiếu thông tin, hay thông tin không chính thống.

Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh và các địa phương thành lập các đường dây nóng để chủ động tiếp nhận, xử lý và giải quyết các kiến nghị của người dân công khai, minh bạch; cung cấp thông tin kịp thời, khách quan cho nhân dân, nhất là về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch.


TRÌNH KẾ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây