Anh Nguyễn Tấn Lợi – Đoàn viên chi đoàn thôn Xuân Bình, xã An Xuân. Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ Ô tô tại trường Cao đẳng nghề Phú Yên, anh Lợi đã quyết định xuất khẩu lao động tại Malaisia 02 năm từ năm 2014. Sau khi hết thời gian tham gia xuất khẩu lao động về nước, anh Lợi về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi Dúi, Chồn Hương và Gà thả vườn. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, điều kiện khí hậu chưa phù hợp và thức ăn chưa đảm bảo, hơn một nửa số lượng giống anh Lợi nhập về đã bị chết, khiến anh thất thoát hơn 100 triệu đồng. Đến năm 2019, anh Lợi được tiếp cận từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt nguồn vốn 120) thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số tiền được giải ngân là 90 triệu đồng. Anh Lợi đã mạnh dạn vào mở rộng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải, mua thêm con giống các loại vật nuôi như chồn hương, chim trĩ, gà thả vườn và chim công. Đến nay, anh Lợi đã ổn định sản xuất với diện tích trang trại hơn 5000m2, với quy mô chăn nuôi các loại chim trĩ, gà thả vườn, chồn hương, chim công và bò sinh sản. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp này, hàng năm đã đem lại cho gia đình anh thu nhập hơn 350 triệu đồng, lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng.
 |
 |
Năm 2021, Tỉnh đoàn – Hội LHTN VN tỉnh Phú Yên thăm quan, hỗ trợ mô hình của Anh Lợi.
Cũng như anh Lợi, anh Nguyễn Anh Quân – đoàn viên thanh niên thôn đoàn thôn Phú Tân 1, xã An Cư, là một trong những đoàn viên, thanh niên sử dụng hiệu quả vốn vay chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy An. Năm 2020, cá nhân anh Quân đạt giải nhì Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp thanh niên tỉnh Phú Yên với ý tưởng “Phát triển làng nghề truyền thống dệt chiếu cói kết hợp du lịch trên vùng Đầm Ô Loan”. Đến năm 2021, anh Quân đã được Đoàn thanh niên xã An Cư giới thiệu và tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 40 triệu đồng. Anh Quân đã mạnh dạn triển khai ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực bằng việc đầu tư mở rộng xưởng đan chiếu cói, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng cói như túi xách, hộp quà, mũ nón, … và mở tour trải nghiệm với làng nghề chiếu cói. Hiện nay, đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - dịch vụ - du lịch chiếu cói An Cư. HTX hiện đang tạo việc làm cho 08 lao động chính với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động thời vụ với thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng/người/ngày.
Đoàn viên, thanh niên huyện tham quan, học tập mô hình của Anh Quân.
Trên địa bàn huyện hiện có hơn 3,8 nghìn đoàn viên, thanh niên vay vốn ưu đãi của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 187 tỷ đồng. Đây là kênh vốn vay quan trọng, đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp... Là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác qua đoàn thanh niên, đến nay Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy An đang ký hợp đồng ủy thác với 15/15 đoàn thanh niên xã, thị trấn với 37 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 70 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách xã hội có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, là điểm tựa cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong đó có đoàn viên thanh niên hi vọng vươn lên thoát nghèo trong cuộc sống. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-CT/TW một lần nữa khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.
Diễm My