Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ hai - 03/04/2023 00:16
Sau 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy CĐS của tỉnh.
Tỉnh Phú Yên ra mắt Trang thông tin điện tử chuyển đổi số tỉnh và Trang An toàn giao thông tỉnh nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 2022. Ảnh: THỦY TIÊN
Tỉnh Phú Yên ra mắt Trang thông tin điện tử chuyển đổi số tỉnh và Trang An toàn giao thông tỉnh nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 2022. Ảnh: THỦY TIÊN

Tích cực triển khai

Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn

Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1/2022 nhằm phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tại Phú Yên, triển khai đề án này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đề án theo đúng nội dung, nhiệm vụ và tiến độ đề ra.

Theo UBND tỉnh, để đảm bảo tiến độ triển khai đề án, định kỳ hàng tháng, Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ công tác theo lộ trình của Chính phủ. Qua đó, tổ chỉ đạo các cơ quan thành viên, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Đề án 06 trong phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện đề án; tăng cường nguồn lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, đường truyền, thiết bị... Đồng thời tập trung số hóa dữ liệu của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để đảm bảo tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống.

Ở cơ sở, việc thực hiện đề án này cũng được các địa phương tập trung triển khai quyết liệt. Hiện nay, 9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tổ công tác, xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch thực hiện Đề án 06 cấp huyện; 110 xã, phường, thị trấn và 607/607 thôn, buôn, khu phố thành lập tổ công tác triển khai Đề án 06. Ông Cao Đình Huy, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Thực hiện Đề án 06, UBND TP Tuy Hòa đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản triển khai; chỉ đạo UBND các xã, phường thành lập 16 tổ công tác xã, phường và 91 tổ công tác thôn, khu phố, đầu tư trang thiết bị công nghệ phục vụ CĐS… Đến nay, thành phố đã thu nhận 134.991 hồ sơ cấp căn cước công dân, chiếm tỉ lệ 96%, cấp được 21.024 tài khoản định danh điện tử, chiếm gần 15%.

Bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Sở đã phối hợp với Sở TT-TT, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) thực hiện việc chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, Hệ thống thông tin lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp. Đến nay, các thủ tục hành chính do sở đảm nhận trực tiếp đã thực hiện số hóa 100%, đảm bảo đúng thời gian quy định. Trong năm 2022 có 6.251 hồ sơ đăng ký trực tuyến, chiếm hơn 87% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Theo UBND tỉnh, sau 1 năm triển khai Đề án 06, toàn tỉnh đã thành lập các tổ công tác từ tỉnh đến các thôn, buôn, khu phố và đều hoạt động hiệu quả. Công tác làm sạch dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Công an; hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho các đối tượng ưu tiên. Các dịch vụ công thiết yếu, nhất là các dịch vụ công trực tuyến và công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả quan trọng, được nhân dân, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Khắc phục khó khăn

Quá trình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều vướng mắc, trở ngại. Một trong những khó khăn gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai là trình độ công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, phần lớn chưa hiểu rõ quy trình đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến và vẫn chọn nộp hồ sơ trực tiếp cho cán bộ thực hiện. Trong khi đó, cán bộ thực hiện vẫn đang kiêm nhiệm nhiều việc và chưa được tập huấn kỹ các quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, trình độ công nghệ thông tin cán bộ cấp xã còn hạn chế.

 

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa thuận lợi cho việc nộp hồ sơ trực tuyến; một số quy trình người dân kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến vẫn chưa được thực hiện tốt do thủ tục phức tạp, đòi hỏi phải trực tiếp hướng dẫn chi tiết; việc bố trí kinh phí thực hiện đề án chưa kịp thời…

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh làm thủ tục về căn cước công dân cho người dân. Ảnh: HOA SIÊM

Để khắc phục những vấn đề trên, hiện các đơn vị, địa phương đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo việc thực hiện Đề án 06 đúng lộ trình. Theo bà Phan Thị Hoa, hiện nay, việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh đang được tập trung triển khai và chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (giai đoạn hiện hành) đã được các địa phương làm rất tốt; các giai đoạn còn lại, đặc biệt là từ năm 2015 trở về trước, việc số hóa gặp nhiều khó khăn do dữ liệu hộ tịch đều phải lấy từ sổ hộ tịch cũ, nhiều tài liệu đã mờ, khó tra cứu, khó sao chụp…

“Khắc phục những khó khăn này, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo UBND các địa phương để kịp thời chỉ đạo công an các huyện, xã phối hợp với công chức hộ tịch cùng nhập dữ liệu trên hệ thống phần mềm dịch vụ công để đẩy nhanh tiến độ. Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát tờ gấp, tờ rơi hoặc tuyên truyền thông qua các cuộc họp với các địa phương…”, bà Hoa cho biết.

Còn theo Sở Tài chính, nhằm đẩy mạnh việc số hóa thông tin, dữ liệu góp phần CĐS ở địa phương, sở đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin với tổng số tiền hơn 36 tỉ đồng. Ngoài ra, căn cứ trên cơ sở dự toán của các đơn vị và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, Sở Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu (theo phân cấp ngân sách) cho UBND tỉnh bố trí thêm kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06.

ĐỒNG CHÍ TẠ ANH TUẤN, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Đảm bảo thực hiện đề án đúng lộ trình Công tác ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia; trong đó triển khai nhiệm vụ kết nối, chia sẻ, khai thác, đồng bộ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và thực hiện dịch vụ công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách. Do đó đề nghị mọi người phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và chỉ tiêu của đề án theo đúng lộ trình đề ra trong năm 2023.
Các sở, ngành, địa phương phải xác định thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, là nội dung đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu CĐS, hướng đến lợi ích chung, trong đó lợi ích của người dân là trung tâm; cần có sự chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung của đề án; cân đối, bố trí ngân sách đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ đề án và công tác CĐS trên địa bàn. Đẩy mạnh tiến độ số hóa hồ sơ, tài liệu trong giải quyết thủ tục hành chính để tái sử dụng; hướng dẫn khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Công an tỉnh phát huy vai trò cơ quan thường trực tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của trung ương để triển khai ở địa phương.


Theo https://baophuyen.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây