Quản trị dữ liệu, tiền đề chuyển đổi số

Thứ hai - 17/07/2023 22:07
Hội thảo Chuyển đổi số - Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn thông tin số TX Sông Cầu năm 2023 vừa được Sở TT&TT, UBND TX Sông Cầu tổ chức. Hội thảo đã tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp công nghệ số, giúp cơ quan nhà nước tối ưu hóa quy trình quản lý dữ liệu cũng như có giải pháp bảo vệ, ngăn chặn các cuộc tấn công đánh cắp dữ liệu và thông tin quan trọng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Giới thiệu một số ý kiến tại hội thảo.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TX SÔNG CẦU VÕ NGỌC THẠCH: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một trong những giải pháp quan trọng, cấp thiết trong triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TX Sông Cầu đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thị xã…

Hiện nay, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân đã có nhiều chuyển biến. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.

Tính đến thời điểm này, 13/13 xã, phường trên địa bàn thị xã đã xây dựng trang thông tin điện tử và kết nối với UBND thị xã trong hệ thống quản lý văn bản điều hành, cải cách thủ tục hành chính, nộp hồ sơ qua mạng. 100% doanh nghiệp trên địa bàn thị xã sử dụng hóa đơn điện tử…

Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để TX Sông Cầu sớm rút ngắn khoảng cách phát triển so với các địa phương trong và ngoài tỉnh; tạo bước đột phá trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần xây dựng Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Vì vậy, việc tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số là một trong những hạng mục được địa phương ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TT&TT LÊ TỶ KHÁNH: Phụ thuộc vào quyết tâm của người lãnh đạo

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trước hết là nâng cao năng lực của công chức. Nghĩa là mọi công chức phải thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, trong đó có việc tham mưu hiệu quả trong giải quyết các vấn đề, yêu cầu thực tế. Công chức muốn thực hiện tốt nhiệm vụ cần phải có nguồn dữ liệu đầy đủ, phải được lưu trữ khoa học và khai thác hiệu quả.

Trước đây, việc lưu trữ thường bằng hình thức văn bản giấy, lưu trữ trong tủ tài liệu ngăn nắp, dễ tìm để hỗ trợ công tác tham mưu cho lãnh đạo, giúp lãnh đạo có đủ căn cứ để ra quyết định. Nay với cuộc cách mạng lần thứ tư, công nghệ phát triển như vũ bão, dữ liệu số trở thành trung tâm.

Sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi số của người lãnh đạo, liên thông chia sẻ dữ liệu trở thành chuẩn mực, mục tiêu chuyển đổi số là người dân, phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Một người công chức có năng lực là biết triển khai, chia sẻ, làm giàu nguồn dữ liệu, biết khai thác thông minh và hiệu quả dữ liệu để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để có thể đẩy mạnh chuyển đổi số, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ người lãnh đạo, sự chuyên nghiệp ở các công chức và sự hỗ trợ tích cực từ các nền tảng, ứng dụng số… Đây sẽ là những yếu tố cần và đủ phục vụ công tác chuyển đổi số ở các địa phương, cơ quan, tổ chức.

TRƯỞNG NHÓM PHÂN TÍCH NGHIỆP VỤ CÔNG TY CP UNITECH BẠCH VĂN TUẤN: Tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung

Một thực trạng hiện nay hầu hết địa phương cấp huyện gặp phải đó là dữ liệu nằm rải rác ở các cơ quan, phòng ban, được lưu trữ trên các file word, excel và chỉ được cập nhật thông tin qua các kỳ báo cáo tháng, quý, năm.

Các địa phương gần như cũng chưa đầu tư các phần mềm hỗ trợ quản lý thông tin chuyên ngành, hỗ trợ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Điều này khiến việc quản lý, cập nhật dữ liệu, chia sẻ thông tin không kịp thời; gây khó khăn trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, tổng hợp báo cáo phục vụ tham mưu lãnh đạo.

Các địa phương cấp huyện muốn khắc phục những vấn đề trên đòi hỏi phải tạo lập được cơ sở dữ liệu dùng chung và các ứng dụng quản lý chuyên ngành tất cả lĩnh vực cấp huyện một cách tập trung, nhất quán để hỗ trợ công tác quản lý, kế thừa, tra cứu, chia sẻ thông tin giữa các phòng ban.

Đồng thời tích hợp với các hệ thống chuyên ngành của cấp bộ, tỉnh đã triển khai để kế thừa dữ liệu; hình thành kho dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực… Tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết với Hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện.

Hệ thống này sẽ giúp hình thành kho dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực từ các nguồn do cán bộ nhập trực tiếp trên hệ thống, kế thừa dữ liệu từ hệ thống của tỉnh, các bộ ngành và từ nguồn dữ liệu file excel chúng ta chuyển vào. Từ đó giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi, giảm thời gian tra cứu, tìm thông tin, hỗ trợ việc ra quyết định; đẩy nhanh việc xác minh, xác thực dữ liệu để ra kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức, người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống này cũng giúp giảm thời gian, nhân lực làm công tác thống kê, tổng hợp; hỗ trợ công tác hoạch định chiến lược, tham mưu chính sách dựa trên dữ liệu và có thể chia sẻ dữ liệu cho kho dữ liệu dùng chung của tỉnh…

TRƯỞNG PHÒNG DỊCH VỤ AN TOÀN THÔNG TIN CÔNG TY CP DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ TIN HỌC HPT NGUYỄN KIM SANG: Chú trọng giải pháp an ninh thông tin

Trong bối cảnh các địa phương, đơn vị đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, toàn bộ thông tin, dữ liệu đều được số hóa trên môi trường mạng thì việc bảo đảm dữ liệu người dùng, bảo đảm an ninh thông tin là vấn đề cấp bách cần được đặc biệt quan tâm. Việc này cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư 12/2022 của Bộ TT&TT.

Trên thực tế, tại Việt Nam, không ít trường hợp đã bị hacker tấn công đánh cắp dữ liệu khiến nhiều người dùng bị quấy rối, mất tiền... Những rủi ro an toàn thông tin hệ thống cấp độ 2 (trong đó bao gồm đơn vị quản lý hành chính nhà nước cấp huyện) thường gặp phải như tải mã độc đính kèm, bị hacker trộm tài khoản SSO, truy cập các web, link của hacker… Khi đó, hacker dễ dàng tấn công đánh cắp tài khoản, truy cập database và tuồn dữ liệu ra ngoài.

Cùng với việc đầu tư các phần mềm, ứng dụng, kho dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số, các đơn vị bắt buộc phải quan tâm đầu tư càng sớm càng tốt các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống. Các giải pháp này sẽ giúp kiểm thử xâm nhập, đánh giá cấu hình bảo mật, dò quét, rà soát lỗ hổng bảo mật, giám sát và cảnh báo sớm an toàn thông tin, ứng cứu sự cố, săn lùng các mối đe dọa, cung cấp và quản lý thông tin tình báo…

Ngoài các biện pháp giúp phòng chống sự xâm nhập đánh cắp dữ liệu, chính quyền các địa phương cũng cần phải quan tâm đến việc sao lưu dữ liệu để dự phòng.

THỦY TIÊN 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây