Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết “Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
“Việc triển khai hiệu quả quy hoạch sẽ giúp "thông minh hóa" các hạ tầng kinh tế xã hội, từ đó khai thác hiệu quả nguồn lực phát triển, cũng như kiến tạo ra các động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Chia sẻ về quy hoạch phát triển hạ tầng TT&TT, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho hay, hạ tầng TT&TT là một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Hạ tầng TT&TT là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Trần Minh Tân, quy hoạch hạ tầng TT&TT là nhằm để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các ngành liên quan về không gian, bố trí, sử dụng các nguồn lực, để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có liên quan đến phát triển hạ tầng TT&TT.
Do vậy, mục tiêu chính của quy hoạch là xác định, đưa ra các mục tiêu, định hướng, yêu cầu phát triển và giải pháp đối với việc phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành TT&TT trên 5 lĩnh vực: bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Cụ thể, đến năm 2025, hạ tầng số Việt Nam thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu theo bộ chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (IDI) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á, nhóm 20 - 30 nước dẫn đầu thế giới về số lượng tên miền quốc gia; và nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.
Về an toàn thông tin mạng, Việt Nam đặt mục tiêu duy trì thứ hạng 25 đến 30 nước dẫn đầu về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
“Mặc dù một số mục tiêu, ví dụ như tỷ lệ chuyển đổi, sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới trong thời điểm hiện tại chúng ta đã đạt và thậm chí vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới vận động, thay đổi vô cùng nhanh chóng, để các chỉ tiêu khác cũng đạt và giữ vững vị trí chúng ta mong muốn trong mục tiêu đề ra, sẽ cần phải có quyết tâm cao và sự chung tay của mỗi bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và cả các cơ quan liên quan”, ông Trần Minh Tân nói.
Theo https://vietnamnet.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn