Phát triển đô thị và ứng dụng khoa học công nghệ
Trong 4 nghị quyết chuyên đề có 3 nghị quyết tập trung lãnh đạo phát triển hạ tầng cơ sở, kinh tế - xã hội các địa phương trở thành đô thị, nâng cấp đến năm 2025, gồm: Xây dựng và phát triển huyện Tuy An thành thị xã; TX Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; TP Tuy Hòa đạt tiêu chí đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.
Đối với TP Tuy Hòa, Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nêu rõ: Ngày 11/3/2013, TP Tuy Hòa được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Phú Yên. Những năm qua, TP Tuy Hòa đã tập trung cao độ trong việc khai thác các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thể hiện được vai trò là trung tâm, động lực phát triển của tỉnh.
Kết quả rà soát, đánh giá, đối chiếu thực trạng TP Tuy Hòa hiện nay so với bộ tiêu chí đô thị loại I (Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị), đã có 45/59 tiêu chí đạt điểm, trong đó có 11/45/59 tiêu chí chưa đạt điểm tối đa; còn 14/59 tiêu chí chưa đạt.
Mục tiêu từ đây đến năm 2025 tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển TP Tuy Hòa đủ điều kiện được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh. TP Tuy Hòa trở thành đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, là đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Tạo lập môi trường và xã hội an toàn, lành mạnh cho cộng đồng. Phấn đấu trở thành một trong những đô thị sạch nhất trong khu vực và cả nước. Xây dựng TP Tuy Hòa thành đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng trong chuỗi đô thị ven biển miền Trung, là một trong những đầu mối giao thông, trung tâm đào tạo, du lịch, công nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên.
Đối với TX Sông Cầu, là đô thị phía Bắc của tỉnh, trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, TX Sông Cầu đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực, được công nhận đô thị loại III vào năm 2019. Đối chiếu tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh (theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính), đến nay, TX Sông Cầu có 2/5 tiêu chuẩn đã đạt, gồm: Tiêu chuẩn về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị; còn 3/5 tiêu chuẩn chưa đạt theo quy định.
Với những kết quả đạt được, cùng tiềm năng thế mạnh và sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn dân, Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu: Xây dựng, phát triển thị xã xứng tầm là một trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội phía bắc của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, TX Sông Cầu được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.
Đối với huyện Tuy An, Nghị quyết 12-NQ/TU, ngày 18/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu: Xây dựng, phát triển Tuy An theo hướng bền vững. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan đô thị, phát triển không gian kinh tế, liên kết phát triển vùng, tập trung vào các tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2024 đạt tiêu chí đô thị loại IV và được công nhận thị xã vào năm 2025.
Ngoài 3 nghị quyết trên, một nội dung quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề là: Phát triển, ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để Tuy An trở thành thị xã; nâng cấp các đô thị lên mức cao hơn đối với TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa là nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong khi đó, KH-CN và ĐMST là chìa khóa quan trọng để chuyển đổi tăng trưởng kinh tế hiệu quả trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST và đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, đóng góp của KH-CN và ĐMST vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kinh tế biển - nông nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường
4 nội dung quan trọng mang tính chiến lược, bền vững mà Tỉnh ủy chọn xây dựng thành CTHĐ nhằm đưa Phú Yên phát triển, trở thành tỉnh có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh vào năm 2030 là phát triển kinh tế biển - nông nghiệp - du lịch và bảo vệ môi trường.
CTHĐ số 11/Ctr-TU về tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, gắn với ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế. Mục tiêu đề ra là thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 3,5-4%/năm, đóng góp khoảng 20%; giai đoạn 2026-2030 đạt 3-3,5%/năm, đóng góp khoảng 15% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên, CTHĐ số 10/Ctr-TU của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu: Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về phát triển kinh tế du lịch, CTHĐ số 09/Ctr-TU của Tỉnh ủy xác định: Phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; từng bước tăng tỉ trọng đóng góp của du lịch vào cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển; xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; tạo nền tảng đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
CTHĐ số 08/Ctr-TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường, xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường. Tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từng bước tăng tỉ lệ tái sử dụng và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, hạn chế thấp nhất việc tạo ra chất thải; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.
Để Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), cũng như các nghị quyết chuyên đề, CTHĐ của Tỉnh ủy ban hành đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả, đạt mục tiêu, cả hệ thống chính trị cần tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, cụ thể hóa nghị quyết, CTHĐ vào kế hoạch của địa phương; vượt qua những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các tác động khách quan, hiện thực hóa các mục tiêu mà nghị quyết, CTHĐ đề ra. |
TRẦN QUỚI/PYO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn