60 năm thắm tình Hải Dương - Phú Yên

Chủ nhật - 05/01/2020 09:39
Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên (9/1/1960-9/1/2020) do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương tổ chức vừa diễn ra trọng thể tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển trao bảng tượng trưng tặng 60 nhà Tình nghĩa trị giá 3 tỉ đồng cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn ở Phú Yên.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển trao bảng tượng trưng tặng 60 nhà Tình nghĩa trị giá 3 tỉ đồng cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn ở Phú Yên.

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên; Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Khămpong Khăm Si Da, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào); lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể hai tỉnh; đại diện cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân các gia đình liệt sĩ Hải Dương hy sinh tại Phú Yên và đông đảo người dân đã đến dự.

Mối tình Hải - Phú mãi bền lâu

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên đã diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp. Đọc diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển ôn lại bối cảnh và khẳng định ý nghĩa lịch sử quan trọng của sự kiện hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên kết nghĩa ngày 9/1/1960. Đây là mốc son lịch sử quan trọng trong quan hệ “thắm tình Hải - Phú” được Trung ương Đảng, Bác Hồ đặt nền móng và lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai tỉnh dày công vun đắp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Dương đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất với tinh thần “một người làm việc bằng hai để chi viện cho miền Nam, cho Phú Yên thân yêu”. Hàng năm, Hải Dương huy động hàng ngàn tấn thóc chi viện cho tiền tuyến. Trong giai đoạn này, Hải Dương (đến năm 1968 là tỉnh Hải Hưng) đã có trên 12 vạn thanh niên nối tiếp nhau “xẻ dọc Trường Sơn” vào chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có những đơn vị gửi riêng vào Phú Yên là Trung đoàn Trung Dũng Hải Dương, Trung đoàn 95A (Ngô Quyền), Trung đoàn Trần Hưng Đạo... Với tư tưởng coi nhiệm vụ giải phóng Phú Yên như giải phóng chính quê hương mình, nhiều người con Hải Dương đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Phú Yên ruột thịt.

Ngày 1/4/1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương vỡ òa niềm vui khi nhận tin Phú Yên hoàn toàn giải phóng. Các địa phương trong tỉnh đều hân hoan tổ chức mít tinh mừng chiến thắng của Phú Yên; đồng thời đẩy mạnh tăng cường chi viện cơ sở vật chất, cử hàng trăm cán bộ, công nhân, giáo viên, y bác sĩ… vào giúp Phú Yên tiếp quản vùng mới giải phóng, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đất nước thống nhất, cùng với cả nước, hai tỉnh bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Giữa bộn bề công việc, hai tỉnh vẫn duy trì tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, chia sẻ, động viên để vun đắp tình đoàn kết keo sơn, thủy chung son sắt.

Chúc mừng những thành tựu tỉnh Phú Yên anh em đạt được trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển mong muốn vùng đất đón ánh bình minh đầu tiên của cả nước sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường CNH, HĐH. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị hai địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện theo bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2020-2025 nhằm phát huy lợi thế của từng tỉnh, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập, đưa quan hệ Hải Dương - Phú Yên phát triển lên một tầm cao mới.

Xúc động trước sự đón tiếp và những tình cảm tốt đẹp mà Hải Dương dành cho Phú Yên, phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn, quý báu của Đảng bộ, chính quyền và nhân đân Hải Dương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng trước đây cũng như sự đồng hành, ủng hộ trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng phát triển tỉnh Phú Yên hiện nay. Đồng chí khẳng định tình cảm gắn bó, chặng đường 60 năm kết nghĩa giữa Phú Yên và Hải Dương đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh dày công xây dựng, vun đắp và phát triển, là tài sản chung vô giá.

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt bày tỏ tin tưởng rằng tình cảm gắn bó keo sơn của hai tỉnh kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên và sự hợp tác toàn diện giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh sẽ tiếp tục vững bền trong trái tim của mỗi người dân hai tỉnh và ngày càng phát triển. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên - Hải Dương sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau giữ gìn, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; chúc cho tình cảm Hải Dương - Phú Yên “Dù cho sông cạn đá mòn/ Mối tình Hải Phú mãi còn bền lâu”...

Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương trao tặng 60 nhà Tình nghĩa trị giá 3 tỉ đồng cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn ở Phú Yên.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hải Dương - Phú Yên 60 năm son sắt nghĩa tình”.

60 năm son sắt nghĩa tình

Ngay sau buổi lễ đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Hải Dương - Phú Yên 60 năm son sắt nghĩa tình” ca ngợi tình yêu Tổ quốc, đất và người quê hương Hải Dương, Phú Yên và mối quan hệ kết nghĩa gắn bó, keo sơn giữa hai địa phương. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc theo mạch chủ đề Phú Yên - Hải Dương, từ thời chiến đến thời bình, hai miền quê - một chữ tình.

NSND Thanh Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, chia sẻ: “Chương trình này do anh em nghệ sĩ hai tỉnh phối hợp dàn dựng, biểu diễn. Đây là kết quả của gần 20 ngày luyện tập miệt mài, nhằm mang đến cho khán giả cảm xúc tự hào, khơi bật tình cảm yêu quê hương tha thiết và mong muốn được góp sức vun đắp cho tình kết nghĩa hai tỉnh”.

 

Cùng các đồng đội của mình đã từng anh dũng chiến đấu trên mảnh đất Phú Yên, thân nhân các gia đình liệt sĩ Hải Dương hy sinh tại Phú Yên, ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền tại Hải Dương không giấu được sự xúc động khi tham dự buổi lễ kỷ niệm này.

Hồi tưởng những tháng ngày sống và chiến đấu tại mảnh đất Phú Yên ruột thịt, được Đảng bộ, nhân dân Phú Yên đùm bọc, che chở, ông Thùy chia sẻ: “Nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại tại mảnh đất Phú Yên anh hùng. May mắn hơn nhiều đồng đội, được chứng kiến lễ kỷ niệm 60 năm kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên, tôi rất tự hào đã có một thời cùng Đảng bộ, nhân dân Hải Dương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện sức người sức của cho chiến trường Phú Yên”...

Cùng đoàn công tác của Phú Yên tham dự các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên được tổ chức tại Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho rằng: “Những hoạt động ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh đã vun đắp thêm lịch sử truyền thống gắn bó, đặc biệt giúp cho thế hệ trẻ của hai tỉnh hiểu và nhận thức sâu sắc hơn nữa về lịch sử và ý nghĩa của mối quan hệ kết nghĩa, tình đoàn kết đặc biệt và sự nối tiếp của lịch sử truyền thống trong hợp tác toàn diện giữa hai địa phương”.

 

HÀ MY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây