Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường; công tác phòng chống dịch vẫn còn có những bất cập đến từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần nỗ lực cố gắng cao hơn nữa, với cách làm khoa học, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa.
Kỷ luật là sức mạnh, kỷ luật là nhân văn
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh đã ban hành trong thời gian qua, mới đây nhất là Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Công điện số 1063 ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Quyết định số 3638 ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19”…
Kỷ luật là sức mạnh, kỷ luật là nhân văn. Tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; sự chủ động và ý thức chấp hành của người dân ở cơ sở là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, là căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua... Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; gắn trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp với nêu cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; công bố công khai để làm gương.
Thống nhất tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 15/8. UBND tỉnh và các địa phương chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình, tự đánh giá mức độ nguy cơ theo Quyết định số 2686 ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 để có giải pháp ứng phó phù hợp trên tinh thần cao hơn một mức, sớm hơn một bước. Sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu địa phương nào đã kiểm soát được dịch bệnh có thể báo cáo UBND tỉnh để nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong địa phương. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xem xét, quyết định.
Tranh thủ thời gian 19 tỉnh, thành phố phía Nam và nhiều tỉnh, thành phố khác đang thực hiện giãn cách xã hội để triển khai quyết liệt các giải pháp để sàng lọc, mở rộng các vùng xanh, từng bước thu hẹp các vùng phong tỏa, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Thực hiện nghiêm hơn, chặt chẽ hơn các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn người dân thuộc các trường hợp được ra khỏi nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách khi cần thiết theo quy định. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về giãn cách xã hội, phòng chống dịch.
Nâng cao năng lực phòng chống dịch trên tất cả các khâu
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo rà soát, nâng cao năng lực phòng chống dịch của tỉnh trên tất cả các khâu từ truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Tăng cường đúc rút kinh nghiệm, cách làm hay, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tiếp tục hoàn thiện quy trình, giải pháp. Huy động tối đa các lực lượng, phân công cụ thể, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ để phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm tải cho lực lượng tuyến đầu.
Triển khai kịp thời, công bằng, công khai, đúng đối tượng, đủ đối tượng và minh bạch Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và tổ chức các hình thức cung ứng cho người dân bảo đảm kịp thời, đầy đủ, an toàn và công bằng khi thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Trong đó, cần lưu ý quan tâm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách, để người dân yên tâm “ai ở đâu ở đấy”.
Đặc biệt chú ý công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất có đông công nhân, người lao động. Yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch; tích cực, chủ động phối hợp với ngành chức năng để triển khai các biện pháp phòng chống dịch khi có tình huống xảy ra; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giấu dịch.
Thành lập các tổ công tác liên ngành để kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có đông người lao động. Kịp thời xử lý nghiêm các trường họp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Tiếp tục huy động đội ngũ cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu, giáo viên và các đối tượng tình nguyện khác tham gia công tác phòng, chống dịch. Động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất đối với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo các kịch bản phòng chống dịch theo quy định, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát lãng phí.
Tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin bảo đảm đúng kế hoạch, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và an toàn. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và trang thiết bị để tiếp nhận và tổ chức tiêm vắc xin cho 95% dân số tỉnh trong năm 2021 theo kế hoạch tại Công văn số 5946 ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19. Tăng cường công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch các thông tin về phòng, chống dịch để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh nói riêng, ổn định trật tự xã hội nói chung.
Tiếp tục đồng hành, phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam để hỗ trợ người dân Phú Yên ổn định cuộc sống, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch của địa phương cũng như của cả nước. Tiếp tục triển khai các biện pháp để đưa người dân có nhu cầu trở về quê hương khi đảm bảo các điều kiện. Lưu ý việc thực hiện xét nghiệm, cách ly đối với những người dân trở về để đảm bảo công tác phòng, chống dịch…
Đồng thời với công tác phòng chống dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tập trung xử lý các công việc, thủ tục hành chính, công tác lập quy hoạch tỉnh, các quy hoạch, đề án khác, công tác hỗ trợ doanh nghiệp..., nhất là thủ tục đối với các dự án ngoài ngân sách đang trong quá trình tìm hiểu và chuẩn bị đầu tư nhằm duy trì và phục hồi phát triển kinh tế trong và sau dịch, thực hiện tốt mục tiêu kép phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương chỉ đạo: “Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, để đẩy lùi dịch bệnh cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của người dân. Mọi người phải chấp hành nghiêm các biện pháp, yêu cầu phòng, chống dịch, đặc biệt là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời điểm quan trọng này, kỷ luật là sức mạnh, kỷ luật là nhân văn; cần thực hiện nghiêm túc để sớm ngăn chặn được dịch bệnh, kết thúc việc giãn cách, sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường”.
YÊN LAN/PYO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn