Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng của sức mạnh dân tộc và sự lãnh đạo tài tình của Đảng

Chủ nhật - 07/05/2017 09:06
Kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017)
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - BIỂU TƯỢNG CỦA SỨC MẠNH DÂN TỘC VÀ SỰ LÃNH ĐẠO TÀI TÌNH CỦA ĐẢNG.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dân tộc ta, chế độ ta đứng trước những thách thức hiểm nghèo: quân Tưởng tràn vào miền Bắc kéo theo các đảng phái phản động; được sự che chở của quân Anh, Pháp quay lại đánh chiếm miền Nam, với mục đích bóp chết nhà nước công nông còn non trẻ ở Đông Nam Á, duy trì thuộc địa của chúng; cùng lúc đó đất nước đang đối mặt với nạn đói khủng khiếp, làm hơn 2 triệu người chết...
 
Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những đối sách mềm dẻo, khôn khéo loại dần từng kẻ thù, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đối với thực dân Pháp, chúng ta thực hiện kế sách hòa hoãn, nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng rắp tâm cướp nước ta lần nữa. Trước tình hình đó, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng từ ngày 18 đến 19 tháng 12 năm 1946 tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay hôm đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
 

Đến năm 1953, quân và dân ta đã giành thế chủ động trên chiến trường, càng đánh càng mạnh, vùng giải phóng được mở rộng, chính quyền nhân dân ngày càng được củng cố. Thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào con đường thất bại. Nhờ sự chi viện lớn về quân sự của Mỹ, thực dân Pháp đề ra kế hoạch Nava, tăng gấp ba lần số binh đoàn hiện có nhằm cứu vãn tình thế. Tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị đã hoạch định và thông qua kế hoạch chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954) với phương châm "tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng". Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta lần lượt đập tan kế hoạch Nava của thực dân Pháp trên các chiến trường, ở các vùng xung yếu như Lai Châu, thượng Lào, hạ Lào, bắc Tây Nguyên... Trước tình hình đó, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, hòng ngăn chặn, thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với địch. Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.

Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", Đảng đã huy động đến mức cao nhất sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ: 260 nghìn dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong đã mở đường giao thông, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch lịch sử này; 5 đại đoàn chủ lực và nhiều binh đoàn, binh đội phối hợp đã tập kết lên Điện Biên Phủ và lần đầu lực lượng pháo binh của ta xuất trận, chuẩn bị giáng cho địch những đòn sấm sét. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra trong ba đợt, qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng quả cảm, giành giật với địch từng tấc đất, mét chiến hào, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã đập nát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16 nghìn quân viễn chinh Pháp, bắn rơi 62 chiếc máy bay, thu nhiều vũ khí. Tướng Đờ Cátxtơri và các sĩ quan chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào chiều ngày 7/5/1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc do Đại hội lần thứ II của Đảng đề ra, là thắng lợi của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường và sáng tạo trong tìm tòi, xác định đường lối cách mạng. Đó là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Lần đầu tiên trong lịch sử gần một trăm năm (từ năm 1858 đến năm 1954), trên phần nửa đất nước ta sạch bóng quân xâm lược. Ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương bị đập tan. Thắng lợi đó đã đưa cách mạng nước ta chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở vững chắc để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ được ghi vào trang sử chói lọi của dân tộc và đi vào huyền thoại của lịch sử thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản anh hùng ca bất hủ của một dân tộc anh hùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua 63 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến, nó luôn là nguồn động viên to lớn, cổ vũ chúng ta xốc tới, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để giành lấy thắng lợi.

Theo tuyengiao.phuyen.gov.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây