Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - tấm gương về người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực, người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ nhật - 22/08/2021 23:01
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là Đại tướng đầu tiên-người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đã vâng lệnh Đảng, Bác Hồ lãnh trách nhiệm cầm quân từ lúc sinh thành Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, qua Cách mạng Tháng Tám, đến cuộc trường chinh đánh bại hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên cán bộ, chiến sĩ trước giờ ra trận. Ảnh tư liệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên cán bộ, chiến sĩ trước giờ ra trận. Ảnh tư liệu.

Với trọng trách cao nhất về lãnh đạo, chỉ huy quân đội, Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã nêu tấm gương sáng về người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực, được nhân dân yêu quý, ngưỡng mộ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ kính trọng, học tập, noi theo; bạn bè quốc tế hết lòng ca ngợi. Thượng tướng Trần Văn Trà-người cán bộ nhiều năm lăn lộn ở chiến trường Nam Bộ đã nói về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thấy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy Anh Văn đi những nước cờ bậc thầy vây hãm và tiến công quân địch”(1).

1. Tấm gương về người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực

- Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Lòng nhiệt thành yêu nước của đồng chí Võ Nguyên Giáp được khai sáng từ năm 1928, khi “Anh bị cuốn hút bởi những bài báo của Nguyễn Ái Quốc, nhất là “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tờ báo Người cùng khổ (Le Paria)”(2). Đặc biệt từ năm 1940, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp dìu dắt, rèn luyện, đồng chí đã giác ngộ cách mạng và thấm nhuần sâu sắc mục tiêu, lý tưởng của Đảng, v.v..

Trên các cương vị công tác khác nhau, Đại tướng luôn tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy bộ đội, Đại tướng đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đội ngũ cán bộ các cấp thực hiện hiệu quả những mục tiêu chính trị-quân sự mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.

Lòng trung thành vô hạn với Đảng và sự tận tâm, tận lực phục vụ cách mạng được Đại tướng truyền dạy cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội lúc đương nhiệm cũng như khi trở về sinh hoạt đời thường, đến giờ phút cuối cùng, đúng như điều Đại tướng tâm niệm: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Tấm gương mẫu mực về lòng trung thành của Đại tướng sẽ mãi mãi được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội khắc ghi, học tập và noi theo.

- Giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với QĐND Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, ngoài việc phải có “một đảng cách mạng chân chính” và “lý luận cách mạng tiền phong” soi sáng, dẫn đường, thực tiễn cách mạng luôn đòi hỏi Đảng phải có đường lối đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Vì vậy, Đảng phải “tổ chức ra quân đội công nông”(3) và thành lập hệ thống tổ chức đảng trong quân đội; phải xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh, tiến lên chính quy, hiện đại.

Thực hiện nhiệm vụ đó, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể lo tổ chức và trực tiếp phụ trách đội với chức trách phụ trách chung(4). Để đội sớm đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả; bên cạnh người chỉ huy, đồng chí đã kiến nghị với Trung ương Đảng và Bác Hồ thành lập chi bộ đảng đầu tiên (gồm 4 đảng viên) để lãnh đạo đội. Đồng chí đã giao đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên. Cán bộ phụ trách các nhiệm vụ chính trị giao cho đồng chí Lâm Cẩm Như (Lâm Kính). Đồng thời, đồng chí đã cùng với đội biên soạn và trực tiếp tuyên đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Đồng chí nhấn mạnh: Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, hết lòng phục vụ nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 3-1945, trước yêu cầu khẩn trương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, đội được giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục, động viên bộ đội và nhân dân tổ chức chuẩn bị khởi nghĩa, v.v..

Đây là những việc làm đầu tiên rất cần kíp trong tổ chức quân sự để thực hành sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng chí đã cùng với Quân ủy Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định những vấn đề quan trọng về nguyên tắc, cơ chế, hình thức bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội; góp phần xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện; làm tròn bổn phận là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.

- Chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị làm cơ sở để quân đội tiến lên chính quy, hiện đại.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Trung ương Quân ủy (1946-1948), sau là Tổng Quân ủy (1952-1961), Quân ủy Trung ương (1961-1982), với trọng trách là Bí thư Trung ương Quân ủy (Bí thư Quân ủy Trung ương), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành các tổ chức chính trị-quân sự trong QĐND Việt Nam. Với nhãn quan khoa học và tư duy chính trị nhạy bén, sắc sảo, ngay từ ngày đầu thành lập cho đến những bước phát triển, lớn mạnh của quân đội sau này, Đại tướng đều khẳng định sự cần thiết phải có đội ngũ cán bộ ưu tú, cơ quan, tổ chức và thiết chế phù hợp, đủ mạnh để tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị và tác chiến hiệu quả.

Cùng với đồng chí Cục trưởng Chính trị Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng (1947-1949) và các đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: Nguyễn Chí Thanh (1950-1961), Song Hào (1961-1976)... Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bước định hình và chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức hoạt động chính trị, quân sự của quân đội. Từ Bộ Chính trị (cơ quan chính trị của Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ), đến “kiến lập công tác chính trị trong quân đội”, rồi “chỉ định các chính trị ủy viên-người đại diện của Đảng chỉ huy bộ đội và dân quân trong các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5 đến tháng 9-1945) hay ở mỗi chiến khu”; sau đó là những Ủy ban Chính trị, Ủy ban Đảng vụ giúp việc cho Trung ương Quân ủy thành lập tháng 1-1946 đều in đậm dấu ấn của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
 

“Kể từ đó, hệ thống tổ chức đảng trong quân đội được hình thành ở các cấp, xuống tận đơn vị cơ sở là chi bộ”(5). Từ Sắc lệnh số 34, ngày 25-3-1946 lần đầu tiên quy định cụ thể về nhiệm vụ của Chính trị Cục Bộ Quốc phòng, đến Sắc lệnh số 47 quy định về “Tổ chức Bộ Tổng chỉ huy quân đội và dân quân quốc gia”, Sắc lệnh số 60 về “Tổ chức Quân sự ủy viên hội”, Sắc lệnh số 71 quy định “Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành (5-1946), đều có sự tham mưu, đề xuất và trực tiếp triển khai thực hiện của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Nhờ đó, hệ thống tổ chức, cơ quan chính trị-quân sự các cấp đã hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, góp phần đào luyện nên đội ngũ cán bộ quân đội ngày càng vững mạnh, kịp thời cung cấp cán bộ cho các đội, các mặt trận, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh thi đua ái quốc, duy trì nghiêm kỷ luật; giúp Đảng lãnh đạo mọi hoạt động của quân đội. Qua đó, từng bước xác định tiêu chuẩn, tiêu chí, chức trách, nhiệm vụ, tổ chức biên chế thống nhất trong toàn quân từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội ngày càng vững mạnh, hoạt động nền nếp, hiệu quả. Góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; đồng thời, phù hợp với yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy quân đội trong giai đoạn chuyển sang phản công, Trung ương Đảng đã thiết lập hệ thống chính ủy trong QĐND Việt Nam, đứng đầu là Tổng Chính ủy (10-1948 / 5-1952), rồi lập lại Tổng Quân ủy (5-1952 / 1-1961), Quân ủy Trung ương (1961-1982)...

Đại tướng là Bí thư Quân ủy Trung ương, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế, quy định về tổ chức quân sự và hoạt động của người chỉ huy; các bí thư đảng ủy, chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị và cơ quan chính trị các cấp. Có thể khẳng định rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là vị tướng văn võ song toàn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, vừa là “kiến trúc sư” xuất sắc về xây dựng hệ thống cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội.

- Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh về “chính trị trọng hơn quân sự”, “lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng QĐND Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiệm vụ thành lập đội quân chủ lực đầu tiên mang chức năng đội quân giải phóng. Sau khi bàn bạc với các đồng chí Lê Quảng Ba, Vũ Anh, đồng chí đã báo cáo với lãnh tụ Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị và dự kiến lấy tên gọi của đội là Đội Việt Nam Giải phóng quân. Nghe xong báo cáo, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị bổ sung thêm hai chữ “tuyên truyền” nhằm nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này trọng hơn quân sự, v.v..

Thực hiện lời dạy của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đội tích cực làm công tác chuẩn bị để ngày tuyên bố thành lập đội diễn ra đúng kế hoạch. Tại buổi lễ thành lập đội, đồng chí đã tuyên đọc Chỉ thị thành lập đội của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chỉ thị nêu rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Đồng thời, đồng chí long trọng đọc Diễn văn thành lập đội; trong đó xác định: “Nhiệm vụ mà Đảng ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”(6).

Trong những năm kháng chiến ác liệt, trên bước đường đấu tranh cách mạng đầy cam go, thử thách, Đại tướng đã mưu trí, sáng tạo, quyết đoán chỉ đạo tác chiến với các quy mô lớn nhỏ, nhất là chủ động tác chiến chiến lược. Ở đâu, lúc nào, Đại tướng cũng luôn sâu sát bộ đội, kiểm tra, đôn đốc các cấp lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chính trị, quân sự thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy chính trị làm gốc, lấy công tác chính trị làm nòng cốt, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính trị, quân sự, vũ khí, trang bị, khoa học kỹ thuật quân sự để nâng cao tinh thần, củng cố niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội; tuyên truyền, vận động nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể; tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế... không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một đội quân cách mạng, quân đội của nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

- Nêu gương sáng về phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; giải quyết hiệu quả, hài hòa mối quan hệ giữa người chỉ huy với người lãnh đạo đơn vị.

Là người đảm nhận nhiều trọng trách lớn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quán triệt sâu sắc và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đại tướng luôn giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đối với người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên trong quân đội.

Trên các cương vị là Bí thư Trung ương Quân ủy, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Đại tướng luôn nêu cao tính đảng; lấy nhiệm vụ chính trị, quân sự mà Đảng giao phó làm mục tiêu giải quyết mọi công việc; lấy nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách làm trung tâm để xử lý các mối quan hệ; lấy sự tôn trọng tổ chức, tập thể, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ để xem xét và xử lý các nhiệm vụ; lấy tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thực hiện tư tưởng và mục tiêu chiến lược, chiến dịch mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định.

Với tầm nhìn chiến lược của người chỉ huy tối cao và ý thức chính trị sắc bén của người lãnh đạo, Đại tướng đã đề xuất với Trung ương Đảng, Bác Hồ xây dựng các đại đoàn chủ lực trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các quân đoàn chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với đó là việc quyết định thay đổi cách đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; quyết định chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tiến công đột phá chiến lược mùa Xuân 1975, v.v.. Đó là những minh chứng điển hình về tài thao lược quân sự và phương pháp xử lý khôn khéo các mối quan hệ công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Trung ương Quân ủy (Quân ủy Trung ương) và trước sự thành bại của sự nghiệp cách mạng; đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

- Đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ.

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thể hiện đầy đủ những đức tính cao quý của đạo làm tướng do Bác Hồ chỉ ra: “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung”. Dù giữ cương vị cao, trọng trách lớn, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Đảng, Nhà nước vinh danh, tặng nhiều phần thưởng cao quý; nhân dân suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ mến phục, suy tôn là người “Anh Cả” của quân đội; bạn bè quốc tế thừa nhận là danh tướng của mọi thời đại... nhưng Đại tướng luôn sống bình dị, hiền hậu, tỏa sáng đức nhân văn cao đẹp của người cộng sản.

Đại tướng luôn tự hào là người con của quê hương giàu truyền thống cách mạng, trung dũng, kiên cường. Những lần về thăm quê hương, Đại tướng luôn gần gũi, thân thiết với bà con xóm làng, với cấp ủy, chính quyền địa phương, mong mỏi Quảng Bình vượt qua khó khăn, sớm khắc phục hậu quả chiến tranh, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh; nhân dân có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Là người chỉ huy cao nhất của quân đội, Đại tướng thấu hiểu nỗi đau thương, mất mát của từng người dân đã trao gửi tính mạng con em mình cho quân đội. Vì thế, trong cuộc sống cũng như trên chiến trường, Đại tướng luôn chỉ đạo các cấp lãnh đạo, chỉ huy phải chăm lo chu đáo đến từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe và sự rèn luyện kiên trì, dẻo dai của bộ đội. Đại tướng luôn gần gũi, thân thiết, bao dung với đồng chí, đồng đội. Chính điều này đã đem đến cho bộ đội sự thoải mái, sẵn sàng vâng lệnh, chiến đấu, hy sinh trên chiến trường bằng sức mạnh và uy tín, bằng tấm lòng và sự tin tưởng mà Đại tướng dành cho.

Đại tướng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về đạo làm tướng: “Việc binh là việc lớn. Phải xét cho rõ chỗ sống chết, đạo mất còn”. Đại tướng thấu hiểu chiến tranh, trận mạc không phải là điều đơn giản, là việc khó có thể sửa sai, nhất là khi quyết định tác chiến, không bao giờ được phiêu lưu, mạo hiểm, đánh đổi bằng bất cứ giá nào, nhất là xương máu, tính mạng của bộ đội. Vì vậy, trong những thời khắc quyết định của lịch sử chiến tranh cách mạng, như trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bác đã giao: “Trao cho chú toàn quyền” và nhắc nhở: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Vì lẽ đó, Đại tướng đã cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng các yếu tố thuận lợi, khó khăn, nhiều đêm mất ngủ, “trên trán vị Đại tướng luôn nóng ran, lúc nào cũng đắp một nắm ngải cứu để giảm bớt các cơn đau đầu”(7). Trong những giờ phút khó khăn nhất, Đại tướng đã ra quyết định đúng đắn về thay đổi phương châm tác chiến, đem lại chiến thắng có ý nghĩa quyết định, tiết kiệm xương máu của bộ đội và nhân dân trước áp lực phải đập tan một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và mạnh nhất trong lịch sử quân sự của thực dân Pháp, v.v.. Tuy vậy, trong giờ phút khải hoàn của dân tộc, toàn quân hân hoan truyền tin chiến thắng, Đại tướng lại lặng lẽ ra khỏi hầm chỉ huy mà nước mắt tuôn trào, khóc thương các anh hùng liệt sĩ-những người con yêu quý của Tổ quốc, đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến đấu vừa qua.

Đằng đẵng 21 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đã cùng Tổng hành dinh chỉ đạo nhiều chiến dịch, giành được những thắng lợi vẻ vang. Với Đại tướng, chiến thắng nào cũng thiêng liêng, bởi mỗi chiến thắng đều phải trả bằng xương máu của nhân dân và binh sĩ. Suốt cuộc đời cầm quân, trận mạc, Đại tướng luôn đau đáu suy nghĩ về những hy sinh mất mát đó, xót xa cho những người con đã hiến dâng tuổi xuân, tính mạng cho Tổ quốc. Đại tướng lặng lẽ, trầm ngâm, không nói nên lời khi tiễn các cháu học sinh, sinh viên ưu tú lên đường tham gia cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972. Dù bận nhiều công việc, nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian, sắp xếp công việc để thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; thắp những nén hương thơm cho bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập tự do của dân tộc, v.v.. Đó là tấm lòng nhân ái, tính nhân văn cao cả, sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của người Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với phẩm chất, nhân cách mẫu mực của một vị tướng hơn 30 năm làm Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã được nhiều nhà nghiên cứu gọi là: “Nhà chính trị trong nhà quân sự-văn võ song toàn”. Danh tiếng của Đại tướng thực sự xứng đáng với truyền thống của dòng họ Võ và tên Văn do Bác Hồ đã đặt cho và danh xưng “Đại tướng của nhân dân”-một mẫu hình cao đẹp về người “Anh Cả” của QĐND Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái rất đúng với tinh thần và lịch sử Quân đội ta. Vì từ ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đảng và Chính phủ đã ủy quyền cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức huấn luyện và lãnh đạo Quân đội ta”(8).

Với 103 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng và hơn 30 năm là Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương, “những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, Đại tướng đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo”(9)-người Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, thân thiết.

2. Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, toàn quân ra sức phấn đấu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường; các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc... đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và quân đội nhiều vấn đề mới, cấp bách phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, trong đó xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 / 25-8-2021), cán bộ, chiến sĩ toàn quân không chỉ “khắc cốt ghi tâm”, tôn vinh những công lao to lớn của người “Anh Cả”-vị tướng đã cùng với quân đội lập nên những chiến công vang dội trong thế kỷ 20, làm rạng rỡ non sông, đất nước và Quân đội ta, mà còn ra sức học tập, noi theo tấm gương người Bí thư Quân ủy Trung ương mẫu mực-Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để hoàn thành tâm nguyện của Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ(10). Chú trọng “Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống"(11). Điều đó cũng chính là tâm nguyện của Đại tướng, Tổng Tư lệnh-Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cùng với đó, toàn quân tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”, góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội, cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương mẫu mực về “người Chính ủy” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là phẩm chất nêu gương của người chủ trì về chính trị trong quân đội. Cùng với đó, xác định rõ hơn trách nhiệm học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, các cơ quan nghiên cứu, học viện, nhà trường, báo chí, phát thanh, truyền hình quân đội, các đơn vị trong toàn quân cần đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, tuyên truyền về những cống hiến to lớn và tấm gương mẫu mực của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đối với đất nước và quân đội. Cần tạo phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong toàn quân gắn với việc quán triệt, thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 855 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện “Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”, v.v.. Qua đó, xây dựng ý chí, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã đề ra.

--------------------------------------------- 

(1)Trần Trọng Trung: Võ Nguyên Giáp-Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.5.

(2) Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2011, tr.6.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1. 

(4) Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 80.

(5) Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Sđd, tr.119, 120-122.

(6) Võ Nguyên Giáp: “Tiến lên con đường vũ trang đấu tranh!”, Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.514.

(7) Nguyễn Văn Khoan (Chủ biên): Nắm ngải cứu trên đầu Tổng Tư lệnh, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006, tr.10.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.264.

(9) Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 13-10-2013.

(10), (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.157-158.

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
(QĐND)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây