Tham dự, chỉ đạo Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn; các đồng chí lãnh đạo cơ quan đồng chủ trì tổ chức Hội thảo; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Ban Bí thư Trung ương Đoàn; lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ và cán bộ chuyên trách các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc; các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa, nhất là công nghiệp văn hóa; các văn nghệ sỹ, cán bô, công chức, viên chức trẻ đang hoạt động trên lĩnh vực văn hóa; các doanh nhân Việt Nam, nước ngoài đang kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa và 5.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở các đầu cầu trực tuyến trên cả nước.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi thảo luận các nội dung cơ bản như: Nhận diện tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ xuyên biên giới đối với sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Những tác động đến sự phát triển, định hướng nhân cách, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trong bối cảnh dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay; Thực trạng và giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá tại Việt Nam phát triển, vươn tầm thế giới, tạo mội trường để bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng từ sớm, từ xa; Đồng thời, kiến nghị đề xuất các cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng để vừa đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, chân thực, trong sáng, lành mạnh nhằm định hướng văn hóa cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời tạo môi trường công bằng, lành mạnh để các nền tảng, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng trong nước phát triển; hiến kế, định hướng để giúp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành và tuổi trẻ Việt Nam tham gia thực chất hơn, sâu hơn vào công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng.
Vai trò của thế trẻ trong việc giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Thế hệ trẻ là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất của các sản phẩm văn hóa, đồng thời là đối tượng có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia mang đậm đà bản sắc dân tộc. Hội thảo ngày hôm nay được tổ chức chính là góp phần khẳng định vai trò của thế trẻ trong việc giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội "Những sản phẩm văn hóa trên không gian mạng đã và đang trở thành nguồn thông tin ngày càng phong phú và đa dạng xâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là thanh thiếu nhi. Không gian ảo bản chất là phản ánh ngày càng chân thật, đầy đủ, toàn diện mọi góc cạnh của cuộc sống. Văn hóa phải thật sự trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhưng đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta từ sớm, từ xa".
Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, văn hoá được ví như gương mặt tinh thần, là tấm căn cước của dân tộc để dân tộc hiện hữu trong thế giới nhân loại với sự kết tinh các giá trị tinh hoa, truyền thống và bản sắc của dân tộc mình.
GS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, trước tác động mãnh liệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống như hiện nay, trong kỷ nguyên thông tin và chuyển đổi xã hội số, cần phải hết sức, chú ý tới sức mạnh mềm của văn hoá. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ và bản lĩnh sáng tạo của con người, nhất là thế hệ trẻ để bảo vệ biên cương văn hoá bằng sức mạnh nội sinh của văn hoá, con người Việt Nam.
“Đó không chỉ là bản lĩnh chính trị mà còn là và thực sự là một bản lĩnh văn hoá. Tinh thần cống hiến vì đất nước phải trở thành khát vọng cống hiến mà mỗi người dân, nhất là những người trẻ tuổi - thanh niên, sinh viên, trí thức cần được giáo dục và tự giáo dục về văn hoá. Đó là giáo dục lý tưởng, lẽ sống, niềm tin khoa học và hành động sáng tạo, ... Trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin, thanh niên có thể tiếp thu những giả tưởng, định hướng giá trị sai lầm, vì vậy không chỉ cần thiết để giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình mà còn rất cấp thiết, rất bức xúc để thanh niên tự bảo vệ nhân cách của mình trước sự xâm hại của “chủ nghĩa thực dân”, “xâm lăng văn hoá” đang diễn ra ở khắp mọi nơi", GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Đoàn thanh niên giữ gìn, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá trong bối cảnh chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều phong trào và hoạt động rất cụ thể để góp phần giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá trong bối cảnh chuyển đổi số. Hàng ngàn buổi sinh hoạt chính trị, các hoạt động trải nghiệm về nguồn, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, dã ngoại; những cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số được triển khai mạnh mẽ. Tổ chức Đoàn, tổ chức Hội đã có nhiều sáng kiến, tạo không gian, hỗ trợ vốn, tư vấn chính sách, nguồn nhân lực giúp cho thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều doanh nhân trẻ đã thành công trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa, với các sản phẩm văn hóa mang đặc sắc vùng miền, gắn văn hóa với du lịch, với công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đặt ra vấn đề, cần thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá. Đó là: sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá xuyên quốc gia bên cạnh những điểm tích cực, cũng còn có những thách thức khi những giá trị không phù hợp với văn hoá Việt, thậm chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đoàn Thanh niên, các cấp, các ngành và tuổi trẻ cả nước tiếp tục, kiên trì, đổi mới phương thức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển vô cùng mạnh mẽ như hiện nay đòi hỏi tổ chức Đoàn phải tạo được môi trường và phong trào để cổ vũ và thúc đẩy, khơi nguồn sáng tạo trong thanh thiếu nhi, xem đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo tồn và phát triển văn hoá. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, mạng xã hội… Phát huy vai trò của những người có uy tín, nhất là văn nghệ sĩ trong định hướng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng, đây sẽ là diễn đàn để trao đổi, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nhân trẻ, của cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tạo kênh tham vấn chính sách, giúp cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có thêm cái nhìn toàn diện về những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay và vai trò, sứ mệnh của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ cao cả đó.
Không gian mạng định hướng nhân cách, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Bùi Quang Huy- Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn đánh giá, Hội thảo đưa ra những nhận định về tầm quan trọng của văn hóa; thực trạng công tác văn hóa của nước ta hiện nay; tác động, ảnh hưởng của không gian mạng đối với sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng và đối với sự phát triển, định hướng nhân cách, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi.
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang huy cho rằng, các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định văn hóa với vai trò là “sức mạnh mềm” đang tác động mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống xã hội. Trong những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu tư và chiến lược bài bàn, chúng ta đã ngày càng có nhiều sản phẩm văn hóa mang lại giá trị cao, phát triển mạnh mẽ trên nhiều nền tảng, nhất là công nghệ số, ngày càng đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày càng có nhiều sân chơi bổ ích, góp phần gìn giữ, phát huy, quảng bá văn hoá Việt Nam dành cho các bạn trẻ trên không gian mạng.
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Hội thảo nhấn mạnh về tầm quan trọng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong việc góp bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng từ sớm, từ xa; thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tăng cường truyền bá, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tri thức về văn hóa dân tộc trong xã hội, bắt đầu từ thiếu nhi; thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm trong nhà trường, hoạt động Đội, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; Các cấp bộ đoàn cần làm tốt công tác chủ động theo dõi và kịp thời nắm bắt, định hướng và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của thanh thiếu nhi. Kịp thời có các biện pháp, cách thức đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa, “xâm lăng văn hóa”. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và miễn dịch với các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đến thanh thiếu nhi.
Đồng chí Bùi Quang Huy đề nghị các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc nghiên cứu, đưa các nội dung, giải pháp này vào chương trình công tác, dự thảo văn kiện Đại hội để xác lập các nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện. Đồng thời, Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ xây dựng báo cáo kết quả của Hội thảo, một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan để góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, nằm trong chuỗi các hoạt động về văn hóa, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tổ chức Diễn đàn “Tuổi trẻ với chấn hưng văn hóa trong kỷ yếu số” với các chùm hoạt động: (1) Tổ chức ghi hình và phát sóng 02 Talk show, mỗi số phát sóng 45 phút trên kênh VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam vào các ngày 21/4 và 27/4/2022. Talkshow phát sóng số 01 với chủ đề “Bức tranh văn hóa Việt Nam trên các nền tảng công nghệ số”. Talkshow phát sóng số 02 với chủ đề: “Định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới với các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia”. (2) Tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” tại Hà Giang.
Các hoạt động đã được tổ chức rất bài bản, chuyên sâu, thể hiện trách nhiệm, vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam với sứ mệnh giữ gìn, phát huy và chấn hưng Văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Tính đến ngày 11/5 tổng lượt người xem, tương tác trên các nền tảng số của Trung ương Đoàn, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc cho chuỗi các hoạt đã và đang diễn ra là gần 7 triệu lượt.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn