Đồng chí NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Góp phần hoàn thiện khung lý luận về mô hình CNXH của Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo cao nhất, người đứng đầu Đảng ta mà còn là nhà khoa học, nhà lý luận lớn của Đảng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã để lại nhiều cuốn sách hay. Mỗi tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đều đề cập sâu sắc đến các vấn đề lý luận, thực tiễn cách mạng nước ta mà như tinh thần Tổng Bí thư nói, đó là bắt đầu từ tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó vận dụng, phát triển sáng tạo, hoàn thiện lý luận về cách mạng Việt Nam.
Với cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” lần này ra mắt, đồng chí Tổng Bí thư đã tổng kết những vấn đề lịch sử sinh động nhất về sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Những vấn đề lý luận và thực tiễn được Tổng Bí thư quán triệt trên 3 nguyên tắc, đó là: Kế thừa và phát triển; kiên định và đổi mới; nhuần nhuyễn lý luận và thực tiễn. Cuốn sách là sự bổ sung về lý luận và thực tiễn, kết tinh trí tuệ qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt tổng kết 35 năm công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH; là sự kế thừa, phát triển, làm sâu sắc hơn giá trị nghiên cứu trước đây của Tổng Bí thư về con đường cách mạng của Đảng ta.
Theo tôi có 3 điểm đặc biệt trong cuốn sách này của Tổng Bí thư. Thứ nhất, cuốn sách đã trả lời một cách thuyết phục, rõ ràng về lý luận CNXH của nhân dân Việt Nam, do con người Việt Nam thực hiện, ví dụ như về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, trên cơ sở vận dụng, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta; có cả sự kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng bản sắc riêng. Thứ hai, cuốn sách khắc họa rõ nét mô hình CNXH của Việt Nam, đó là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền dân chủ XHCN Việt Nam. Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, tư tưởng xuyên suốt được đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, đó là phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là nhân tố quyết định thành công; cội nguồn sức mạnh, năng lực nội sinh là nhân dân Việt Nam. Thứ ba, CNXH Việt Nam đã được khắc họa trong 10 mối quan hệ lớn, đó là những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Hay nói cách khác, cuốn sách của Tổng Bí thư đã hoàn thiện khung lý luận về mô hình CNXH Việt Nam và con đường tiến lên CNXH của Việt Nam.
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Công trình có tầm tổng kết quá trình đổi mới ở Việt Nam
Công cuộc đổi mới ở nước ta đạt được những thành tựu thực tiễn sinh động và từ những thành tựu của công cuộc đổi mới ấy làm sáng tỏ nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Qua các kỳ đại hội, nhất là từ sau Đại hội VIII cho đến Đại hội XIII, Đảng ta luôn chú ý đến nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Từ đó, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” trong cuốn sách chính là công trình có tầm tổng kết lại toàn bộ nhận thức lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp với Việt Nam, trên cơ sở vận dụng có phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH.
Trong bài viết chủ chốt của cuốn sách này, Tổng Bí thư đã phân tích mấy điểm chính, đó là: Xác định cho rõ nhận thức thế nào là CNXH và CNXH phù hợp với Việt Nam ở điểm nào để ta vận dụng và phát triển theo mô hình của riêng ta, mang lại hiệu quả thiết thực. Tổng Bí thư cũng nêu rõ mục tiêu đi tới của CNXH ở Việt Nam là thế nào? Chúng ta phải xây dựng cơ sở kinh tế, bước đầu hiện nay ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Rồi phải tạo dựng nền tảng kinh tế của CNXH ra sao? Trên đó là một kiến trúc thượng tầng phù hợp và phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN...
Tóm lại, đây là một công trình tổng kết sâu sắc quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam từ thời miền Bắc trước đây (từ năm 1954 đến 1975) và thời kỳ cả nước xây dựng CNXH trước đổi mới (từ năm 1975 đến 1986), đặc biệt là tổng kết cách làm của Đảng ta từ năm 1986 đến nay theo hai Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Đây là công trình lý luận có tầm cỡ như vậy và bạn bè cũng đánh giá đây là một cống hiến lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã tổng kết. Nó có giá trị không chỉ riêng cho ta mà còn cho các nước khác tham khảo. Có thể nói, hiện nay trong nhận thức về CNXH còn có nhiều nhận thức khác nhau nên bài viết của Tổng Bí thư như là một sự cống hiến của Đảng Cộng sản Việt Nam từ thực tiễn lãnh đạo xây dựng CNXH và đổi mới để nêu ra vấn đề có tính lý luận, đặc biệt là có giá trị thực tiễn để đóng góp chung cho phong trào cách mạng XHCN trên thế giới. Và xu hướng tất yếu như Đảng ta đã xác định: Cuối cùng loài người sẽ đi đến CNXH, đó là sự thay thế tất yếu của các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử.
Đại tá VŨ ĐÌNH QUÝ, nguyên giảng viên Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng:
Khẳng định sự đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại
Tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu nói về con đường đi lên CNXH của Đảng ta, nhưng có lẽ cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ, súc tích nhất về những vấn đề thực tiễn cách mạng sinh động của dân tộc ta. Đặc biệt, cuốn sách đã tổng kết và khẳng định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là phù hợp với xu thế của thời đại và thực tiễn đất nước ta.
Các bài viết của Tổng Bí thư đã cho thấy bức tranh sinh động thực tiễn cách mạng Việt Nam. Khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi mà các con đường cách mạng khác lâm vào khủng hoảng, đặc biệt là từ sau sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thì những thế lực phản động thường rêu rao đòi xem xét lại con đường XHCN mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Thực chất của những luận điệu trên là muốn chúng ta từ bỏ con đường XHCN, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Kiên định với con đường đã chọn, với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Đảng ta đã lãnh đạo thành công các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầy cam go, khắc nghiệt và phát triển đất nước trên con đường đổi mới.
Các bài viết của Tổng Bí thư cũng cho thấy bức tranh kinh tế nước ta sau hơn 35 năm đổi mới. Trải qua nhiều thời khắc khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững ổn định, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; các chế độ, chính sách an sinh xã hội vì người dân được bảo đảm. Ngày nay, Việt Nam là điểm đến của hòa bình, ổn định, thịnh vượng, vai trò, vị thế của đất nước ta không ngừng nâng cao trên trường quốc tế. Đây chính là bằng chứng sinh động nhất về con đường cách mạng đúng đắn mà Bác Hồ và Đảng ta đã chọn, đã được đồng chí Tổng Bí thư tổng kết và khẳng định trong cuốn sách.
Chúng tôi là thế hệ những cán bộ kinh qua chiến tranh, trở về công tác ở đơn vị rồi về địa phương nghỉ chế độ. Qua những tổng kết về lý luận và thực tiễn về con đường cách mạng của Tổng Bí thư, chúng tôi càng thêm vững niềm tin về sự đúng đắn của con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Đảng viên NGUYỄN VĂN BÌNH, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội):
Soi đường cho thực tiễn xây dựng Đảng
Các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách dù bàn về những vấn đề lý luận rất rộng, song được trình bày rất dung dị; chắt lọc nên đảng viên chúng tôi đọc thấy dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo. Trong các lĩnh vực được Tổng Bí thư đề cập trong cuốn sách, tôi tâm đắc nhất về vấn đề xây dựng Đảng.
Để giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, theo tôi, vấn đề căn cốt nhất là Đảng ta phải giữ vững sự cầm quyền của Đảng; không ngừng quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng như Tổng Bí thư đã chỉ đạo: “Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức, là văn minh”; chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế”.
Để giữ cho Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư, luôn xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức ngày 15-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Các cơ quan nội chính phải “thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt là phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho mình”, xứng đáng là “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự kỷ cương của xã hội.
Có thể nói, bằng những bài viết, bài phát biểu và qua việc làm cụ thể, đảng viên và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ trước quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta được Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm làm trong sạch bộ máy tổ chức và cán bộ, đảng viên.
Đồng chí TRẦN HỮU CƯỜNG, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa):
Cẩm nang quý cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng
Đối với cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang quý. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư trên các lĩnh vực được thể hiện trong cuốn sách, từ các vấn đề lý luận chung đến sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các ngành, các cấp đã có tác động hết sức to lớn, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho mọi tầng lớp nhân dân phấn đấu đi lên. Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện, khách quan cả về thành tựu và những hạn chế, yếu kém, đồng thời phân tích cụ thể nguyên nhân, đồng chí Tổng Bí thư đã định hướng các giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện. Do vậy, mỗi bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được toàn Đảng, toàn dân, đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng, cụ thể hóa thành chương trình hành động và quyết tâm thực hiện nhằm tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao hơn.
Từ những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư (trước khi tổng hợp thành cuốn sách), chúng tôi đã kịp thời tổ chức nghiên cứu, quán triệt đến cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là đưa tinh thần đó vào ngay trong quá trình xây dựng các nghị quyết lãnh đạo trong thực hiện từng nhiệm vụ ở cơ sở theo tinh thần xuyên suốt của Đảng ta về quá trình đổi mới đất nước. Qua đó, triển khai thực hiện hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trên địa bàn.
Cuốn sách thực sự là tài liệu quý, không chỉ đối với các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân tìm hiểu sâu hơn về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cũng như của Tổng Bí thư và vận dụng trong công tác của mình một cách khoa học, hiệu quả với tinh thần vì nước, vì dân, vì sự trường tồn của dân tộc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn