Đồng chí Nguyễn Duy Luân sinh ngày 10/3/1928 tại làng Mỹ Hòa, tổng Hòa Mỹ, phủ Tuy Hòa (ngày nay là thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) trong một gia đình nông dân. Vừa 17 tuổi, đồng chí được người anh Nguyễn Chí Tôn giác ngộ lý tưởng cộng sản, tham gia cách mạng từ trước tháng 8/1945 tại quê nhà Hòa Thịnh, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946.
Đồng chí Nguyễn Duy Luân với bí danh “Việt Hồng”, “Tám Hải”, “Ma Hải”, “Chín Cao”… đã thủy chung gắn bó với quê hương qua các giai đoạn cách mạng, đã từng bám trụ để sống, chiến đấu trên khắp các vùng đất của tỉnh Phú Yên, gắn bó mật thiết với đồng bào Kinh, dân tộc thiểu số, kinh qua nhiều trọng trách trong suốt bề dày hoạt động vẻ vang hơn nửa thế kỷ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Duy Luân đảm nhận nhiệm vụ thư ký Ban Bình dân học vụ thôn Mỹ Hòa, trực tiếp làm giáo viên trên mặt trận chống giặc dốt, được bà con quê nhà đặt cho cái tên thân thương là “Thầy giáo Năm”. Tháng 5/1946, đồng chí Nguyễn Duy Luân được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội tuyên truyền xã Mỹ Sơn (ngày nay là xã Hòa Thịnh), sau đó làm Phó Thư ký Đoàn Thanh niên Cứu quốc xã Liên hiệp Mỹ (Hòa Thịnh và Hòa Mỹ ngày nay).
Ngày 10/3/1946, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Chi bộ Đảng xã Liên Hiệp Mỹ kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lúc vừa tròn 18 tuổi. Ngày 10/12/1946, đồng chí Nguyễn Duy Luân được tổ chức Đảng làm lễ chuyển đảng chính thức và được chỉ định làm Phó Bí thư chi bộ xã kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh xã Liên Hiệp Mỹ. Đầu năm 1947, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Đội công an cảm tử để làm nhiệm vụ bao vây diệt tề, trừ gian xung quanh đồn núi Hiềm (Hòa Xuân) của giặc Pháp, đồng chí Nguyễn Duy Luân được tỉnh điều động tăng cường đảng viên trẻ cho ngành Công an tỉnh, được Trưởng ty Công an Phú Yên Lê Văn Đại phân công về Ban Công an huyện Tuy Hòa làm nhân viên trinh sát điều tra. Đồng chí Nguyễn Duy Luân tham gia điều tra nhiều vụ về trật tự trị an như nấu rượu lậu ở thôn Đông Phước (Hòa An), tệ nạn đánh bạc (thôn Xuân Thạnh, xã Hòa Tân)… Chỉ một thời gian ngắn, Công an tỉnh điều động đồng chí Nguyễn Duy Luân bổ sung về Công an huyện Đồng Xuân. Với địa bàn mới rộng bao la từ biển xanh lên đến Bầu Bèng (Phước Tân), đồng chí Nguyễn Duy Luân tích cực điều tra vụ án chính trị ở Bầu Bèng, sau đó phụ trách ba xã Xuân Lộc, Xuân Cảnh và Xuân Thịnh.
Đầu năm 1949, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Công an tỉnh điều động về nhận nhiệm vụ ở Ban Bảo vệ chính trị Công an tỉnh chuyên trách mảng chính trị, tôn giáo (tiền thân của Phòng PA16 hiện nay). Một thời gian sau, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Ty Công an điều động làm Thư ký văn phòng Công an huyện Tây Phần (bao gồm phía tây các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân).
Cuối năm 1953, đồng chí Nguyễn Duy Luân được điều động về tỉnh và sau đó được phân công làm Thư ký Công an huyện Tuy An, quyền Trưởng Công an huyện Tuy An. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Đảng phân công ở lại hoạt động ở miền Nam, được tăng cường về Huyện ủy Sơn Hòa, phụ trách công tác bảo vệ nội bộ Đảng. Đồng chí Nguyễn Duy Luân là một trong số ít các đảng viên trung kiên được Đảng phân công ở lại (không đi tập kết) mà từ ngữ dân gian hay nói vui “Bê (B) trụ, Bê trọc, Bê trui”. (Cả tỉnh Phú Yên chỉ có vài chục đồng chí như Lê Đài, Trần Suyền, Công Minh, Văn Công, Trần Quang Hiệu, Bùi Tân…).
Cuối năm 1954, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Suyền (lúc ấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy) và Lương Công Huề (lúc ấy là Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa)… đồng chí Nguyễn Duy Luân tích cực xây dựng các cơ sở cách mạng dọc đường số 7 (quốc lộ 25) để nắm tình hình TX Tuy Hòa và các huyện đồng bằng.
Tháng 3/1955, đồng chí Trần Suyền trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Kiết (Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa) và đồng chí Nguyễn Duy Luân phải soi đường xuống Tuy Hòa để bắt liên lạc với Huyện ủy Tuy Hòa ở căn cứ Bãi Xép. Sau khi bắt liên lạc với Huyện ủy Tuy Hòa ở căn cứ Miền Đông (Bãi Xép), Bí thư Huyện ủy Võ Phi Phụng phân công đồng chí Nguyễn Duy Luân xây dựng cơ sở cách mạng tại các xã Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Sơn Thành… Sau đó, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Tỉnh ủy phân công sang Tuy Hòa 2 xây dựng cơ sở cách mạng ở Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng… bắt liên lạc với đồng chí Công Minh đang bám trụ ở Hòa Trị.
Năm 1956, Tỉnh ủy chỉ định bổ sung đồng chí Nguyễn Duy Luân vào Huyện ủy Tuy Hòa (thay đồng chí Trần Quang Hiệu bị địch bắt ở Quảng Tường, Hòa Mỹ). Tháng 5/1956, Tỉnh ủy quyết định tách huyện Tuy Hòa thành hai huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2 nhằm thuận lợi hơn để bám trụ xây dựng cơ sở cách mạng. Lúc này Huyện ủy Tuy Hòa 1 có 4 đồng chí: Nguyễn Hồng Nhựt (bí danh Tư Ễnh), Bí thư Huyện ủy và các đồng chí Đinh Hiệt, Nguyễn Duy Luân, Bùi Tân… Đồng chí Nguyễn Duy Luân được phân công phụ trách các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Phong.
Trong thời gian này, địch ruồng bố khốc liệt để truy bắt các đảng viên cộng sản. Đồng chí Nguyễn Duy Luân nhờ quần chúng cách mạng hết lòng cưu mang, giúp đỡ nên đã nhiều lần thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Sau Nghị quyết 15, nhiều cán bộ, bộ đội tập kết được Đảng phân công trở về quê hương chiến đấu. Tháng 2/1959, đoàn cán bộ đầu tiên về Phú Yên có 32 đồng chí do đồng chí Văn Gói làm Trưởng đoàn, đồng chí Huỳnh Lưu làm Phó đoàn.
Tháng 11/1959, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền về Huyện Tuy Hòa 1, truyền đạt Nghị quyết 15. Đồng chí Nguyễn Duy Luân được Tỉnh ủy chỉ định bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 10/1960, Huyện ủy Tuy Hòa 1 được tỉnh chỉ đạo tổ chức diệt ác phá kèm. Ban Thường vụ Huyện ủy phân công đồng chí Nguyễn Duy Luân trực tiếp chỉ đạo, tổ chức diệt ác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cuối năm 1960, đồng chí Nguyễn Duy Luân là một trong những vị lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh. Đây là chiến công vĩ đại của Huyện ủy Tuy Hòa 1 được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ: “Dùng sức mạnh của quần chúng, cộng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tại chỗ, tiến hành khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân, rút thanh niên ra vùng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang, động viên nhân tài, vật lực, lương thực, thực phẩm cho cách mạng”.
Đồng khởi Hòa Thịnh long trời lở đất được Khu ủy V đánh giá là “điểm mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng khu V”. Năm tháng đã đi qua, Đồng khởi Hòa Thịnh mãi mãi là dấu son sáng chói trong bản hùng ca chống Mỹ cứu nước của quân dân Phú Yên, quân dân Tuy Hòa.
Năm 1963, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Khu ủy V, quyết định bổ sung là Tỉnh ủy viên chính thức Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1. Đồng chí Nguyễn Duy Luân cùng tập thể Huyện ủy và quân dân Tuy Hòa 1 mở phong trào rộng khắp ở các xã đồng bằng, phá bung các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Đồng chí Nguyễn Duy Luân có nhiều công lao đóng góp huy động lực lượng các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Vinh… mở bến Vũng Rô tiếp nhận những con tàu Không số từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Huyện ủy, quân dân Tuy Hòa 1 sát cánh cùng lực lượng vũ trang mở bến tiếp nhận và vận chuyển ra tuyến sau một số lượng lớn vũ khí từ 4 chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô.
Đồng chí Nguyễn Duy Luân đã chỉ đạo quân dân các xã trong huyện chống càn, tổ chức đấu tranh chính trị, giữ vững vùng giải phóng ở đồng bằng Tuy Hòa trong những năm 1964-1965, phong trào hai chân ba mũi giáp công của huyện Tuy Hòa 1 được đồng chí Nguyễn Duy Luân báo cáo đầy đủ tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ II (được tổ chức tại xóm Bầu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa từ ngày 4-8/1/1965).
Tại đại hội này, đồng chí Nguyễn Duy Luân được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phụ trách Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên (do cụ Trần Bính làm Chủ tịch).
Sau đó, đồng chí Nguyễn Duy Luân được tỉnh phân công về làm Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2, có nhiều công lao trong việc đề ra chủ trương rút thanh niên bổ sung lực lượng vũ trang, phát động phong trào thanh niên khởi nghĩa. Đồng chí Nguyễn Duy Luân kiên cường bám trụ chỉ đạo phong trào ở huyện Tuy Hòa 2 trong hai mùa khô khốc liệt 1966-1967.
Ngày 11/12/1968, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ III được tổ chức ở rừng Mò O (Sơn Hòa). Đồng chí Nguyễn Duy Luân được tiếp tục bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công giữ nhiệm vụ chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên, ngày đêm sát cánh cùng bộ đội trên các hướng chiến trường trong toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ IV (từ ngày 29/9/1971-14/10/1971, tại rừng Bốn Chống, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa), đồng chí Nguyễn Duy Luân được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ V (từ ngày 20/9/1973-27/9/1973, tại Hội trường Mùa Xuân, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), đồng chí Nguyễn Duy Luân được giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và Trưởng ban An ninh, sau đó giữ trọng trách Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên. Đồng chí Nguyễn Duy Luân là người bổ nhát rìu đầu tiên hạ cây gỗ mun ở Phú Yên gửi ra Hà Nội xây dựng lăng Bác Hồ (1973).
Trong mùa xuân đại thắng 1975, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân trực tiếp phụ trách Sở chỉ huy tiền phương chỉ huy chặn đánh tan tác đoàn quân chủ lực ngụy từ Tây Nguyên tháo chạy về đồng bằng, tạo nên chiến thắng đường 5 lịch sử, trận Bạch Đằng giang trên cạn hào hùng, góp phần quan trọng giải phóng Phú Yên, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày giải phóng, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND cách mạnh lâm thời tỉnh Phú Yên, đồng chí Nguyễn Duy Luân đã có nhiều cống hiến xuất sắc cùng tập thể chỉ đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.
Sau khi sáp nhập tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, đồng chí Nguyễn Duy Luân lần lượt đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa, Giám đốc Công an tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh cuối năm 1986 bầu đồng chí Nguyễn Duy Luân làm Bí thư Tỉnh ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12/1986, đồng chí Nguyễn Duy Luân được bầu Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau ngày tái lập tỉnh, đồng chí Nguyễn Duy Luân làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên được Trung ương Đảng bầu làm ủy viên chính thức. Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 1991 tiếp tục bầu đồng chí Nguyễn Duy Luân làm Bí thư Tỉnh ủy. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đồng chí Nguyễn Duy Luân tiếp tục được bầu là ủy viên Trung ương Đảng. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Duy Luân tiếp tục có nhiều đóng góp đặc sắc cho sự nghiệp chung. Đồng chí là một trong những kho sử sống, đóng góp trực tiếp nhiều ý kiến tâm huyết để xây dựng lịch sử Đảng bộ tỉnh, các ban Đảng, lịch sử chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng chí đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho Trung ương và tỉnh Phú Yên về sự nghiệp đổi mới và hội nhập, về xây dựng Đảng... Trong lời giới thiệu tập hồi ký “Thủy chung cùng năm tháng” của đồng chí Nguyễn Duy Luân (Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết trân trọng ghi nhận: “Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc, Anh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý... Anh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nước ta trong hai cuộc kháng chiến giữ nước và trong sự nghiệp đổi mới”.
Đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, được giác ngộ sớm và tham gia cách mạng từ trước tháng 8/1945, là một trong số ít đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã tham gia cả hai thời kỳ kháng chiến và hơn hai thập niên sau ngày hòa bình. Cuộc đời và hoạt động của đồng chí vô cùng phong phú, gắn liền với lịch sử Đảng bộ địa phương. Những phẩm chất nổi trội trong cuộc đời của đồng chí là yêu nước, thương dân, ý chí mạnh mẽ, nghĩa tình, thủy chung với đồng đội, đồng chí và gia đình. ĐÀO TẤN LỘC |
Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn