Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức ra quân đội công nông để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) cũng chỉ rõ phải lập quân đội công nông.
Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời; đây là mầm mống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Những năm tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941)… Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và trưởng thành của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.
Đến giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng, các tổ chức Việt Minh phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã Nà Sác (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau khi nghe báo cáo tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt là về quyết định khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”[1]. Trước tình hình lực lượng vũ trang của cách mạng còn ít, lại hoạt động phân tán, Người quyết định lập Đội quân giải phóng để “tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng”[2].
Thực hiện chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đội gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã.
Ngay sau ngày thành lập, với “gậy tầm vông, súng kíp, súng trường…”, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mở đầu cho truyền thống “quyết chiến, quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng bằng chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đầy mưu trí, dũng cảm, sáng tạo.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước (gồm Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác) để thành lập Việt Nam Giải phóng quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền, làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử, giành lại quyền độc lập cho dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc đoàn. Năm 1946, Vệ Quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và đến năm 1950 lấy tên là Quân đội nhân dân Việt Nam (tên gọi duy trì đến ngày nay).
Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Chỉ sau 21 ngày sau đó, được thực dân Anh giúp sức, quân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược.
Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa Xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.
Với tham vọng giành thắng lợi quyết định, Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc hành quân tiến công lên Việt Bắc, với mục tiêu là tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến, đánh quỵ bộ đội chủ lực Việt Nam, triệt phá căn cứ địa Việt Bắc, khóa chặt biên giới Việt - Trung. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (7/10 - 20/12/1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta. Ta đã bẻ gãy, đập tan mục tiêu tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, tạo ra sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa ta và địch; làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.
Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Công tác huấn luyện được đẩy mạnh. Qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân” trong các năm 1948, 1949 và đầu năm 1950, lực lượng vũ trang ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự ra đời của các đại đoàn chủ lực, phương pháp tác chiến từ "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" tiến lên tác chiến hiệp đồng binh chủng. Dân quân, du kích phát triển, thế trận chiến tranh nhân dân được nhân rộng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã cùng toàn dân lần lượt đánh thắng các chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hoà Bình (1951-1952), Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chiến lược Đông Xuân 1953-1954, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký kết hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944 - 1954).
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hoá và hiện đại hoá”[3]
Đến năm 1960, quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (1/1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng quân đội.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam duyệt Đội danh dự trong buổi lễ hợp nhất các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam năm 1961. Ảnh tư liệu
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.
Với đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, sáng tạo, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, gắn bó một lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp lần lượt đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. Bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ không cam tâm chịu thất bại, từ năm 1969, chúng chuyển sang thi hành “Học thuyết Níchxơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cùng với Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước.
Ngày 04/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Song song với các cuộc tiến công trên bộ giành thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo, bất ngờ tiến công lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thực hiện trọn vẹn di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Hoà bình lập lại chưa bao lâu, quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Với tinh thần tự lực tự cường, dựa trên nền tảng chính nghĩa, thắng lợi của quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Thực hiện lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh, gắn bó, giúp đỡ quân đội và nhân dân nước bạn Lào, Campuchia trên tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, trong sáng và vô tư; chiến đấu và sẵn sàng hy sinh, cùng nhau đánh thắng kẻ thù chung, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Từ sau đổi Mới, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có bước chuyển mình theo hướng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại hơn.
Quân đội nhân dân Việt Nam đón nhận Huân chương Quân công hạng nhất
Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước; nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách bảo vệ Tổ quốc, đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và thành quả cách mạng của nhân dân. Trong công tác dân vận, quân đội đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, quân đội cũng tham gia mạnh mẽ vào vai trò sản xuất, phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ công tác đặc thù. Điển hình là việc ra đời của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng lớn trên thị trường như Viettel, Ngân hàng Quân đội, các tổng công ty xây dựng... Trong khoảng 10 năm trở lại đây, quan điểm bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" được Đảng và Chính phủ xác định, dẫn tới việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ quốc tế do Liên Hợp Quốc điều phối.
Và có những sự hy sinh thầm lặng giữa thời bình của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta không bao giờ kể xiết.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, xứng đáng là “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”, “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, khó lường, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh chưa từng có tiền lệ. Cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng tăng cao tạo ra “thế và lực mới”, đất nước ta phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ Đảng ta xác định vẫn còn hiện hữu và tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội bằng “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa quân đội” với âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện và tinh vi hơn. Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, Quân đội nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
H.A
-----------
(1), (2) Võ Nguyên Giáp-Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr.123,124.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 287.
Tác giả: Diepkinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn