Tinh thần Ngày Quốc tế lao động 1/5 bất diệt

Thứ sáu - 27/04/2018 23:12
Ngày 1/5 hằng năm là ngày biểu dương lực lượng, ngày nghỉ ngơi, vui chơi của công nhân và người lao động toàn thế giới.
Công nhân Việt Nam biểu dương lực lượng ngày Quốc tế Lao động.
Công nhân Việt Nam biểu dương lực lượng ngày Quốc tế Lao động.

Để có được ngày này, lực lượng công nhân và người lao động trên toàn thế giới đã đấu tranh kiên trì, bền bỉ với giới chủ và bọn tư bản. Phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra mạnh mẽ từ nửa cuối thế kỷ XIX ở các nước tư bản phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mỹ… với khẩu hiệu “ngày làm 8 giờ”. Đặc biệt là sự kiện diễn ra vào ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn lao động Mỹ "... Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ", công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia và diễn ra ngày càng quyết liệt. Giới chủ đuổi những công nhân bãi công, thuê người làm ở các thành phố bên cạnh, thuê bọn khiêu khích và cảnh sát đàn áp, phá hoại cuộc đấu tranh của công nhân. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt...

Ba năm sau "thảm kịch" tại thành phố Chi-ca-gô, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.

Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày lễ của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn diễn ra ở khu Đấu Xảo (Hà Nội) với sự tham gia khoảng trên 25.000 người của 25 đoàn (thuộc các ngành, giới)... Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo.

Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Sau khi đất nước thống nhất cho đến nay, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi là ngày đặc biệt quan trọng của công nhân và người lao động, ngày để biểu dương lực lượng và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Kỷ niệm 132 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp to lớn của lực lực lượng công nhân và người lao động cho sự phát triển của xã hội. Hòa cùng khí thế chung, tổ chức công đoàn và lực lượng công nhân và người lao động Phú Yên đang biểu dương lực lượng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 43 năm thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động 1/5 và Tháng Công nhân năm 2018, kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Đại hội Công đoàn tỉnh Phú Yên lần thứ X và Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Hồng Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây