Đến dự có đ/c Lương Mộng Sanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đ/c Trần Văn Cư - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đ/c Phan Đình Phùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đ/c Đào Tấn Lộc - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đ/c Nguyễn Văn Trúc - Nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo các sở, ngành, hội đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, 41 Ban Quản lý Lăng Ông trong tỉnh, các nghệ nhân đến từ các Đội hò bá trạo phục vụ cho lễ hội cầu ngư ở các địa phương ven biển.
Sau phần biểu diễn của Đội hò bá trạo thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An và các nghi thức buổi lễ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng thay mặt UBND tỉnh đọc diễn văn nêu bật tầm quan trọng của lễ hội cầu ngư ở các địa phương ven biển trong tỉnh.
Theo truyền thuyết từ xa xưa khi khoa học còn lạc hậu, không biết bao ngư dân và những con thuyền đã bị nhấn chìm dưới đáy đại dương. Ngư dân rất tin tưởng vào sức mạnh vô hình, siêu nhiên cầu mong sự che chở, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi khi lênh đênh trên biển cả và Cá Ông chính là vật thiêng và là Thần Nam Hải che chở và đem lại những điều may mắn cho ngư dân tỉnh Phú Yên.
Vào khoảng thế kỷ XIX, khi cư dân tập trung đông đúc dọc bờ biển tỉnh Phú Yên, nhiều Lăng Ông đã được xây dựng và nghi thức Lễ hội cầu ngư cũng đã hình thành và tồn tại, phát triển đến ngày hôm nay. Lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của bà con ngư dân gắn liền với sự tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Ở tỉnh ta, lễ hội cầu ngư được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội cầu ngư gồm: nghi thức cúng tế, hát tuồng và trò chơi dân gian; các phần chính của lễ hội là hành văn, hành nghi, chánh tế, bồi tế, đông hiến, tây hiến, hương đăng, 4 học trò lễ, tả chinh, hữu cổ; luyện tập Đội chèo bá trạo và Đội múa siêu… Lễ hội cầu ngư nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bà con ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều tôm, cua, cá biển, góp phần đổi thay đời sống và xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, giúp ngư dân vượt qua các thách thức, hiểm nguy, là động lực hỗ trợ, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho ngư dân các vùng ven biển trong tỉnh. Lễ hội là hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt với nhiều loại hình nghệ thuật đã ra đời và được giữ gìn phát huy. Lễ hội cầu ngư có vai trò to lớn trong việc tích lũy, kế thừa và củng cố các giá trị gắn kết cộng đồng; thể hiện sự giao thoa văn hóa với các địa phương lân cận; Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên còn là không gian lưu trữ xác thực các bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử trên biển của các thế hệ ngư dân.
Tại buổi lễ, đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy và lưu truyền giá trị phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên” mà Bộ VH-TT-DL đã công nhận và trao tặng. Thay mặt cho toàn ngành VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Hồ Văn Tiến nhấn mạnh: Sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương ven biển giữ gìn bảo tồn và phát huy hơn nữa “Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên”. Vui mừng trước sự kiện “Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên” được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Nguyễn Hảo - Trưởng thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An thay mặt cho các Ban Quản lý Lăng Ông trong toàn tỉnh hứa sẽ tiếp tục giữ gìn, lưu truyền và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh của “Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên” trong thời gian tới.
Kết thúc buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã trao bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên" cho 41 Ban Quản lý Lăng Ông ở các địa phương ven biển trong niềm hân hoan của bà con ngư dân ở các địa phương ven biển.
Đây chính là niềm vinh dự lớn dành cho tỉnh Phú Yên nói chung, cho các địa phương ven biển và tất cả bà con ngư dân trong tỉnh nói riêng.
CTV Khánh Diêu