Tỉnh Đoàn Phú Yênhttps://www.tuoitrephuyen.vn/uploads/logo-doan_3.png
Thứ hai - 06/05/2024 21:14
1. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và là người chỉ đạo sát sao, giáo dục động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Bác đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước nhằm phục vụ cho việc giành thắng lợi hoàn toàn.
2. ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân non trẻ đánh bại một cường quốc quân sự thế giới. Điểm nhấn đặc biệt trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là quyết định mang tính sáng tạo và kịp thời được các nhà nghiên cứu ghi nhận như một trong những nguyên nhân thắng lợi. Đó là sự thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc."
105 ngày tại chỉ huy sở trong một khu rừng tại xã Mường Phăng, 56 ngày đêm “không ngủ” kể từ khi tiếng súng chính thức của trận chiến vang lên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành linh hồn của chiến dịch.
3. ĐẠI TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI
Đại tướng Hoàng Văn Thái (tên thật là Hoàng Văn Xiêm) quê tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo. Quê ông vốn là một vùng quê giàu truyền thống yêu nước. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông là Tham mưu trưởng chiến dịch. “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục,” đó là đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tướng Hoàng Văn Thái.
4. THIẾU TƯỚNG ĐẶNG KIM GIANG
Là Chủ nhiệm Hậu cần, một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận, ông phải chịu trách nhiệm đảm bảo quân lương, súng đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc đảm bảo hậu cần để bộ đội “ăn no đánh thắng” là nhiệm vụ quan trọng trên vai Thiếu tướng Đặng Kim Giang. Nhà giáo Đỗ Ca Sơn, một chiến sỹ Điện Biên, từng tâm sự: "Anh là người đã lo từng hạt cơm, viên đạn để làm nên tiếng sấm Điện Biên Phủ, chiến thắng rung chuyển địa cầu. Có thiếu thốn về hậu cần chứ anh không để bộ đội đói. Anh đã đôn đốc đảm bảo đủ gạo ăn cho đến ngày chiến dịch thắng lợi."
5. ĐỒNG CHÍ LÊ LIÊM - CHỦ NHIỆM CHÍNH TRỊ
Đồng chí Lê Liêm sinh năm 1922, tên thật là Trịnh Đình Huấn, người huyện Thường Tín, Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được giao trọng trách Chủ nhiệm Chính trị của chiến dịch Điện Biên Phủ, lên đường theo Bộ chỉ huy chiến dịch. Cơ quan này được đặt ngay cạnh lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kịp thời nhận nhiệm vụ cũng như tham mưu về công tác chính trị trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.