Hoạt động của đồng chí Phan Đăng Lưu trong quá trình xây dựng, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ

Thứ sáu - 03/05/2024 10:54
Đồng chí Phan Đăng Lưu thuộc thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên được giao trọng trách Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, sau là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ cách mạng Việt Nam phải đối mặt với sự chống phá quyết liệt của chính quyền thực dân và phong kiến phản động, đồng chí Phan Đăng Lưu đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, khôi phục tổ chức đảng và quần chúng, tham gia lãnh đạo cuộc vận động dân chủ, góp phần đưa phong trào cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển cao hơn.
Nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (ảnh trái) và Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo_Ảnh: Tư liệu
Nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (ảnh trái) và Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo_Ảnh: Tư liệu

Hoạt động của đồng chí Phan Đăng Lưu trong những năm đầu gây dựng cơ sở cách mạng ở Trung Kỳ
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 tại thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân khá giả, có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Năm 1923, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông thực hành với tấm bằng xuất sắc, đồng chí Phan Đăng Lưu được bổ nhiệm làm nhân viên tập sự tại Sở Canh nông Bắc Kỳ. Ngày 10-10-1924, đồng chí đến nhận việc tại Trại nuôi tằm Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ). Một năm sau, đồng chí chuyển công tác về Sở Canh nông Nghệ An và được bổ nhiệm làm viên chức tập sự ở Sở Canh nông Bắc Kỳ (1) (vì vậy, đồng chí còn được gọi là ông Phán Tằm). Cuối năm 1925, đồng chí Phan Đăng Lưu chuyển công tác về thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), theo Quyết định số 1418 của Khâm sứ Trung Kỳ(2). Tại đây, đồng chí đã gặp gỡ và trao đổi thường xuyên với những người trí thức yêu nước, như: Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn, Hà Huy Tập, Trần Phú, Trần Văn Tăng (lúc này đã chuyển về dạy học ở Trường tiểu học Vinh), rồi tham gia Hội Phục Việt - một tổ chức cách mạng do các trí thức yêu nước thành lập ngày 14-7-1925 (3).
Đầu năm 1927, mật thám Pháp nghi ngờ đồng chí Phan Đăng Lưu liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, tuy chưa có bằng chứng cụ thể, nhưng Khâm sứ Trung Kỳ vẫn ra quyết định chuyển đồng chí Phan Đăng Lưu vào trại sản xuất trứng tằm ở Phú Phong (tỉnh Bình Định). Ngày 7-4-1927, Khâm sứ Trung Kỳ tiếp tục điều đồng chí Phan Đăng Lưu vào làm việc tại trại nghiên cứu cây trồng Canh Kina (4) ở Lang Hanh, Đồng Nai Thượng (nay là tỉnh Lâm Đồng), nhằm cắt đứt mối liên hệ của đồng chí với những hoạt động chính trị chống Pháp. Ngày 30-6-1927, Khâm sứ Trung Kỳ sa thải Phan Đăng Lưu. Lúc này, đồng chí Phan Đăng Lưu đã tìm đến tổ chức để nhận nhiệm vụ, bắt đầu cuộc đời hoạt động trong phong trào cách mạng ở Trung Kỳ.
Trở về Nghệ Tĩnh - nơi đang có phong trào cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - Phan Đăng Lưu cùng thầy giáo Trần Văn Tăng trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng ở quê nhà (5). Đồng chí được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí cử vào Huế hoạt động và đã nỗ lực cùng đồng chí Nguyễn Sỹ Sách - Bí thư Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Trung Kỳ - vừa xây dựng tổ chức, vừa củng cố để thống nhất hai tổ chức cách mạng đang phát triển và có xu thế tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng, không có lợi cho cách mạng.
Trong những năm 1927 - 1928, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển đều khắp ở các Kỳ bộ Bắc, Trung, Nam và Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí ở Huế đã được thành lập. Ngày 14-7-1928, tại Huế, Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí tiến hành đại hội và quyết định đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Đây là Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Tân Việt Cách mạng Đảng. Đồng chí Đào Duy Anh được cử làm Bí thư Đảng và đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu làm Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn của Tổng bộ (6).
Giữa tháng 3-1928, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Sỹ Sách ở trong nước sang báo cáo, Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã viết thư gửi Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí (Tân Việt Cách mạng Đảng) để đồng chí Nguyễn Sỹ Sách mang về triển khai nhiệm vụ hợp nhất trong nước: “Đảng ở Quảng Châu gửi về nước đồng chí Phong (tức Nguyễn Sỹ Sách) cũng vẫn với mệnh lệnh làm trong sạch hai đảng” (7). Nội dung bức thư viết: “THÂN GỬI: CÁC ĐỒNG CHÍ Ở TRONG NƯỚC… Hội chúng tôi lập lên ở hải ngoại là cốt để gây một cuộc cách mệnh ở đất nước Việt Nam. Vậy bất cứ đảng cách mệnh Việt Nam nào, không phân biệt màu sắc chính trị, chúng tôi đều vui lòng hợp nhất… Ngày nay, không nên để tình trạng phân biệt, chúng tôi đề nghị các đồng chí là đem toàn hội của các đồng chí sáp nhập vào hội chúng tôi hiện có ở khắp mọi nơi trong ba kỳ, làm được như thế là chúng ta hợp nhất. Ngoài một số ý kiến lớn nói trên, còn các chi tiết khác đồng chí Nguyễn Sỹ Sách sẽ bàn thêm” (8). Sau đó, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách bị thực dân Pháp bắt và giam ở nhà tù Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị).
Trước tình hình đó, những người có tư tưởng cấp tiến trong Tân Việt Cách mạng Đảng thấy được sự cần thiết phải thống nhất cả về đường lối chính trị, phương pháp hoạt động và tổ chức lực lượng cách mạng tiếp tục đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tân Việt là tích cực kiên trì, chủ động tìm gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để bàn bạc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng Tân Việt đã chấp thuận và cử đồng chí Phan Đăng Lưu sang Trung Quốc (9). Giữa tháng 9-1929, đồng chí Phan Đăng Lưu bí mật sang Trung Quốc, nhưng bị mật thám theo dõi do có kẻ phản bội, nên đã bị bắt đưa về giam ở nhà lao Vinh, sau đó bị thực dân Pháp kết án 3 năm tù khổ sai.
Mặc dù đồng chí Phan Đăng Lưu bị bắt, nhưng thành quả hoạt động cách mạng của đồng chí với trọng trách là Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn của Tân Việt Cách mạng Đảng đã góp phần quan trọng đối với sự ra đời của Bản Tuyên đạt thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 9-1929) - đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng chính trị hướng theo con đường cách mạng vô sản của Tân Việt Cách mạng Đảng - để đến cuối tháng 12-1929, hoàn tất quá trình thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đây là một trong ba tổ chức cộng sản - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thời gian ở trong tù, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn tiếp tục tổ chức đấu tranh, chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, vì vậy, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia ban lãnh đạo nhà tù (10). Lợi dụng công việc được cai ngục giao ghi chép sổ sách tại văn phòng Tòa sứ Buôn Ma Thuột, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng các đồng chí trí thức yêu nước khác bí mật xuất bản tờ báo viết tay bằng hai thứ tiếng Kinh và Ê-đê, lấy tên là “Doãn Đê tuần báo”, sau đó được đổi tên là “Bôn-sê-vích”. Từ năm 1932 - 1934, đồng chí Phan Đăng Lưu còn cho ra đời tờ báo “Xích sắt”.
Hoạt động của đồng chí Phan Đăng Lưu với trọng trách Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ 
Từ năm 1936, trước những chuyển biến mới của tình hình Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, xác định nhiệm vụ trước mắt là chống phát-xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình; “lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi chính để bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu để đòi những điều dân chủ đơn sơ” (11). Đảng cũng chủ trương chuyển hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp sang các hình thức tổ chức và đấu tranh công khai, nửa công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp, kết hợp với bí mật, bất hợp pháp. Đặc biệt, đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3-1938, Đảng chỉ rõ: “Lập Mặt trận dân chủ thống nhất là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại” (12). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào vận động dân chủ diễn ra trên quy mô rộng lớn, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với những hình thức đấu tranh phong phú.
Đồng chí Phan Đăng Lưu được ra tù trong bối cảnh thực dân Pháp buộc phải thả một số tù chính trị. Được ra tù, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu không được về quê, mà bị quản thúc ở Huế. Đồng chí lại tiếp tục hoạt động cách mạng và là một người tham gia tích cực vào cuộc vận động Đông Dương Đại hội (13) ở Huế. Giữa tháng 8-1936, đồng chí Phan Đăng Lưu bắt liên lạc được với Trung ương Đảng và được chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời Xứ ủy Trung Kỳ, được Đảng phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế và Trung Kỳ, nơi trung tâm đầu não của thực dân Pháp và lực lượng phong kiến Nam triều. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Bùi San,… thể hiện rõ vai trò là linh hồn của cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, góp phần đưa phong trào trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp của quần chúng.
Theo sáng kiến của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu và đồng chí Tôn Quang Phiệt cùng nhiều đồng chí trí thức yêu nước nhận thấy cần xuất bản một tờ báo để vận động cho các ứng cử viên của phong trào bình dân. Ngày 19-6-1937, tờ báo “Sông Hương tục bản” ra đời dưới sự phụ trách của đồng chí Ngô Đức Mậu. Các tờ báo do Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương xuất bản còn phải kể đến các tờ “Dân muốn” (số 1 ra ngày 20-12-1938, số cuối ngày 25-1-1939), “Dân tiến” - cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến (số 1 ra ngày 27-10-1938, số cuối ra ngày 12-12-1938, tổng cộng là 5 số). Cả hai tờ báo này đều do đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo (14). Đồng chí Phan Đăng Lưu đã trực tiếp viết các bài xã luận, bình luận chính trị, tiểu phẩm, thông qua báo chí công khai vạch mặt những tên tay sai hại nước, hại dân, dùng mọi mánh khóe để được trúng cử. Nhiều bài viết có sức thuyết phục, như các bài: “Lời khuyên các cử tri”, “Phơi gan trải ruột cho quốc dân biết”, “Câu chuyện hàng tuần”... Nhờ công tác tuyên truyền thông qua báo chí, đồng chí Phan Đăng Lưu đã hướng cử tri bầu những người tốt vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Những ứng cử viên do báo “Sông Hương tục bản” giới thiệu đều trúng cử.
Cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu ở Trung Kỳ do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo cũng giành thắng lợi (tất cả 18 ứng cử viên do Đảng đưa ra tranh cử đều trúng cử ngay từ vòng đầu và đều nắm các chức vụ chủ chốt trong Viện). Đánh giá về thắng lợi này, Văn kiện Đảng toàn tập đã nêu rõ: “18 candidats ở Trung Kỳ xu hướng về Mặt trận bình dân được đắc cử là những sự thắng lợi rất vẻ vang của Đảng ta” (15). Đánh giá về công lao, đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu, Bùi San - người đồng chí, người trong cuộc cùng ngồi tù, cùng hoạt động tại Huế - đã viết: “Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, anh Lưu ở trong Xứ ủy Trung Kỳ và được giao lãnh đạo các công tác công khai như báo chí hợp pháp của Đảng, lực lượng Mặt trận dân chủ ở Viện dân biểu Trung Kỳ. Anh đã trực tiếp lãnh đạo vào Viện dân biểu này. Cuộc đấu tranh khá gay go…” (16). Đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Trung Kỳ đã được ghi vào sử sách: “Đây là thời kỳ đồng bào, đồng chí ở các tỉnh Trung Kỳ biết đến Phan Đăng Lưu nhiều nhất, nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của anh, dũng cảm tiến bước trong các cuộc đấu tranh chống phản động thuộc địa và tay sai do anh dẫn đầu và tin tưởng vào thắng lợi” (17). Những hoạt động của đồng chí Phan Đăng Lưu đã góp phần thổi bùng lên phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương giai đoạn 1936 - 1939 do Đảng lãnh đạo. Trong cao trào cách mạng sôi động đó, năm 1938, đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cuộc vận động dân chủ giai đoạn 1936 - 1939 ở Trung Kỳ đã góp phần cùng phong trào cả nước buộc đế quốc Pháp phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ. Quần chúng được giác ngộ về chính trị, trở thành lực lượng chính trị mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam. Đội quân chính trị quần chúng gồm hàng triệu người được tập hợp, giác ngộ và rèn luyện. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng được mở rộng. Tổ chức Đảng được củng cố và phát triển. Đến tháng 4-1938, Đảng có 1.597 đảng viên hoạt động bí mật và hơn 200 đảng viên hoạt động công khai. Số hội viên trong các tổ chức quần chúng công nhân, nông dân, phụ nữ, học sinh, cứu tế là 35.009 người (18). Qua cuộc vận động dân chủ, trận địa và lực lượng cách mạng được mở rộng ở cả nông thôn và thành thị, thực sự là một bước chuẩn bị quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sau này.
Người trực tiếp góp phần hoạch định chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng Việt Nam
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp phát-xít hóa bộ máy chiến tranh. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong ba ngày 6, 7 và 8-11-1939, nhằm giải quyết vấn đề chuyển hướng đường lối và phương pháp cách mạng trong tình hình mới. Hội nghị được tổ chức tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Sau khi phân tích rõ mâu thuẫn chủ yếu, gay gắt nhất ở Đông Dương lúc này là mâu thuẫn giữa đế quốc và các dân tộc Đông Dương, Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Nhằm tập trung mọi lực lượng phục vụ nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc, giành độc lập dân tộc, Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thay bằng khẩu hiệu “tịch ký ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc”. Vì vậy, Hội nghị quyết định chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp chuyển sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp “bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”. Hội nghị đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, đề ra những nguyên tắc và biện pháp cụ thể nhằm củng cố Đảng về mọi mặt. Phải thống nhất ý chí và hành động, phải mật thiết liên lạc với quần chúng, phải có vũ trang lý luận cách mạng; phải lập tức khôi phục hệ thống tổ chức Đảng ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ; phải khuếch trương và củng cố cơ sở đảng ở các thành thị, các trung tâm kỹ nghệ và các hầm mỏ, đồn điền; thực hiện tự phê bình và đấu tranh trên hai mặt trận chống tả khuynh và hữu khuynh, đặc biệt chú trọng sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đánh dấu bước phát triển quan trọng về lý luận và đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu. Từ sau Hội nghị, phong trào cách mạng ở Trung kỳ nói riêng và cả nước nói chung đã có những chuyển biến mới, làm tiền đề thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.      
Theo chủ trương của Đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu rút vào hoạt động bí mật và được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Cùng Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí có nhiều cống hiến quan trọng đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.
Trước tình hình cách mạng gặp khó khăn, hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị bắt, giữa tháng 10-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu bí mật rời Nam Kỳ ra họp và thống nhất với Xứ ủy Trung Kỳ cùng Bắc Kỳ tổ chức Hội nghị tái thành lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị diễn ra từ ngày 6 đến 9-11-1940 tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Nghị quyết Hội nghị tiếp tục thực hiện đường lối do Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đề ra, nhằm tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân khi thời cơ xuất hiện; đồng thời, chủ trương hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, được giao nhiệm vụ truyền đạt chủ trương này của Trung ương đến Đảng bộ Nam Kỳ. Tuy nhiên, đêm ngày 22-11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu về Sài Gòn mang theo chỉ thị của Trung ương Đảng, đúng vào lúc thực dân Pháp đang phá tan cuộc khởi nghĩa sắp bùng nổ, vây bắt những chiến sĩ cách mạng và đồng chí Phan Đăng Lưu cũng bị bắt (19). Theo lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975): “Đồng chí Phan Đăng Lưu trên đường về còn có nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 cho các cấp bộ Đảng Trung Kỳ, do đó đến ngày 22-11-1940 mới về tới Sài Gòn, chưa gặp được đồng chí Tạ Uyên, trong khi đó Xứ ủy đã gửi lệnh khởi nghĩa đi khắp các tỉnh rồi” (20).
Như vậy, trong bối cảnh thực dân Pháp đang truy lùng bắt bớ gắt gao những đảng viên cộng sản, đồng chí Phan Đăng Lưu không chỉ can đảm vượt vòng vây của địch, bí mật đi ra Bắc để tham dự Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1940, mà trên đường vào Nam, vẫn còn tiếp tục truyền đạt Nghị quyết Trung ương Đảng cho các cấp Đảng bộ Trung Kỳ. Những chủ trương của Đảng đã đi vào phong trào cách mạng của quần chúng. Khi khói lửa của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chưa tan, ngày 13-1-1941, một cuộc binh biến nổ ra ở đồn Chợ Rạng (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) dưới sự chỉ huy của Đội Cung. Có thể thấy, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và binh biến Đô Lương là “những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương” (21). Đây cũng là sự chuẩn bị quan trọng cho Đảng bộ Trung Kỳ để sau đó tiếp nhận chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941), hoàn chỉnh đường lối chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đồng chí Phan Đăng Lưu - người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã “lấy cái chết của mình để bảo vệ sống còn của dân tộc, của giai cấp và của Đảng Cộng sản Đông Dương”(22). Sớm đi theo con đường cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Dù trong những lúc phong trào cách mạng đầy cam go, thách thức, song đồng chí vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, chí khí chiến đấu. Ở trong tù, đồng chí Phan Đăng Lưu kiên quyết đấu tranh và lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng, yêu nước chống chế độ lao tù dã man, tàn khốc của kẻ thù bằng nhiều hình thức. Khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia ngay vào hoạt động cách mạng, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đánh giá về công lao và đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu và nhiều nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay” (23). Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Phan Đăng Lưu là một tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, bất khuất; về niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng; về sự hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam./.
---------------------------
(1), (2), (10) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 50, 347, 370
(3) Sau đổi tên thành Hội Hưng Nam; đến năm 1926, đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng; tháng 7-1927, đổi tên thành Hội Việt Nam Cách mạng Đồng chí.
(4) Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử và tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr. 21.
(5) Trương Quế Phương: “Đồng chí Phan Đăng Lưu - Nhà cách mạng tiền bối, nhà báo tiên phong của Đảng”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1 (134), 2002, tr. 45.
(6) Tỉnh ủy Nghệ An: Nghệ An - Những tấm gương cộng sản, Nxb. Nghệ An, 1998, tr. 98 - 99.
(7), (8) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 1, tr. 438, 85 - 86
(9) Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử và tác phẩm, Sđd, tr. 26.
(11), (12) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 144, 350, 360
(13) Tôn Quang Phiệt: “Về đồng chí Phan Đăng Lưu, một trí thức cách mạng kiên cường (hồi ký)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 147, 1972, tr.17.
(14) Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, t. 2, tr. 490 - 491.
(15) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 271.
(16) Bùi San: “Vài nét về anh Phan Đăng Lưu (hồi ký)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4 (181) 1978, tr. 52.
(17)  Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên - Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. I (1930 - 1954), tr. 119.
(18) Xem: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 374 - 375.
(19) Trần Huy Liệu: Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, Nxb. Sử học, 1961, q. 2, t. II, tr. 61 - 62.
(20) Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 - 1975), Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 222.
(21) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 109.
(22) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, 2001, t. 12, tr. 8 - 9.
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 25.

Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/

Tác giả: Diepkinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây