Để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, Đảng và nhân dân ta có thời gian là 15 năm, tính từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhưng thực tế thì thời gian chính thức chuẩn bị trực tiếp cho Cách mạng Tháng Tám có thể tính từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII (5-1941).
Nhìn lại lịch sử, dấu ấn lịch sử in đậm trí tuệ và tài thao lược của Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố của thời cơ khách quan với nhân tố chủ quan. Đó là sự nhận thức thời cơ, nắm bắt lấy nó để giành thắng lợi. Nếu thời cơ chưa tới mà “động thủ” tất thất bại. Nếu thời cơ qua đi mới “dậy” thì không bao giờ thắng.
Hồ Chí Minh bị bắt, bị giam ở Trung Quốc, khi được thả ra, tướng Trương Phát Khuê không cho Người về mà đưa người vào hoạt động trong một tổ chức người Việt, tay sai của Tưởng, đó là tổ chức Mặt trận mang tên: Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Người đã nhận chức phó chủ tịch của tổ chức này trên danh nghĩa. Cho mãi đến ngày 9-8-1944, Trương Phát Khuê mới trả lại tự do và cho Bác về Việt Nam. Trước khi về, Bác nói với Trương Phát Khuê rằng: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có một lời bảo đảm với ông rằng: Chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa được thực hiện tại Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.
Cuối tháng 9-1944, về Pắc Bó (Cao Bằng), sau khi nghe Liên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng báo cáo về việc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, Bác chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì việc chuẩn bị chưa đầy đủ và thời cơ chưa tới.
Người chỉ rõ, thời cơ đã đến rất gần, cần phải chuẩn bị gấp, điều cần thiết là phải có một toàn quốc đại biểu bao gồm tất cả các đoàn thể, các đảng phái để dự kiến thành lập ra một chính quyền mới.
Đầu tháng 12-1944, Bác triệu tập đồng chí Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp đến Pắc Bó. Sau khi nghe báo cáo về phong trào cách mạng ở Cao-Bắc-Lạng, Bác chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận trách nhiệm thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Giữa tháng 12-1944, Bác giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bản “chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.
Thực hiện chỉ thị của Bác, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Sam Cao (Trần Hưng Đạo) thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” được thành lập. Lúc đó, đội chỉ có 17 súng trường, 14 súng kíp, sau đó được trang bị thêm 1 tiểu liên Mỹ và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom chậm và 500 đồng để chi phí.
Quân đội ta ra đời bắt đầu với 34 chiến sĩ, đúng như lời tiên đoán của Bác: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Lúc đó dân ta “một cổ hai tròng”, hai tên đế quốc phát xít áp bức bóc lột nhân dân ta. Lịch sử không thể nào quên nạn đói năm 1944, đầu năm 1945 do phát xít Nhật, thực dân Pháp gây ra. Nhân dân miền Bắc lúc đó đã chết đói hơn hai triệu người. Trong lúc dân đói, bọn phát xít dự trữ lúa để chạy máy thay than đá. Lòng căm thù của nhân dân ta đối với bọn cướp nước đã lên đến tột đỉnh. Với lực lượng đã được chuẩn bị, từ tháng 3-1945, những cuộc phá kho thóc của Nhật để cứu đói dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã xảy ra ở khắp nơi. Những cuộc khởi nghĩa từng phần đã bùng nổ.
Lúc này trên các trận tuyến, chủ nghĩa phát xít đang lún sâu vào thất bại. Hồng quân Liên Xô và lực lượng Đồng minh đang tấn công phát xít Đức cả phía đông và phía tây. Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô phấp phới bay trên nóc nhà Quốc hội Đức. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức ký văn kiện đầu hàng không điều kiện Đồng minh và Liên Xô.
Quân Nhật sau những trận tử chiến ở Trân Châu Cảng ngày càng thất bại. Nhật thua to ở Thái Bình Dương. Đức bại, Nhật thua, sợ Pháp lật lọng, giành lại chính quyền ở Đông Dương nên 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp để nắm quyền thống trị hoàn toàn ở Đông Dương.
Ngày 9-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” - Nhân dân ta bắt đầu tiến hành cuộc khởi nghĩa từng phần, trong thế kẻ thù đang thất bại.
Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Ngày 9-8-1945, với 1,5 triệu quân, 5.500 xe tăng, 3.900 máy bay, 2.600 pháo và hạm đội Thái Bình Dương, Hồng quân đã mở cuộc tấn công vào 1 triệu quân Nhật trên trận tuyến từ Bắc Triều Tiên qua Đông Bắc Trung Quốc tới Nam Xakhalin và Curin.
Trước khi Liên Xô tuyên chiến, ngày 6-8-1945 Mỹ đã ném xuống Hiroshima quả bom nguyên tử đầu tiên làm 247.000 người chết. Sau đó ngày 9-8-1945, Mỹ ném tiếp xuống Nagazaki một quả bom nguyên tử nữa, làm chết 200.000 người.
Ngày 10-8-1945, Chính phủ Nhật gửi thư cho đồng minh xin chấp nhận đầu hàng. Ngày 14-8-1945, Nhật chấp nhận đầu hàng không điều kiện.
Ở trong nước, cuối tháng 7-1945, Bác Hồ bệnh rất nặng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: Một hôm, thấy Bác mệt, đồng chí xin nghỉ lại với Bác. Đêm ấy khi tỉnh lại, Bác dặn rằng: “Lúc này là thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Sau đó ít ngày, Bác uống thuốc của một cụ lang người Tày, bệnh Người giảm dần.
Ngày 13-8, nghe tin Nhật đầu hàng, Hồ Chí Minh chỉ thị hỏa tốc yêu cầu Tổng khởi nghĩa. Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa và quyết định thi hành 10 chính sách của Việt Minh. Ngày 15-8-1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Tháng Tám, cả nước nhất tề đứng dậy. Nhân dân ta đã đập tan gông xiềng đế quốc, phong kiến giành lấy độc lập tự do.
Những ngày Tháng Tám sống mãi cùng dân tộc. Mỗi ngày Tháng Tám như có Bác cầm cây chì đỏ vạch đường. Mỗi phút của thời cơ là mỗi phút làm nên thắng lợi. Tháng Tám, âm vang mãi lời Bác: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
(lichsuvietnam.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn