Ngay những ngày đầu thành lập nước, cách mạng đang trong thời kỳ khó khăn, thù trong giặc ngoài đe dọa, Bác Hồ đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của NCT, đồng thời để khai thác tiềm năng và phát huy vai trò của NCT thì việc đầu tiên - theo Bác Hồ là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định.
Bác chỉ rõ: “Đối với NCT, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”.
Mặc dù bận nhiều việc nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành cho phụ lão những tình cảm đặc biệt. Cứ mỗi khi nhận được tin tức về chiến công hay những việc làm có ý nghĩa của các cụ phụ lão trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Hồ Chủ tịch đều kịp thời có thư động viên, thăm hỏi.
Trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, khi được tin chiến thắng dồn dập từ mặt trận, Người đã viết một bài thơ tặng cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn, một nhân sĩ trí thức yêu nước, lúc ấy là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) những vần thơ bằng chữ Hán rất mực trang trọng mà vẫn đầm ấm nghĩa tình:
“Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ Cụ thơ xuân tặng một bài”.
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Bác thường nhắc đến: “Càng già càng anh hùng”, “Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ - cứu nước già nào kém ai”. Với nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng vậy, Bác Hồ nói: “Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.
Từ đánh giá đúng đắn tiềm năng và vai trò của NCT, Bác Hồ khẳng định: "NCT là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Bác vô cùng quý mến, kính trọng NCT và nhắc nhở mọi người: "Với cụ già phải cung kính". Trong Đảng, Bác cũng xác định: “Các đồng chí già là rất quý, các cụ là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ”.
Lòng kính trọng của Bác Hồ đối với NCT không chỉ thể hiện rõ trong nhiều bài viết, bài nói, mà đã tỏa sáng trong mọi việc làm, mọi cử chỉ của Bác. Năm 1948, được biết cụ Phùng Lục - Phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, thọ 80 tuổi, không tổ chức tế lễ linh đình, đã mang 500 đồng tiền mừng thọ giúp vào quỹ kháng chiến, Bác Hồ đã viết thư chúc mừng và cảm ơn. Trong thư, Bác kính trọng, khiêm tốn xưng cháu với cụ Lục:"Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ". Đây chỉ là một trong rất nhiều sự việc thể hiện sự kính trọng của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đối với NCT.
Là người lạc quan, yêu đời, Người quên cả tuổi già và luôn lạc quan cách mạng. Năm 1950, khi tròn 60 tuổi, Bác lạc quan viết những vần thơ:
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên...”.
Năm 1964, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Người nói: “... Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi: Bảy mươi tư tuổi vẫn không già/Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta...” .
Ở tuổi 78, Nguời vẫn lạc quan:
“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm
Vẫn giữ hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn.
Tiến bước! Ta cùng con em ta”.
Có thể thấy, trong suốt quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước, vai trò NCT luôn được đề cao và trân trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết kết hợp sức mạnh của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội với vai trò xung kích của tuổi trẻ, vị trí nòng cốt của "tuổi già" để tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đoàn kết cho khối đại đoàn kết toàn dân - Yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, tiếp nói truyền thống tốt đẹp đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho việc chăm sóc người cao tuổi nhằm phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
HỒNG LÊ
(Tổng hợp từ các nguồn tư liệu)
(Theo baoapbac)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn