Bác Hồ với tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc

Chủ nhật - 09/04/2017 21:22
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền tảng đại đoàn kết dân tộc. Theo Người, đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa chiến lược, là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.

 Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 2/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng Đại hội. Sức mạnh Đại đoàn kết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản kết thành một khối vững chắc trong cuộc đấu tranh cách mạng. Vì thế, Người đã kiên trì, dày công xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở các dân tộc phải được bình đẳng như nhau, sống có tình, có nghĩa với nhau, thương yêu, đùm bọc nhau và phải giúp đỡ nhau như anh em một nhà.


Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện tại các hội nghị và nói về công tác dân tộc, Người luôn luôn nhắc nhở, quán triệt và chỉ huấn về đoàn kết dân tộc. Thư gửi Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Plei ku ngày 19 tháng 4 năm 1946, Người viết: “...Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha Dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để gìn giữ nước non, để ủng hộ Chính phủ ta.

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Tư tưởng, quan điểm về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện giá trị nhân văn cao cả, là sức mạnh vô địch cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, với nội dung cơ bản: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là gần 25 năm đổi mới đất nước. Quan điểm của Đảng về công tác dân tộc được thể hiện rõ trong các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chương trình, dự án đầu tư phát triển của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương lần thứ 7, (khóa IX) đã nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; trong những năm trước mắt tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như: tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, không đủ tư liệu sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc trên các lĩnh vực: xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc, phát triển sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, coi trọng đào tạo cán bộ và đội ngũ trí thức dân tộc; kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

Tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng, củng cố niềm tin tạo sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội là sự cổ vũ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Huy Bình

(Theo Báo Ủy Ban dân tộc và Phát triển)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây