Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ nhật - 09/04/2017 21:38
Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người chỉ huy tối cao của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, động viên, hướng dẫn các cán bộ, chiến sỹ. Sự động viên chỉ đó không chỉ dành cho các lực lượng tham gia chiến dịch, mà còn thể hiện sâu sắc đối với từng cán bộ, chiến sỹ, từ những vấn đề rộng lớn tới những tình huống cụ thể trong chiến đấu và sinh hoạt.

Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát

 

Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, Người đã gửi thư cho cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu - đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén.

 

Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng... các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.

 

 

Với mặt trận đảm bảo cung cấp cho chiến dịch, một công việc nặng nề có tính quyết định tới sự thành bại của chiến dịch, Bác cũng đã có thư riêng“Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công”. Bác đã tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người lập công trong chiến dịch. Tết Giáp Ngọ (1954), Người đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước rất đẹp có in đậm hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Tới gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch, tháng 3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên.

 

Sau thắng lợi của hai trận mở màn chiến dịch ở Him Lam, Độc Lập và đập tan đợt phản kích hòng chiếm lại các cứ điểm này của địch, Bác và Trung ương Đảng đã điện khen ngợi, động viên, cổ vũ và căn dặn cán bộ và chiến sỹ mặt trận, trong đó có đoạn: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

 

Suốt quá trình diễn ra chiến dịch, Người còn dành sự quan tâm đặc biệt tới tình hình chiến trường này. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Bác đã kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Hồ Chủ tịch đã đem tới cho cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin vào những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận...

 

Những kỷ niệm khó quên

 

Sau ngày chiến dịch toàn thắng, các đơn vị đã tham gia chiến dịch tổ chức bình bầu những chiến sỹ tiêu biểu đại diện cho đơn vị lên gặp Bác. Chiều 19/5/1954, đoàn cán bộ chiến sỹ đã lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ thay mặt cho các chiến sỹ toàn quân đến chúc mừng sinh nhật Bác. Khoảng 10 giờ đêm, Bác tới. Mọi người đều cảm động quá, lúng túng chào Bác. Bác bảo: “Bác bận việc, bây giờ mới đến thăm các cháu được. Các cháu đi đường có mệt không? Các cháu về chậm một ngày, Bác mong lắm! Bây giờ thấy các cháu khỏe, Bác yên tâm. Thôi Bác về để các cháu nghỉ”.

 

Sáng hôm sau, một chiến sỹ cảnh vệ ra đón đoàn và thông báo Bác đang đợi. Cả đoàn lần lượt bước vào. Trong ngôi nhà lá cọ, vẫn đôi dép cao su, bộ quần áo vệ quốc đã bạc màu, Bác vừa bắt tay và ôm hôn từng chiến sỹ như người ông đón các cháu mới ở xa về. Người vui vẻ chỉ mọi người đến ngồi ở hai dãy ghế ngay trước cửa. Trên chiến bàn tre đơn sơ, đã có mấy đĩa kẹo, bình nước và lọ hoa rừng. Chỉ chỗ cho từng người ngồi, Bác rất vui, nêu ngay một câu hỏi: “Đơn vị cháu nào bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và bắn rơi nhiều máy bay nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ?”. Nguyễn Quang Thuận - chiến sỹ xuất sắc nhất của bộ đội cao xạ, là pháo thủ số 2, trực tiếp đạp cò bắn rơi chiến máy bay Pháp đầu tiên và cũng là người nêu gương dũng cảm bảo vệ pháo - đứng lên: “Thưa Bác, đơn vị cháu ạ!”. Bác hỏi: “Cháu tên là Thuận, đã lấy mũ sắt của mình đậy lên kính ngắm khẩu pháo khi địch ném bom phải không?”. Xúc động trước sự quan tâm sâu sắc của Bác, đồng chí Thuận đáp rất rụt rè: “Thưa Bác, đúng ạ!”.

 

Sau khi đồng chí Thuận đứng lên chúc mừng Bác nhân ngày sinh nhật, chúc Bác sống lâu, hứa thực hiện những lời Bác dạy, Bác Hồ nói: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sỹ lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm cho mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm huy hiệu”. Cả năm người lần lượt đưa tay lên mũ chào Bác khi Người gắn Huân chương cho mình. Phía sau Bác, các phóng viên tranh thủ quay phim, chụp ảnh.

 

Chiều hôm đó, Bác dẫn cả đoàn đi dạo, thăm vườn rau, bãi tập thể dục... rồi về ăn cơm cùng Bác. Gắp thức ăn cho từng người, Bác Bảo: “Hôm nay Bác đãi các chiến sỹ Điện Biên Phủ chứ không phải cơm Nhà nước mời đâu. Toàn cây nhà lá vườn cả, nhưng các cháu phải ăn no, các cháu ăn nhiều, Bác sẽ vui, sẽ khỏe”. Vừa ăn Bác vừa nói chuyện tình hình trong nước và thế giới cho cả đoàn cùng nghe...

 

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối chung đến chỉ đạo từng trận đánh. Người đã truyền cho các chiến sỹ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.

 

Theo Phan Sỹ Phúc (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Theo Baotintuc.vn 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây