Trước hết, Bác quan niệm sức khỏe là bao gồm có sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Theo Bác, "khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, thế là sức khỏe". Tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin về bản chất của con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội, Bác Hồ quan niệm việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân phải “Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”; “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Theo Bác Hồ, sức khoẻ con người là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; chăm sóc sức khỏe là góp phần tạo ra của cải xã hội chứ không phải là một công việc chỉ tiêu tốn của cải xã hội. Theo Bác, con người là vị trí trung tâm của mọi hoạt động và quyền được sống là quyền cao nhất của con người. Khi được sống thì sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì; “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”; “sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.Theo quan niệm của Bác Hồ, sức khỏe của cá nhân và sức khỏe của cộng đồng có quan hệ mật thiết với nhau "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe". Sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung của cộng đồng, của quốc gia; mỗi người tự chăm sóc sức khỏe của mình không chỉ vì mục đích cá nhân mà còn có mục đích vì đất nước; ngoài việc tự chăm sóc sức khỏe, mỗi người dân còn phải có nghĩa vụ tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Với cương vị là Chủ tịch Nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến việc xây dựng nền y học của nước ta. Bác đưa ra một quan điểm “xây dựng một nền y học của ta”, một nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam, lấy nhân tố nhân dân và nhân tố Việt Nam là cơ sở. Bác yêu cầu cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Cuộc đời Bác Hồ luôn vì nước, vi dân, lấy dân làm gốc, nên Bác đòi hỏi việc xây dựng một nền y học phải xuất phát từ nhân dân, của dân, vì dân. Nền y học của ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Lúc sinh thời, Bác thường xuyên nhắc nhở các cán bộ của đảng, nhà nước, các đồng chí chỉ huy quân đội, các cán bộ y tế phải quan tâm chăm sóc sức khỏe cho cụ già, cho trẻ em, cho người nghèo ở vùng xa xôi, hẻo lánh, cho bộ đội và thương binh.
Theo Bác Hồ, nền y học của ta không chỉ mang tính dân tộc, tính nhân dân mà phải là một nền y học mang tính khoa học, phải vươn tới xây dựng một nền y học hiện đại, đào tạo được ngày càng nhiều các chuyên gia đầu đàn, nhanh chóng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tập trung xây dựng những trung tâm y tế chuyên sâu. Bác thể hiện rất rõ quan điểm xây dựng một nền y học trên cơ sở kết hợp đông y và tây y. Bác cho rằng:“Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng không chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng XHCN. Thầy thuốc tây phải học đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như có hai tay cùng làm việc thì làm việc được tốt”. “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc”; “Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”. Bác yêu cầu phải kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại, phải hiện đại hóa y dược học cổ truyền nhưng không làm mất bản sắc y dược học dân tộc. Để xây dựng một nền y học hiện đại tiến kịp với nền y học nhân loại, chúng ta phải khai thác, phát huy sức mạnh của y dược học cổ truyền; khai thác, phát huy cái phong phú, cái tài tình, cái còn đang tiềm ẩn của y học cổ truyền.
Bác Hồ luôn quan tâm đến y đức của người thầy thuốc, coi đó là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác dặn dò các y tá “y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”. Quan điểm của Bác Hồ về đạo đức của người thầy thuốc là “lương y phải như từ mẫu”. Người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh là trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành đạo. Không chỉ thương yêu người bệnh, người thầy thuốc “trước hết phải thật thà đoàn kết...”, “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sĩ, Dược sĩ cho đến các chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”.
Bác Hồ nêu ra phương châm hàng đầu trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là “Phòng bệnh là chính”. Bác nói “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh”; “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Để chống lại bệnh tật, ốm đau, Bác đặc biệt quan tâm đến vệ sinh môi trường, coi “Vệ sinh là yêu nước” và thường xuyên nhắc nhở “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Đối với các cháu thiếu nhi, Bác dạy phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Trong nội dung của “Đời sống mới”, Bác viết “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khỏe mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn, xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”, "Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ". Đặc biệt, Bác luôn quan tâm đến việc nâng cao thể lực của con người, vận động toàn dân phải thường xuyên vận động cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Bác kêu gọi “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”; các cháu thiếu nhi “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”. Bác cũng hứa “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập” và tự bản thân Bác luôn gương mẫu thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, trở thành một mẫu mực của ý chí rèn luyện về mọi mặt.
Mặc dù Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những tư tưởng, quan điểm của Bác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân vẫn có những giá trị to lớn trong việc định hướng phát triển nền y học Việt Nam, định hướng cho Đảng và Nhà nước ta hoạch định chủ trương, chính sách về chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời kỳ mới.
Mạnh Hồng
(Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Kom Tum)