“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ...”, mùa Xuân luôn khiến ta cảm thấy tràn trề nhựa sống, thiên nhiên, vạn vật dường như cũng sinh sôi nảy nở hơn vào mùa Xuân. Với dân tộc ta, mùa Xuân không chỉ thể hiện cho sự giao mùa, sự kết thúc của một năm cũ bước sang năm mới mà mùa Xuân còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Kể từ mùa Xuân đầu tiên nhân dân ta có Đảng, ngày 3-2-1930 đến nay, đã có rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc ta diễn ra.
Từ mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, nhận được liên lạc của Quốc tế Cộng sản, Bác Hồ của chúng ta sau khi bàn bạc với các đồng chí của mình, Bác quyết định tổ chức Hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 (trùng với ngày 6 đến ngày 8 tháng 1 âm lịch) tại Cửu Long (Trung Quốc). Ngày cuối cùng của Hội nghị, Người xúc động nói: “Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lê-nin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi – Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống anh dũng, nhưng suốt những năm ấy nhân dân ta lại thiếu những người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gắn lấy vai trò này và tôi tin rằng Đảng ta phải dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu”.Đúng như vậy, từ mùa Xuân năm 1930 cách mạng Việt Nam có Cương lĩnh đúng đắn do Bác Hồ khởi thảo, được Đảng không ngừng hoàn thiện, đời sống chính trị, tinh thần, khí thế đấu tranh cách mạng của toàn dân ta đã chuyển qua một giai đoạn mới, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giông bão đi tới bến vinh quang.
Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa Xuân năm 1941, Bác Hồ đã trở về Cao Bằng - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc với bản Nghị quyết lịch sử của Hội nghị Trung ương VIII. Những công việc đầu tiên của Người là chỉ đạo Đảng ta thành lập Mặt trận Việt Minh, tập hợp lực lượng toàn dân đứng lên để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; tổ chức xây dựng căn cứ địa cách mạng làm nơi đứng chân để xây dựng lực lượng, tích lũy lương thực, súng đạn, chuẩn bị tiền đề vật chất cho tổng khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự đồng lòng đồng sức của nhân dân, Tổng khởi nghĩa đã thành công. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: Kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc.Xuân Bính Tuất năm 1946 là mùa Xuân độc lập đầu tiên của dân tộc và cũng là lần đầu tiên cả nước ta được nghe Thơ chúc Tết của Bác Hồ vào giao thừa năm 1946. Mọi người vẫn còn nhớ lời Bác nhắn gửi các chiến sĩ lúc bấy giờ đang đánh thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
và chúc Tết toàn thể đồng bào:
Trong năm Bính Tuất mới
Muôn việc đều tiến tới
Kiến quốc mau thành công
Kháng chiến mau thắng lợi.
Việt Nam độc lập muôn năm.
Trong bài “Mừng báo Quốc gia”, nhân Tết độc lập đầu tiên, Người đã chúc:
“Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón Xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc cộng hòa”.
Lời chúc của Bác thật đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đẫm nghĩa tình với triết lý “Tết này mới thật Tết dân ta”, chỉ một câu này thôi đã đủ cho ta thấy được ý nghĩa lớn lao của cái Tết độc lập đầu tiên của dân tộc. Vì từ xưa đến nay nhân dân ta chưa bao giờ được làm chủ mình, mà trước thì phải nghe lời vua quan, sau thì phải nghe lời thực dân cướp nước, luôn phải sống cuộc sống một cổ hai tròng. Chỉ từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dân ta mới biết thế nào là tự do, bình đẳng, bác ái.
Sau mùa Xuân độc lập đầu tiên của dân tộc, mùa Xuân Bính Tuất năm 1946, cả dân tộc ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.Trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến này vào mỗi độ Xuân về Bác vẫn luôn làm thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Những vần thơ chúc Tết, chào đón mùa Xuân của Bác luôn gieo vào lòng mọi người niềm tin thắng lợi của ngày mai. Đó cũng là biểu hiện của tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản. Khi cách mạng gặp khó khăn hay khi gần thắng lợi, Bác luôn thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác đã nói:
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập nhất định thành công.
Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng bắt đầu từ những ngày đầu mùa Xuân năm 1954. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, chấm dứt gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài và vô cùng gian khổ, dân tộc ta đã có biết bao chiến công hiển hách được ghi dấu ấn lịch sử từ những mùa Xuân. Mở đầu cho những chiến công to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó là khởi nghĩa Đồng khởi của quân và dân Bến Tre vào mùa Xuân năm 1960, tạo một bước phát triển mới quan trọng của cách mạng miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tạo tiếng vang lớn làm đau đầu cả Lầu Năm Góc, báo hiệu sự sụp đổ không thể nào tránh khỏi của quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai.
Vào giao thừa Mậu Thân chuyển sang Kỷ Dậu (2 năm 1969), đồng bào và chiến sĩ cả nước quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe bài thơ chúc Tết của Bác Hồ truyền qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam:
Năm qua, thắng lợi vẻ vang,
Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to !
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên ! chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn !
Đây cũng là lần cuối cùng đồng bào cả nước được nghe thơ của Bác, lời của Người thể hiện một ý chí sắt thép, một nghị lực phi thường. Lời thơ Xuân như hịch truyền cổ vũ cuộc đấu tranh cách mạng ngoan cường mà Hồ Chí Minh là ngọn cờ, là hồn thiêng sông núi.
Từ đó, hằng năm đến giao thừa, ta không còn có cái hạnh phúc được nghe giọng ấm cúng của Bác đọc thơ Xuân mới nữa, nhưng âm vang hào hùng và sâu lắng trong những bài thơ Xuân của Bác vẫn còn rung động lòng ta mãnh liệt. Theo những lời thơ chúc Tết của Bác và cũng là những mệnh lệnh, sự tiên đoán thần kỳ, để rồi cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1972, đặc biệt là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm đó đã làm sụp đổ hoàn toàn uy lực của không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân về nước ngày 27/1/1973. Và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang ba mươi năm chiến tranh giải phóng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong mùa Xuân năm 1975 như một điểm hẹn lịch sử, là sự kết tinh của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Đã trải qua 83 năm, qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng mỗi năm Tết đến, Xuân về, toàn dân tộc ta vẫn rộn ràng niềm vui, niềm tự hào: “Mừng Đảng, mừng Xuân” và mỗi mùa Xuân mới mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi người dân của dân tộc Việt Nam anh hùng luôn nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, hiên ngang sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Người
Kim Yến
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn