Là linh hồn của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đề ra đường lối "Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến" và Người trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng của toàn dân. Đây là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu đưa tới thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đường lối chiến tranh nhân dân là một sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống chống ngoại xâm của tổ tiên và được nâng lên trong thời đại cách mạng mới. Dưới ánh sáng lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân với ý chí của cả một dân tộc: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Với tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên toàn dân, lãnh đạo toàn dân, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc. Người đồng cam cộng khổ với dân, với cán bộ, chiến sĩ. Người đi chiến dịch, vạch "đường đi từng bước từng giờ" cho cuộc kháng chiến. Tại hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành TƯ Đảng đầu năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 10 nhiệm vụ của toàn Đảng để lãnh đạo cuộc kháng chiến và chính sách quân sự khi chuẩn bị cho giai đoạn tổng phản công, chọn Tây Bắc làm hướng hoạt động chính. Nhiệm vụ số 1 mà Bác chỉ cho lực lượng vũ trang ta tác chiến là phải "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do. Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay". Tư tưởng này của Bác đã trở thành phương châm, đường lối quân sự của Đảng chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là cơ sở, nền tảng cho các bước tiến vững chắc trong những chiến dịch, các kế hoạch tác chiến của lực lượng vũ trang, nhất là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, chúng ta đã chủ động tiến công trên hướng Tây Bắc và các chiến trường toàn quốc phối hợp tác chiến để phân tán lực lượng địch.
Đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Theo như suy nghĩ của Bác thì Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp. Khi quân Pháp tập trung đến Điện Biên Phủ, ngay từ đầu tháng 12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế.
Thực hiện chỉ thị của Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định: toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, nhất định bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong suốt chiến dịch, cả nước đã huy động hơn 26 vạn dân công với hơn 18 triệu ngày công, 25 nghìn tấn gạo, hơn 900 tấn thịt và gần một vạn tấn thực phẩm khác, hơn 2 vạn xe đạp thồ, gần 12 nghìn bè, mảng nứa cùng hàng nghìn ngựa thồ. Đặc biệt là đóng góp tại chỗ rất kịp thời, thiết thực về người, phương tiện vận tải, của cải của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc và Đông Bắc Tổ quốc, nhất là đồng bào tỉnh Lai Châu, Điện Biên là nơi trực tiếp diễn ra trận đánh Điện Biên Phủ.
Có thể khẳng định, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu tượng sinh động của khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc". Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Đó là sức mạnh của lòng yêu nước của dân ta. Sức mạnh đó đã được nhân lên gấp bội do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta giáo dục, tổ chức toàn dân trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cứu quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là thắng lợi của tư tưởng và nghệ thuật quân sự thiên tài Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân cách mạng vì dân mà chiến đấu hy sinh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược còn bắt nguồn từ tư tưởng và hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chính sách đối ngoại khôn khéo, bằng những hoạt động ngoại giao cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nối liền mối liên kết dân tộc ta với các dân tộc ở Đông Dương thuộc địa và những người tiến bộ của nước Pháp thống trị, với các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân. Nhờ thế nên cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta đã giành được sự ủng hộ to lớn, có hiệu quả của phong trào giải phóng dân tộc, các nước anh em bầu bạn khắp năm châu. Đúng như Chủ tịch Hồ ChÍ Minh đã tổng kết: Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Phạm Văn Khánh
(Theo Báo Bắc Giang)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn