Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng do Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao

Chủ nhật - 09/04/2017 21:21
Trưa 21-10-2013, anh em bạn chiến đấu khu vực Sài Gòn chúng tôi bàng hoàng nhận tin Đại tá Đặng Văn Thượng, nguyên chính ủy Trung đoàn 1, nguyên Phó chính ủy Sư đoàn 9, nguyên Chính ủy Sư đoàn 5B, nguyên Chính ủy Trường Lục quân 2, nguyên Chính ủy tỉnh đội Tây Ninh, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nguyên chuyên viên cao cấp văn phòng chính phủ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh đang trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Những cựu binh chúng tôi dù tuổi già cũng vội vàng đến chỗ anh., đấy là Chín Trí, Biệt động thành, Năm Tích- Sư đoàn trưởng, là Hồng Cẩm, Ba Bu…. 6 giờ 15 phút 22-10 đồng đội và những đứa em cùng chung chiến tuyến vẫn đứng đó nhưng anh Sáu Thượng đâu còn nhận ra ai.

 Anh ơi! vừa mới mấy ngày trước, anh em chúng ta còn lập bàn thờ Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và còn nghe anh  bàn bạc về việc phải lo xây đền thờ tại Gò Đen, chụp bằng được Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên … Anh em nhắc lại việc Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài  anh cùng bộ đội Trung Huyện chia lửa cho mặt trận Điện Biên Phủ.

 Rồi anh cung cấp tư liệu về việc lá cờ "QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG" do Đại Tướng Võ Nguyên Giáp giao cho anh mang về cho bộ đội chủ lực Quân Giải Phóng Miền Nam năm 1960. Tiếng anh chậm rãi nhưng trí nhớ thì rất mạch lạc.

Mấy chục năm qua, từ lúc còn chinh chiến đến lúc xây dựng đất nước trong hòa bình anh lúc nào cũng tận tâm, tận lực phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân và hết lòng yêu thương, vị tha với đàn em thân yêu của anh. Anh Sáu ơi ! Trong những giây phút cuối cùng còn được thấy anh, thương anh vô hạn nhưng biết làm sao hơn, chỉ biết đứng lặng nhìn anh mà nuốt nước mắt mà thôi.

Chúng em cũng đã đầu bạc, răng long chắc hẳn không xa anh em ta sẽ gặp lại nhau, lại cùng hát vang bài ca " Giải Phóng Miền Nam " ở một thế giới khác nhưng hôm nay, anh đã đi trước, tiếp tục theo chân Đại tướng kính yêu, theo chân Bác Hồ vĩ đại. Nhớ đến anh, một người đồng chí, người thủ trưởng cả khi anh còn trong quân ngũ và sau này trên cương vị lãnh đạo cấp cao của  một tỉnh miền Đông Nam Bộ, chúng em xin gửi bài viết của anh về lá cờ Quyết chiến Quyết thắng do Bác Hồ và Đại tướng trao cho anh mang về giao cho bộ đội chủ lực Miền, lấy đó như nén tâm nhang tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.…. "Tôi còn nhớ rõ, đầu tháng 11-1959, đồng trí Trần Văn Trà, Phó tổng tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho  đồng chí Tô Ký (anh Ba Tô Ký), Sư đoàn trưởng B338, đồng chí Đồng Văn Cống, Sư đoàn trưởng B330 về khu doanh trại nhà lợp lá cọ, tường đất quét vôi, trong một khu rừng vùng đất tỉnh Hòa Bình bắt đầu chương trình học tập ở miền Bắc. Tất cả có 28 cán bộ, sĩ quan đã mang cấp hàm đại úy, thiếu tá về học chính trị và quân sự. Những cán bộ này do đồng chí Phạm Hùng- Phó chủ tịch hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo tuyển chọn. Học quân sự chủ yếu tập mang ba lô con cóc từ 10 ký tăng dần lên 30 ký, đi chân đất leo núi ngày hai buổi sáng- chiều do anh Ba Trà hướng dẫn, còn chính trị do anh Ba Duẩn (đồng chí Lê Duẩn), anh Hai Hùng (Phạm Hùng) lên lớp, hướng dẫn thảo luận đường lối, chính sách, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, phong cách khiêm tốn giản dị của người lính cách mạng, trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc Việt Nam, vì độc lập dân tộc.

 

Chúng tôi còn luyện tập tự nấu cơm bằng ăng- gô, lội sông suối, cột võng ,căng ni lon che mưa trong suốt 30 ngày. Khóa học đang hăng say luyện tập thì bất ngờ vào một ngày trời lạnh lắm, Bác Hồ đến thăm, anh em chúng tôi mừng quá mà khóc.

 Bác hỏi: " Việc học tập, rèn luyện có tốt không? Có ai đau yếu không? Ăn có đủ cơm không?". Anh em đồng thanh trả lời:" Thưa Bác, anh em cố gắng học tập, rèn luyện theo lời chỉ dạy của anh Ba Lê Duẩn, anh Ba Trần Văn Trà , ăn no, ăn khỏe". Cuối buổi trò chuyện, Bác dặn : "Phải cảnh giác lúc học tập ở đây cũng như lúc đi đường, không được thư từ, tiếp bạn bè phải giữ bí mật công việc của mình; phải đoàn kết chia sẻ thiếu thốn, dù đói cũng không được vào nương rẫy của dân mua bán, đổi chác hoặc hái lén, cây trái lá rừng cũng có chủ, dân còn nghèo khổ lắm, đừng làm mất lòng dân. Trên đường đi phải hỏi ý kiến anh em dẫn đường, loại lá nào ăn được, loại nào không được. Anh em nhớ đoàn kết, dìu dắt nhau "đi nhanh về sớm về đủ quân số", về Nam là để đoàn kết, chung lòng chung sức cùng với Đảng, với nhân dân chiến đấu giải phóng miền Nam, không được chủ quan, tự cao, tuyệt đối chung thành với Đảng, với nhân dân miền Nam. Công việc khó gian khó, các chú có làm được không?."

"Dạ, chúng cháu xin hứa với Đảng, với Bác, với đồng bào cả nước sẽ làm trọn nhiệm vụ Bác dặn dù phải hy sinh". Bác chào tạm biệt. Anh em đứng yên khi Bác lên xe, nước mắt cứ tuôn trào, cứ tưởng là chỉ được gặp Bác Hồ lần ấy thôi. Không ngờ,  sau đó một tuần nhân ngày chủ nhật, ăn sáng song chuẩn bị đi tập, những cán bộ miền Nam chúng tôi thấy có hai xe quân sự đến, truyền lệnh cấp trên rước toàn thể về Hà Nội. Xe đưa hai mươi tám anh em đến nhà riêng của đồng chí Phạm Hùng- Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi vào nhà, anh Hai Hùng hết sức giản dị, cười bắt tay tất cả rồi bảo ngồi uống nước: "Gia đình tôi có tổ chức làm một bữa bánh xèo Nam Bộ ăn, chờ ba phút nữa có bác Tôn Đức Thắng, anh Ba Lê Duẩn, anh Ba Trà và anh Ba Tô Ký ăn cho vui". Bác Tôn và các anh đến đúng hẹn, anh Hai Hùng mời vào bàn dùng bữa bánh xèo quê hương, vừa ăn vừa dặn dò, khuyên bảo các anh em ăn cho no. Lòng chúng tôi dâng trào tình cảm quê hương, Thật là một bữa ăn nhớ đời.
 

Ít bữa sau, ngày 27-12-1959, thật  trong chúng tôi không ai ngờ và nghĩ đến mệnh lệnh không ăn cơm chiều là lý do gì. Đúng 17 giờ, lại có hai xe quân sự đến rước đoàn ra Hà Nội. Anh em ngồi chừng một phút thì thấy đồng chí Trần Văn Trà, đồng trí Tô Ký, anh Ba Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Tôn Đức Thắng và sau đó là Bác Hồ đến. Mọi người đứng dậy vỗ tay chào Bác, anh em chúng tôi lại khóc vì xúc động. Bác ra hiệu ngồi xuống, Bác nói:"Các chú chuẩn bị kỹ chưa? Có ai đau yếu gì không? Lên đường được chưa".

 "Dạ chúng cháu sẵn sàng lên đường khi có lệnh của Bác". Bác lại hỏi : Chú Hùng chuẩn bị vật chất cho anh em đủ chưa?". Đồng chí Phạm Hùng trả lời : Thưa Bác, ngày giờ lên đường không thay đổi, còn hai vật nữa sẽ cung cấp đủ cho anh em và dặn dò anh em lần chót".

Nghe đồng chí Phạm Hùng báo cáo vậy,  Bác vui vẻ bảo: "Tất cả anh em vào ăn cơm đi, vừa ăn vừa nói chuyện cho vui. Anh em cố gắng ăn cho thật no nhé, đừng để thừa mà lãng phí".

Chúng tôi gồm Nguyễn Hoàng Sơn, Trưởng đoàn, Bùi Thanh Vân, Trần Văn Phú , Phó đoàn trưởng và Đặng Văn Thượng, ­­­Bí thư, phụ trách chính trị được vinh dự ngồi chung mâm cơm với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp,. Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Hùng ngồi mâm thứ hai. Đồng chí Lê Duẩn,  Trần Văn Trà,  Tô Ký ngồi với anh em mâm thứ ba. Bác Hồ, Bác Tôn cầm đũa đi từng bàn gắp thức ăn để vào chén của anh em, động viên anh em ráng ăn thật no. Bác Hồ lại nhắc lại "Việc Bác dặn hôm nọ các chú còn nhớ không?". "Dạ các cháu ghi lòng tạc dạ". "Đi đường dù thiếu thức ăn ráng chịu chứ đừng bắn thú rừng cải thiện nhé. Hãy giữ bí mật cho mình, cho dân, cho người đi sau. Về Nam khi gặp các đồng chí lãnh đạo, gặp đồng bào, các chú nhớ nói: Đảng, nhân dân miền Bắc, Quân đội và tôi gửi lời thăm, chúc mạnh khỏe, đoàn kết lương giáo, chung sức chung lòng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhà để Bác về thăm miền Nam ruột thịt". Rồi Bác lại gắp thức ăn cho từng anh em, đốc thúc:"Phải ăn đi, sao cứ ngồi như vậy? Ăn hết cơm mới về". Anh em chúng tôi xúc động quá, vừa khóc vừa cố gắng ăn hết bát cơm.

 Đồng chí Đai Tướng Võ Nguyên Giáp cho người đưa đến bàn ăn có Bác ngồi, mở gói giấy lấy ra lá cờ thêu bốn chữ:  "QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG" của Quân đội nhân dân Việt Nam trao cho đồng chí Đặng Văn Thượng và nói: ""Đồng chí là bí thư Chi bộ, là chính trị viên hãy giữ gìn lá cờ này như sinh mạng chính trị của đoàn, thường xuyên mở ra xem trên đường đi để nhắc nhở ý chí và quyết tâm. Khi về Nam xây dựng lực lượng nhớ lấy cờ ra giáo dục anh em, đặc biệt dùng cờ này trong chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù, giải phóng miền Nam, rước Bác về thăm" …

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây