Từ Tết kháng chiến đến Tết trồng cây

Chủ nhật - 09/04/2017 21:58
Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ đã cùng ăn Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc ta 24 năm kể từ Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Tết Mậu Tuất 1946, đến Tết cuối cùng trước lúc Bác lên đường theo tổ tiên - Tết Kỷ Dậu 1969. Trong 24 năm ấy, năm nào Bác Hồ cũng đi mừng Xuân, ăn Tết với nhân dân, có nhiều kỷ niệm thật cảm động.
Từ Tết kháng chiến đến Tết trồng cây
   Tết Mậu Tý 1946, cái Tết đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, nhưng tình hình căng thẳng vì thực dân Pháp đã trở lại gây hấn ở Nam bộ, nên trong thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tết, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: “... Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui chung ngày Tết với những chiến sĩ oanh liệt ở ngoài mặt trận, những gia quyến các chiến sĩ, những đồng bào nghèo nàn, sao cho mọi người đều được hưởng cái thú vui vẻ Tết, Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”.

Tết này, Bác còn gửi thư cho thanh niên và nhi đồng, trong đó có một câu bất hủ: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội” và bài thơ chúc đồng bào:
              Trong năm Bính Tuất mới
              Muôn việc đều tiến tới
              Kiến quốc mau thành công
              Kháng chiến mau thắng lợi.
            Đêm 30 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết đồng bào trong một ngõ nhỏ phố Sinh Từ và chứng kiến đầy đủ cái Tết của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Giao thừa, Bác đã cùng nhân dân Hà Nội vui đón năm mới ở đền Ngọc Sơn giữa hồ Hoàn Kiếm trong vai một Cụ già cùng các cháu đi hái lộc.
            Tết Đinh Hợi 1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Hồ Chủ tịch rời Hà Nội vào Hà Đông để chuẩn bị lên chiến khu Việt Bắc. Đêm 30 Tết, giữa lúc giá rét, mưa phùn, xe đưa Bác đi bị sụt lầy, Bác đi bộ đến chùa Trầm, huyện Chương Mỹ để đọc bài thơ chúc Tết, vì đài Tiếng nói Việt Nam đặt ở hang chùa Trầm. Qua làn sóng của Đài, vang lên lời thơ hào hùng chúc năm mới:
              Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
              Tiếng kèn kháng chiến, vang dậy non sông
              Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!
            ...Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
            Đồng thời, Bác còn gửi Thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam bộ với lời động viên tha thiết: “Nhân dịp Tết Nguyên đán âm lịch, tôi thay mặt Chính phủ đặc biệt chúc đồng bào và chiến sĩ Nam bộ năm mới. Vì thống nhất và độc lập của Tổ quốc, đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh chiến đấu hơn một năm nay, và từ nay vẫn kiên quyết phấn đấu hơn nữa. Sự trung thành dũng cảm đó sẽ đưa Tổ quốc đến thắng lợi và sẽ ghi những trang rực rỡ trong lịch sử nước nhà”.
            Từ Tết Mậu Tý 1948 đến Tết Giáp Ngọ 1954 là bảy cái Tết, Bác cùng Trung ương Đảng và Chính phủ ăn Tết ở chiến khu Việt Bắc, trong rừng già của các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn.
            Và Tết năm nào Bác cũng có thư, đặc biệt là những bài thơ chúc Tết thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, tin tưởng cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi.
            Tết Mậu Tý 1948, Bác đón Tết ở trong lán dưới chân núi Hồng (Thái Nguyên). Tết Kỷ Sửu 1949, Bác ăn Tết ở bản Lũng Tấu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Tết ấy, Bác tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ xung quanh Bác một quả cam: “Đây là quà Tết đồng bào tặng Bác, Bác tặng các chú”.
            Tết Kỷ Sửu 1949, thơ chúc Tết của Bác kêu gọi, động viên cụ thể:
              Người người thi đua
              Ngành ngành thi đua
              Ngày ngày thi đua
              Ta nhất định thắng
              Địch nhất định thua.
            Ngày 10/1/1950, rời Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang, Bác bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô (cũ) làm công tác đối ngoại, phục vụ cuộc kháng chiến.
            Tết Tân Mão 1951, Bác đón Tết ở Bắc Kạn, đêm giao thừa, quanh bếp lửa hồng, một cán bộ mạnh dạn nói:
            - Thưa Bác, tại sao Bác không lập gia đình?
            - Người ta ai cũng muốn có gia đình. Bác cũng là người như các chú. Nhưng các chú xem hoàn cảnh của đời Bác không cho phép... Bây giờ thì muộn rồi. Gia đình Bác là tất cả các cô, các chú, là tất cả bà con đồng bào.
            Tối mồng 5 Tết, Bác đến thăm các Đại biểu khắp nơi về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II khai mạc vào hôm sau tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Bác hỏi các đồng chí biết hôm nay là ngày gì không? Và Bác tự trả lời: “Hôm nay là ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa. Đại hội chúng ta họp vào những ngày này là rất có ý nghĩa”.
            Tết Nhâm Thìn 1952, thơ chúc Tết của Bác khẳng định:
              Kháng chiến vừa sáu năm
              Trường kỳ và gian khổ
              Chắc thắng trăm phần trăm.
            Những vần thơ Tết kháng chiến đã ăn sâu vào tình cảm nhân dân. Vì vậy, từ những năm ấy, trong dân gian đã truyền tụng những câu ca dao:
            Cụ Hồ ở giữa lòng dân
            Tuy xa xa lắm, nhưng gần gần ghê
            Mỗi khi thư Cụ gửi về
            Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng
            Ai ngoài muôn dặm trùng dương
            Cũng thường nhận được tình thương Cụ Hồ.
            Năm 1959, khi sang thăm Liên Xô, Bác đã khéo léo ghép một mầm bưởi lên “Cây hữu nghị” ở Xô Si bên bờ Hắc Hải và được tặng danh hiệu “Người trồng vườn hữu nghị”. Và mầm bưởi Bác ghép đã thành “Cành Hồ Chí Minh” đến nay vẫn cho những trái ngon.
            Báo Nhân Dân số 2082 ra ngày 28/11/1959 đăng bài “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực, Bác phát động toàn dân tham gia Tết trồng cây:
            “... Miền Bắc ta có độ 14 triệu dân, trong đó có 3 triệu trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu từ 8 tuổi trở lên đều có thể trồng cây... mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây....”
            Chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng và lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III, Tết Canh Tý 1960, Bác phát động Tết trồng cây. Tổng kết 5 năm phong trào Tết trồng cây, Báo Nhân dân số 3928 ra ngày 1/1/1965 đăng bài “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, ký tên T.L, mở đầu bằng hai câu thơ:
            Mùa Xuân là Tết trồng cây
            Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.
            Đương thời, Bác đã trồng rất nhiều cây đa ở nhiều địa phương khác nhau. Cây đa đầu tiên Bác trồng ngày 11/1/1960 tại công viên Thống Nhất, nay là công viên Lê Nin (Hà Nội), cây đa cuối cùng Bác trồng đúng mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Tây). Còn một số cây Bác trồng ở các địa điểm:
            Ngày 25/1/1961 Bác về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc - đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc và Bác đã trồng 1 cây đa lưu niệm. Ngày 31/1/1965, Bác trồng cây đa ở xã Đồng Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội); ngày 9/2/1967, Bác lên Hòa Bình trồng cây đa ở chùa Tam Sơn. Một cây Bác trồng ở xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (Hà Nội) và một cây nữa, Bác trồng bên Hồ Tây, nơi dựng tượng Lý Tự Trọng.
            Hiện nay những cây đa Bác trồng vẫn tốt tươi, xum xuê cành lá, được đồng bào yêu quý gọi là cây đa Bác Hồ./.


Theo Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây