Tình thương yêu của Bác Hồ với các chiến sĩ bảo vệ

Chủ nhật - 09/04/2017 22:32
Trong quá trình đi sưu tầm tài liệu viết "Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng", chúng tôi đã gặp Đại tá Nguyễn Văn Lợi, nguyên Chính ủy Trung đoàn 600 Công an nhân dân vũ trang - đơn vị bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông Lợi kể nhiều chuyện về những ngày bảo vệ Bác Hồ trên chiến khu Việt Bắc và những năm tháng ở Thủ đô Hà Nội. Tôi nhớ nhất chuyện ông Lợi và đồng đội đi bảo vệ Bác trong một chuyến công tác.

Giọng ông Lợi đều đều kể. Đêm ấy, ông Lợi làm nhiệm vụ trực ban nên phải đi kiểm tra các mục tiêu đơn vị bảo vệ. Ông về đến doanh trại thì trời đã gần sáng. Ngay lúc đó, cấp trên lệnh cho ông cùng hai chiến sĩ chuẩn bị tư trang gấp để lên đường đi công tác gấp. Sau mấy phút chuẩn bị chóng vánh, ông và đồng đội đã có mặt ở vị trí quy định. Vừa đến nơi, ông Lợi ngỡ ngàng đã thấy Bác Hồ ngồi ở trong xe. Ông Lợi hô anh em đứng "nghiêm" chào Bác, rồi sau đó lên xe đi bảo vệ Bác.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, xe của Bác cũng đã đến nơi quy định trước. Bác xuống xe đi thăm hỏi đồng bào, cơ quan rồi sau đó mới nghe báo cáo của các đồng chí lãnh đạo địa phương. Xong công việc trời cũng đã quá trưa, Bác cháu mới được ăn cơm. Cơm nước xong, ông Lợi và anh em trong tổ bảo vệ đề nghị Bác nghỉ trưa ít phút để có sức khỏe, chiều lại đi thăm đơn vị khác. Bác chỉ cười và nói: "Thời gian có ít phải tranh thủ đi ngay".

Quãng đường đến đơn vị khác cũng không dài lắm, nhưng phải qua đèo, nhiều con suối sâu và rộng. Có những con suối nước chảy khá mạnh, lòng suối lại có nhiều đá cuội, rêu phủ rất trơn, đi không khéo dễ bị ngã. Ông Lợi và các chiến sĩ lúc đó tuổi mới ngoài hai mươi, lội thử cũng đã thấy vất vả lắm, huống chi Bác Hồ tuổi đã cao, sức lại yếu. Vì thế, ông Lợi và hai chiến sĩ rất lo lắng. Ông Lợi và anh em bàn nhau chuẩn bị một con đò của dân để đưa Bác qua suối. Mọi người bí mật chờ Bác ra gần suối mới mời Bác xuống đò. Thấy vậy, Bác nhìn ông Lợi và hai chiến sĩ rồi hỏi:

- Suối sâu nhưng có lội được không?

Ông Lợi đứng "nghiêm" báo cáo thật với Bác:

- Thưa Bác, nước suối chảy xiết, lòng suối có nhiều đá cuội, rêu phủ rất trơn, có nhiều chỗ sâu, lội chỉ ngang người.

Nghe ông Lợi báo cáo xong, Bác bảo:

- Nếu lội được thì ta cứ lội mà đi! Tranh thủ thời gian chúng ta đến cơ sở.

Vốn được đi bảo vệ Bác nhiều lần, nhiều năm, nên ông Lợi rất hiểu tính Bác. Bao giờ cũng vậy, Bác không muốn làm phiền mọi người. Những việc Bác làm được là Bác làm lấy, không muốn người khác làm thay.

Vừa nói Bác vừa xắn quần, chống gậy lội xuống suối trước cả ông Lợi và hai chiến sĩ. Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo lụa màu nâu, chân đi đôi dép cao su to bản có quai hậu quen thuộc. Lúc này, trời đã ngả về chiều, nắng vàng nhạt, gió hơi to. Bác Hồ không đội mũ. Mái tóc bạc của Bác bay bay trong gió. Trong ánh nắng nhạt buổi chiều, da Bác hồng hào, trông Bác chẳng khác gì ông tiên giáng trần. Vừa lội suối, Bác vừa kể chuyện vui cho các chiến sĩ nghe để quên đi vất vả. Bác hỏi ông Lợi và anh em trong tổ đã tìm hiểu con suối này chảy từ đâu ra và có cách gì để lấy nước phục vụ tăng gia sản xuất của đơn vị.

Đến đoạn chỗ nước chảy xiết và sâu, Bác lội chầm chậm. Bác trở tay gậy và đưa ra phía trước dò đường. Thỉnh thoảng Bác lại nhắc ông Lợi và các chiến sĩ:

- Chỗ này, các chú cẩn thận, sâu đấy và có nhiều đá phủ rêu trơn dễ trượt ngã!

Nghe Bác nói vậy, ông Lợi và các chiến sĩ cảm động đến trào nước mắt. Mọi người thấy thương Bác quá. Không ai bảo ai, nhưng trong lòng ông Lợi và các chiến sĩ ước sao được phép cõng Bác qua suối, để Bác khỏi vất vả. Là người phục vụ Bác nhiều năm, ông Lợi biết tính Bác, nếu có đề nghị thì Bác cũng không cho phép. Ông Lợi và các chiến sĩ đành phải lội lại gần Bác và bao giờ cũng lội phía dưới dòng nước để phía trên nước trong, Bác dễ dò đường.

Gần vào đơn vị mới có một con suối sâu và rộng không thể lội sang được. Ông Lợi và các chiến sĩ lại chuẩn bị một con thuyền nhỏ mời Bác sang suối. Bác đắn đo một lúc rồi sau mới đồng ý. Ông Lợi nhanh chóng nhảy xuống nước kéo thuyền vào sát bờ để hai chiến sĩ đưa Bác lên thuyền và ngồi gần chỗ lái. Khi Bác ngồi yên vị, ông Lợi đẩy thuyền ra và nhảy lên ngồi sau Bác. Thấy vậy, Bác bảo:

- Chú ngồi lên trên này để có chỗ cho người chèo thuyền!

Ông Lợi luống cuống khó xử, vì chiếc thuyền bé chỉ có 3 then ngang để ngồi. Biết ông Lợi đang phân vân lúng túng, Bác lấy tay quàng ngang người ông Lợi, cho phép được ngồi bên Bác. Tuy vậy, ông Lợi cũng không dám ngồi gần Bác, sợ Bác nóng, liền ngồi sát mép thuyền. Bác lại giơ tay ra kéo sát ông Lợi vào mình và nói:

- Chú ngồi sát vào đây kẻo ngã xuống nước đấy!

Nghe Bác nói vậy, ông Lợi xúc động không ngăn nổi những dòng nước mắt sung sướng tuôn trào. Ông Lợi thầm nghĩ: "Không phải chúng con đi bảo vệ Bác mà chính Bác đang như người cha mang cả tấm lòng thương yêu trìu mến bảo vệ và chăm sóc, dạy bảo chúng con từng ly, từng tý để chúng con nên người. Ơn Bác đời đời chúng con ghi nhớ".

Ông Lợi đang miên man suy nghĩ, con thuyền đã cập bờ lúc nào không hay. Bác lại giục ông bước lên bờ. Đường đến đơn vị mới còn một đoạn ngắn nhưng đường nhỏ, mấp mô và có dốc cao. Ông Lợi và anh em trong tổ không ai bảo ai, mọi người đi chậm lại có ý mong Bác thong thả bước cho đỡ mệt. Nhưng Bác tay chống gậy, chân vẫn bước đi đều đều. Đến chỗ dốc cao, hai chiến sĩ đi sát hai bên Bác, ông Lợi vội chạy lên trước, giơ tay để đón Bác. Bác giơ tay ra hiệu để Bác đi một mình, chưa cần các chú giúp. Cứ thế một tay chống gậy, một tay Bác víu vào gốc cây, mô đất Bác vượt lên, chẳng mấy chốc mà đến đỉnh dốc. Bác vượt qua con dốc đứng cao chênh vênh không chỉ bằng sức khỏe tuổi già, mà còn bằng ý chí và niềm tin.

Ông Lợi và đồng đội nhìn Bác leo dốc mà hai hàng nước mắt cứ trào ra vừa cảm động, sung sướng, vừa thương Bác. Sung sướng vì Bác đã vượt qua khó khăn, vất vả để chiến thắng tuổi già, bệnh tật. Thương Bác cả cuộc đời chỉ biết chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, thương yêu, chăm sóc, chỉ bảo cho các chiến sĩ như những đứa con bé bỏng của mình. Còn đối với Bác, Bác chẳng chịu để cho một ai được phép chăm sóc, ngay cả những người lính cận vệ của Người. Kể đến đây, khóe mắt Chính ủy Nguyễn Văn Lợi, người lính già nhòe đi vì xúc động. Giây phút xúc động đi qua, ông nói với chính mình và cũng là nói với thế hệ mai sau:

- Năm tháng đã đi qua, những kỷ niệm ấy cứ sáng mãi trong lòng tôi, thôi thúc, giúp tôi vượt qua bao khó khăn thử thách của cuộc đời, kể cả trong binh nghiệp và sau này về với cuộc sống đời thường. Tấm gương đạo đức, lối sống của Bác Hồ như ngọn đèn soi sáng không chỉ cho hôm nay, mà còn cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Thy Vũ (Theo Đại tá Nguyễn Văn Lợi, Trung đoàn 600 CANDVT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây