Bác Hồ với di sản văn hóa dân tộc

Chủ nhật - 09/04/2017 22:18
Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2-9-1945 chưa đầy 3 tháng, ngày 23-11-1945, Bác Hồ đã ra Sắc lệnh 65 về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, quy định nhiệm vụ về bảo tồn tất cả cổ vật, di tích trong toàn cõi Việt Nam như đình, chùa, đền, miếu, cung điện, thành quách, lăng mộ, bia ký, chiếu sắc, văn bằng…
Đặc biệt quan tâm và quý trọng di sản văn hóa dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật cổ điển của dân tộc, Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác – Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.
Đối với nền nghệ thuật dân tộc, Bác từng căn dặn văn nghệ sĩ phải tôn trọng, giữ gìn và phải “phát triển cho hết cái hay, cái đẹp của dân tộc”.
Bác ân cần nói với nghệ sĩ sáo Đinh Thìn rằng: Âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo, Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác, phát triển nó lên và Bác căn dặn Đinh Thìn “Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”.
Đối với nghệ thuật tuồng, tuy bận trăm công nghìn việc của đất nước ta, dân tộc ta, Bác vẫn dành thời gian xem nhiều buổi diễn và tiếp xúc, bảo ban, cổ vũ, khích lệ các nghệ nhân tuồng nổi tiếng như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngọc Phùng, Ngọc Đồng, Đinh Nhi, Quang Tốn, Ngô Thị Liễu, Bạch Trà, Minh Đức… và Bác căn dặn: “Nghệ thuật tuồng của cha ông hay lắm, tốt lắm. Cố mà giữ gìn nhưng chớ gieo vừng ra ngô”.
Đối với thơ cổ điển của dân tộc, Bác rất am hiểu và vô cùng quý trọng, trong đó, Bác đặc biệt yêu thích và rất thuộc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm”, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm dịch. Nhà văn Nguyễn Đình Thi kể lại rằng, tại Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945, trong câu chuyện vui với các đại biểu, Bác đã dẫn hai câu thơ Kiều:
“Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai”.
Các đại biểu nghe, rất xúc động. Có đại biểu nói: “Bác xa nước lâu thế mà vẫn nhớ truyện Kiều”. Bác vui vẻ nói: “Càng xa mới càng nhớ chứ”. Rất nhớ, rất yêu thích truyện Kiều, Bác thường đọc Kiều, lẩy Kiều, vận Kiều.
Khi đón ngài Xu Các Nô, Tổng thống nước Inđônêsia, Bác lẩy Kiều:
“Bây giờ mới gặp nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”.
Hôm tiễn ngài Xu Các Nô lên máy bay về nước, Bác lại đọc:
"Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”.
Khi viết bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bác đã vận Kiều:
“Còn non, còn nước, còn người
 Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Không chỉ yêu thích “Truyện Kiều”, Bác còn yêu thích “Chinh phụ ngâm”. Mùa đông năm 1950, khi đi công tác trên chiến khu Việt Bắc, Bác đã đọc “Chinh phụ ngâm” cho các chiến sĩ, cán bộ cùng đi nghe và học:
"Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây
Chín lần gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…
Trong di sản văn hóa dân tộc, Bác không chỉ yêu thích thơ cổ điển mà còn yêu thích dân ca. Bác nhớ, Bác thuộc dân ca đất nước, quê hương đến kỳ lạ. Khi nghe diễn viên Minh Huệ, Đoàn văn công Quân khu Bốn và một số diễn viên của đoàn được vào Phủ chủ tịch thăm Bác hát ví đò đưa “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh…”. Bác cười, nói: “Ở Nghệ An người ta gọi là nác chứ không phải là nước”. Và bài theo điệu ru em dân ca miền Trung:
“Ru em em ngủ cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu”.
Bác cười sửa lại:
“Ru tam tam théc cho muồi
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu”.
Bác vẫn nhớ tiếng miền Trung “tam” là em, “théc” là ngủ, “muồi” là say. Các chị vô cùng xúc động và kính phục Bác. Bác đã 79 tuổi, đã bao năm bôn ba khắp năm châu bốn biển mà vẫn nhớ, vẫn thuộc từng tên đất, tên làng, từng điệu hát, câu hát dân ca quê nhà.
Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), là dịp nhân dân cả nước nói chung nâng cao lòng tự hào về Bác, khâm phục Bác đã yêu thích, tiếp thu những tinh hoa của văn hóa dân tộc một cách sâu sắc, tinh tế, tài tình, càng ra sức nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam mà Bác Hồ đã từng căn dặn.

Theo ĐCSVN.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây