Để mở rộng khối đoàn kết dân tộc, Đại hội Mặt trận Liên Việt toàn quốc họp từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 10-9-1955 tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt trận Liên Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại hội bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận.Tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với chương trình hành động 10 điểm mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Sau khi thống nhất nước nhà, tháng 01 năm 1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân để cùng phấn đấu.
Trải qua quá trình lịch sử cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ra đời và trưởng thành gắn liền với sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời Người cũng là một tấm gương sáng mẫu mực về đoàn kết dân tộc, xây dựng các phong trào cách mạng, gắn kết tinh thần tập thể trong các lực lượng cách mạng của cả nước. Đồng thời, Người đã trực tiếp xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới. Có thể coi đại đoàn kết là một chiến lược lớn của cách mạng, chiến lược về tổ chức nhằm tập hợp lực lượng đến mức đông đảo nhất, rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, tháng 5 năm 1995 nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Người, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động trong cả nước Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đây là Cuộc vận động nhân dân rộng lớn trong cả nước của thời kỳ đổi mới có nội dung toàn diện, diễn ra trong thời gian dài. Hơn 17 năm qua được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các tổ chức thành viên Mặt trận, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả tốt đẹp góp phần từng bước nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, ngày càng tạo ra các mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân cả nước.
Trong những thực hành lớn của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng thực hành đoàn kết và đại đoàn kết, từ đoàn kết trong Đảng đến đoàn kết trong dân và đoàn kết quốc tế. Đó là sự gặp gỡ và kết hợp nhuần nhuyễn giữa đường lối chiến lược, phương pháp tổ chức và hoạt động, lãnh đạo và quản lý, với chính sách và biện pháp nhằm gây dựng lực lượng, nuôi dưỡng phong trào thi đua ái quốc, dùng người tài đức, trọng đãi nhân tài, hiền tài để giữ vững nền độc lập tự do, xây dựng đất nước phú cường, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Đường lối chiến lược và chính sách đại đoàn kết của Hồ Chí Minh còn đồng thời là văn hóa ứng xử tinh tế của Người mà ngày nay toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức vận dụng, phát huy để vượt qua mọi khó khăn, thách thức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để đại đoàn kết với mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi người và chăm lo lợi ích cho mọi người. Bác Hồ quan tâm đến lợi ích của mọi tầng lớp, từ người cộng sự, người phục vụ gần gũi đến quảng đại quần chúng, từ miền xuôi đến miền ngược, mọi tôn giáo, mọi dân tộc. Người quan tâm đặc biệt đến lợi ích vật chất: Dân đủ ăn, đủ mặc, có nhà ở, được học hành. Ngoài sự chăm lo lợi ích vật chất, Người còn quan tâm đến đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của mọi tầng lớp. Với các tăng ni phật tử, đồng bào Công giáo, Người đều gửi gắm những quan điểm tích cực, đậm chất nhân văn và mang đậm tinh thần đoàn kết, bác ái, không phân biệt người có đạo và người không đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tấm gương đoàn kết rộng rãi bởi một lẽ rất giản đơn: Người muốn huy động tiềm năng của cả dân tộc vào sự nghiệp chung, Người luôn mong muốn thêm bạn bớt thù. Người tin ở tính hướng thiện của mọi người và trong bất cứ con người nào, Người cũng tìm thấy những nhân tố tốt đẹp đó. Tấm gương đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ Người có phương pháp xử lý đúng đắn những bất đồng, những cản trở cho sự đoàn kết. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết song không phải là kiểu đại đoàn kết một chiều. Người luôn luôn khuyên đoàn kết song phải đấu tranh, đấu tranh để đoàn kết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng. Theo Người, sự đoàn kết trong Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng sự đoàn kết trong nhân dân. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân sẽ tạo lên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, đi tới thắng lợi cuối cùng của cách mạng. trong Di chúc để lại, điều đầu tiên Bác nói về Đảng Bác căn dặn: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải "giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Thực hiện Di chúc cảu Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn bốn mươi năm qua, Đảng ta đã rất đề cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng, giữa Đảng với nhân dân. Nhờ vậy, Đảng ta đã phát huy trí tuệ của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng; phát huy nội lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân dưới ngon cờ của Đảng.
Trong giai đoạn phát triển xã hội hiện nay đầy những biến động và thách thức lớn lao đặt ra cho toàn Đảng và toàn dân ta nên muốn tồn tại và phát triển đi lên một cách bền vững thì hơn lúc nào hết chúng ta phải quán triệt và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công đại thành công”.
Kỷ niệm 82 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, chúng ta khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”, nguyện cùng nhau tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Kim Yến
(Theo Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn