Những “bông hồng vàng” thời hội nhập nhìn từ quan điểm giải phóng phụ nữ của Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 09/04/2017 22:11
“Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội, vậy nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người, nếu phụ nữ chưa được giải phóng, thì xã hội chưa được giải phóng, nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa’’. Đó là câu nói có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nữ giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò to lớn và tầm quan trọng của nữ giới trong đời sống xã hội. Dù bất kỳ ở thời đại nào hay một xã hội nào đi nữa, thì trong đấu tranh giải phóng đân tộc, không thể không giải phóng phụ nữ!
Bác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao(Ảnh: Tư liệu)
Bác Hồ với đại biểu phụ nữ vùng cao(Ảnh: Tư liệu)
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Người từng nói: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu gì mấy về vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân trên toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ... Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ….”

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ có giá trị nhân văn to lớn và triết lý nhân sinh cao cả. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đặc biệt quan tâm tới phụ nữ. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng con người, trong đó, theo Người không thể không giải phóng phụ nữ, không giải phóng một phần nửa xã hội, thì không thể xây dựng và đi lên chủ nghĩa xã hội. Người nói: “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo... theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan...

 

Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng...”.Sau cách mạng tháng 8/1945, trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khắc lên 8 chữ Vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” trở thành những “Tượng đài bằng đá” khắc ghi vào ký ức của mỗi người dân Đất Việt. Tượng đài đó đã được tự do, thoát khỏi xiềng xích và áp bức bóc lột, thoát khỏi sự bất bình đẳng, chế độ hà khắc của phong kiến và sự đàn áp của thực dân... Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, hàng triệu người phụ nữ nước Nam giỏi việc nước đảm việc nhà, họ đã đứng lên giành chính quyền và đòi độc lập tự do cho dân tộc.

 

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày 19/10/1966, Người nêu giá trị truyền thống yêu nước của người phụ nữ Việt Nam “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

 

Với Người, vai trò của người Phụ nữ là rất quan trọng, dù họ là người nông dân hay họ là nhà tri thức, khao học, kỹ sư... thì mọi người phụ nữ đều bình đẳng như nhau trên mọi lĩnh vực của đời sống, người phụ nữ cũng là những chiến sỹ trên mọi mặt trận, dù công việc nặng hay nhẹ. Người nói: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”.

 

Bên cạnh những tuyên dương, Người lại luôn yêu cầu và nhắc nhở chị em phụ nữ cần chú trọng: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường tự lập, phải nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Người viết: "… đối với phụ nữ, Người đã thấy rõ phụ nữ là một lực lượng căn bản, một nhân tố phát triển của xã hội, việc giải phóng phụ nữ phải trên cả 2 lĩnh vực hoạt động sản xuất xã hội và trong hôn nhân gia đình, cần phải gắn nhiệm vụ với quyền lợi của người phụ nữ, phải bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ kiến thức cho phụ nữ, cất nhắc, đề bạt họ vào các chức vụ quản lý kinh tế và xã hội….”.

 

Với phụ nữ, Người đã giành trọn vẹn tình cảm, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Người phụ nữ trong gia đình luôn được coi trọng, đó là tổ ấm hạnh phúc của gia đình, mỗi gia đình là một tế báo của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt..”

 

Phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Họ có một thiên chức mà không ai có thể thay thế được, chính vì lẽ đó, giải phóng và phát triển toàn diện phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam gia đoạn xây dựng chủ nghĩa, cũng như gia đoạn hội nhập và phát triển hiện nay. Từ những quan điểm nêu trên, nội dung tư tưởng của Người về phụ nữ có thể phân tích hai lát cắt như sau:

 

Một là, giải phóng phụ nữ phải gắn liền với giải phóng dân tộc. Muốn giải phóng phụ nữ, theo Người, phải giải quyết 3 mặt trong một vấn đề:

Thứ nhất, giải phóng về chính trị. Giải phóng phụ nữ là một bộ phận của giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng phụ nữ. giải phóng được phụ nữ là đã giải phóng được một  nửa hệ thống chính trị. Dân tộc được giải phóng, chính quyền được giải phóng, thì phụ nữ cũng phải được giải phóng.

Thứ hai, giải phóng về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội, đồng thời bình đẳng trong hôn nhân. Người bác bỏ tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ, đồng thời phải nâng cao vai trò và thiên chức của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Người nói “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ...Muốn có nhiều sức lao động để sản xuất thì phải giải phóng sức lao động phụ nữ…”.

hứ ba, giải phóng tâm lý con người, thật sự phải giải phóng được tư tưởng, tình cảm, tâm tư, năng lực để người phụ nữ vươn lên làm chủ chính mình, gia đình và làm chủ xã hội. Họ phải được tôn vinh giá trị to lớn mà tạo hóa cho họ cái gọi là “Thiên chức” là người duy trì và phát triển nòi giống.

 

Hai là, giải phóng phụ nữ phải toàn diện, đồng bộ và triệt để.

Thứ nhất, giải phóng phụ nữ không chỉ là giải phóng thân thể, giải phóng tư duy, mà giải phóng cho họ cái gọi là quyền bình  đẳng. Họ có quyền tham gia vào các hoạt động xã hội, phải tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… thì mới bảo đảm quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Người khuyên giới nữ phải tự đấu tranh với bản thân mình, tự mình phải biết tôn trọng mình mới làm nên mọi việc. “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập…”.

 

Thứ hai, phải tôn trọng phụ nữ, Đảng và Chính phủ cần có những chủ trương chính sách phù hợp để phụ nữ tham gia vào các công việc của xã hội theo khả năng của mình thì mới giải phóng toàn diện. Vị trí và vai trò của phụ nữ phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đảng ta, một mặt đánh giá cao khả năng và sự cần thiết tham gia của phụ nữ, coi đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của cách mạng, sự phát triển kinh tế  xã hội của đất nước.

 

Thứ ba, Quan điểm, đường lối của Đảng phải đảm bảo và phát huy vai trò tham gia của phụ nữ vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, bởi các quan điểm và đường lối này là những tuyên bố chính thức làm cơ sở đảm bảo hành lang pháp lý cho sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, các quan điểm đó đều khẳng định một cách xuyên suốt nhất quán, phụ nữ có quyền bình đẳng tham gia mọi mặt của đời sống xã hội. Hồ Chí Minh căn dặn “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo”.

 

Thứ tư, Đảng và Nhà nước phải đưa ra những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để phát huy mọi khả năng, tiềm năng của người phụ nữ  trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Làm cho phụ nữ được được sống trong những quan hệ xã hội  bình đẳng, tự do, dân chủ  và có triển vọng phát triển lâu dài cả về đời sống vật chất, sinh hoạt văn hoá và tinh thần.

 

 Ngày nay, xây dựng và phát triển nhân tố phụ nữ trong xã hội tương xứng với vai trò to lớn của họ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược của Ðảng. Phải khẳng định rằng, 82 năm qua, kể từ ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2012) đến nay, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và đánh giá cao sự cống hiến của phụ nữ trong quá trình phát triển xã hội. Phụ nữ đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Họ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, nhà giáo, nhà lãnh đạo tài năng ở cương vị cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Họ là những chủ doanh nghiệp, là những doanh nhân ưu tú, họ là những “Bông Hồng Vàng” trong vườn hoa khoe sắc. Người nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

 

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay, với bản năng và đức tích năng động, chịu thương, chịu khó, nhưng “Bông hoa” doanh nhân đã luôn tìm tòi sáng tạo để tìn hướng đi và khẳng định vị thế cho mình, nhiều doanh nghiệp nữ đã thực sự thành công trên thương trường. Điêu đó chứng minh rằng, số doanh nghiệp do chị em điều hành chiếm tới trên 20% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Đó là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến…con số đó thật đáng tự hào.

 

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, hơn bao giờ hết chúng ta, đặc biệt chị em phụ nữ cần vận dụng, phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn và càng phải quán triệt và thực hiện có hiệu quả hơn nữa lời dạy của Người, Đó chính là lời hứa, đồng thời cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhất để thực hiện sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nữ giới trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay.


Ths.Hoàng Anh Tuấn(gdtd)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây