Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuẩn của cán bộ lãnh đạo

Thứ sáu - 03/08/2018 23:50
Xây dựng đội ngũ cán bộ với việc lựa chọn, sử dụng và đánh giá cán bộ lãnh đạo, đặc biệt đối với những người đứng đầu, là một trong những vấn đề quan trọng được Hồ Chí Minh rất quan tâm trong tiến trình lãnh đạo cách mạng nước ta, nhất là trước những thay đổi của nhiệm vụ cách mạng cũng như sự vận động, biến đổi của hoàn cảnh khách quan. Bài viết góp phần làm rõ những quan điểm của Hồ Chí Minh về những chuẩn của cán bộ lãnh đạo nhằm làm sáng tỏ cơ sở lý luận cho việc lựa chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong điều kiện thực tiễn hiện nay.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuẩn của cán bộ lãnh đạo

Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ lãnh đạo nói chung và của cán bộ lãnh đạo ở vị trí là người đứng đầu đã được Người nêu lên trong nhiều tác phẩm, nhưng tập trung nhất là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả phần thứ III cuốn sách nói về “Tư cách và đạo đức cách mạng” của cán bộ, đảng viên. Trong ba mục (A, B, C) của phần III, Người dành cả một mục (mục B) nói về “Phận sự của đảng viên và cán bộ”, được hiểu như phận sự chung của cả cán bộ, đảng viên phải thực hiện. Phận sự chung này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên với 3 chuẩn cụ thể được xác định qua các tiêu đề sau đây:

1) “Trọng lợi ích của Đảng hơn hết”;

2) “Đạo đức cách mạng”;

3) “Phải giữ kỷ luật”(1).

Cùng với việc nêu lên những chuẩn trên, trong phần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những căn bệnh thường mắc phải của cán bộ, đảng viên là “chủ nghĩa cá nhân” với 8 biểu hiện của nó là: Tham lam; lười biếng; kiêu ngạo; hiếu danh; thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ và 7 bệnh khác như: Hữu danh, vô thực; kéo bè kéo cánh; bệnh cận thị; bệnh cá nhân; lười biếng; tị nạnh xu nịnh, a dua(2).

Trong mục C của phần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết riêng về “Tư cách và bổn phận của đảng viên”, trong đó đề cập 6 nội dung rất cụ thể là:

“a) Suốt đời đấu tranh cho dân tộc và Tổ quốc.

b) Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết và lên trước hết.

c) Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng.

d) Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng.

đ) Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.

e) Cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng”(3).

Trong phần thứ IV của cuốn sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả phần này nói về “Vấn đề cán bộ” như một sự tiếp nối của những phần nói về Tư cách và bổn phận của đảng viên ở trên và được mở đầu với khái niệm về cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ là (i) những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. (ii) Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”(4). Tiếp theo đó, trong mục Lựa chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng những người cán bộ lãnh đạo phải có bốn chuẩn sau đây:

“a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.

b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.

c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn.

Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.

d) Những người luôn giữ đúng kỷ luật…”(5).

Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết cán bộ lãnh đạo phải là những người thực hiện tốt 6 nội dung về tư cách và bổn phận của đảng viên trong thực tiễn và thông qua quá trình hoạt động này họ đã thể hiện rõ 4 chuẩn phẩm chất là “đã rất trung thành, rất hăng hái trong công việc và trong lúc đấu tranh”, “liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng”. Đặc biệt, cùng với những chuẩn đó, cán bộ lãnh đạo phải là những người “có thể giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn” và “luôn giữ đúng kỷ luật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rất rõ ràng: “Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ” lãnh đạo, và nhắc nhở “chúng ta phải làm cho đúng”(6).      

Cán bộ lãnh đạo là một khái niệm chung, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người lãnh đạo ở vị trí là người đứng đầu phải có đầy đủ những chuẩn do vai trò quyết định của họ. Vì vậy, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành riêng một mục (mục V) nói về “Cách lãnh đạo” như để nhấn mạnh các chuẩn mực phải có của những cán bộ lãnh đạo ở vị trí là người đứng đầu. Trong đó, cán bộ lãnh đạo ở vị trí là người đứng đầu phải có đầy đủ các chuẩn của người lãnh đạo như đã nói ở trên mà còn phải là những người có những chuẩn mực riêng biểu thị sự khác biệt với cán bộ lãnh đạo nói chung.

Những chuẩn về năng lực lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo trong vị trí là người đứng đầu là gì?

Để trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?”. Người đã trả lời:

“Lãnh đạo đúng nghĩa là:

“1) Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…”.

“2) Phải tổ chức thi hành cho đúng…”.

“3) Phải tổ chức sự kiểm soát cho đúng…”(7).

Ba vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trên đây nói rõ: Bên cạnh bốn chuẩn của cán bộ lãnh đạo nói chung thì người cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu phải có ba năng lực cơ bản là:

1) Năng lực ra quyết định trên mọi vấn đề cho đúng.

2) Năng lực tổ chức thực hiện quyết định đúng ấy thành công.

3) Năng lực tổ chức kiểm soát cho đúng việc thi hành các quyết định đã được đề ra.

Đó là ba chuẩn mực về năng lực của người cán bộ lãnh đạo với vị trí là người đứng đầu và những chuẩn mực năng lực này biểu thị sự vượt trội, sự khác biệt của họ so với cán bộ lãnh đạo khác và đảng viên bình thường.  

Bên cạnh những chuẩn năng lực cụ thể trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới một vấn đề thiết yếu, liên quan chặt chẽ với những chuẩn mực năng lực lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo trên vị trí là người đứng đầu, đó là năng lực thực hiện công tác cán bộ, biểu thị ở việc “chọn người và thay thế người”. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh không xếp vấn đề “chọn người và thay thế người”, mà ngày nay gọi chung là công tác cán bộ, vào hệ chuẩn năng lực theo thứ tự đã được trình bày ở trên, nhưng Người cho rằng việc “chọn người và thay thế người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo”(8). Nói cách khác, cùng với ba chuẩn năng lực phải có của người lãnh đạo ở vị trí đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm tới năng lực thực hiện về công tác cán bộ trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình.

Chính vì vậy, việc chọn người và thay thế người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ và cụ thể khi viết rằng:

“Những người mắc phải bệnh quan liêu, những người mắc bệnh bàn giấy, không làm được việc phải thải đi”(9).

Đồng thời, Người nhắc phải chú ý hai hạng người sau đây:

Một là, “Những người cậy mình là công thần cách mạng, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”(10).

Đối với hạng người này, Người chỉ rõ “cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ để giữ vững kỷ luật của Đảng và Chính phủ”(11).

Hai là, “Hạng người nói suông. Hạng người này tuy thật thà, trung thành, nhưng họ không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông”. “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng việc gì thiết thực không làm được”(12).

Theo Hồ Chí Minh, đối với “những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”(13).

Để có được ba chuẩn mực cũng như lưu ý về năng lực về công tác cán bộ trên đây của cán bộ lãnh đạo ở vị trí là người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần phải xem xét cả mối liên hệ của họ với nhân dân. Người viết:

“1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng, vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

2. Phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp sức mới được”(14).

Chính vì lẽ đó, chúng ta hiểu tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chỉ ra rằng: Đã là cán bộ lãnh đạo thì “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng (15); “Giữ mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Người còn nhấn mạnh: Nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như lơ lửng giữa trời, nhất định sẽ thất bại”(16).

Khi nhìn nhận sự liên hệ mật thiết của cán bộ lãnh đạo với nhân dân được xem là “nền tảng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”, nếu không có được mối liên hệ mật thiết ấy “nhất định sẽ thất bại”, chúng ta càng thấy rõ hơn tại sao khi nói tới chuẩn hàng đầu của người cán bộ lãnh đạo là sự trung thành với lý tưởng, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại coi phẩm chất thứ hai phải có của người cán bộ lãnh đạo là việc “liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng và luôn nghĩ tới lợi ích của dân chúng”. Điều đó cho thấy, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn phẩm chất và năng lực lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo phải được xem xét, đánh giá trên cơ sở thực tiễn mối liên hệ và sự chăm lo lợi ích của nhân dân.

Từ những vấn đề đã nêu trên, có thể thấy những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những vấn đề sau:

Một là, để xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cần phải phân biệt rõ từng hạng cán bộ: Cán bộ lãnh đạo nói chung và cán bộ lãnh đạo ở vị trí là người đứng đầu. Làm rõ vấn đề này mới có thể xác định những chuẩn mực cụ thể với những yêu cầu phải có cho từng đối tượng cán bộ lãnh đạo ở những vị trí, cương vị khác nhau. Đây là vấn đề hàng đầu cần thiết để có thể đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.

Hai là, mặc dù có sự phân biệt như trên, nhưng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã là người cán bộ lãnh đạo thì phải đạt các chuẩn chung, trong đó chuẩn hàng đầu phải là sự trung thành với lý tưởng của Đảng và cách mạng. Sự trung thành đó không phải chỉ ở lời thề, mà phải được biểu hiện rõ trong thực tiễn với năng lực tổ chức thực hiện đúng và có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đó phải là những người cán bộ lãnh đạo kiên định, không dao động và có thể xử lý công việc trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đồng thời luôn giữ vững kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, luôn chăm lo đến lợi ích của nhân dân.    

Ba là, đối với cán bộ lãnh đạo là người đứng đầu, bên cạnh bốn chuẩn của người cán bộ lãnh đạo nói chung phải được xem xét theo ba chuẩn năng lực cụ thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trên đây và một vấn đề quan trọng mà Người lưu ý về năng lực thực hiện công tác cán bộ trong thực tiễn khi lựa chọn và sử dụng cán bộ. Chỉ trên cơ sở nắm vững những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở của tình hình nhiệm vụ để định chuẩn cho cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả cấp chiến lược, người đứng đầu ở cấp chiến lược, đồng thời, dựa trên những chuẩn đó xem xét, đánh giá, quy hoạch, lựa chọn người có khả năng trở thành người lãnh đạo, người đứng đầu ở tất cả các cương vị khác nhau.

Những chuẩn mực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trên cần phải nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc và “chúng ta phải thực hiện cho đúng”, như chỉ dẫn của Người, để có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu xứng đáng với vị trí lãnh đạo nhân dân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của cách mạng. Đồng thời, trên cơ sở những chuẩn đó, thanh lọc những người không xứng đáng nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố uy tín lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trước tình hình “tự diễn biễn, tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.

PGS, TS. Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Lý luận Chính trị

__________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: t.5, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.290-294, 295, 306, 309, 315, 315, 325, 326, 326, 326, 326, 326- 327, 327, 325, 325, 326.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây