Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền theo quan điểm Hồ Chí Minh

Thứ năm - 05/07/2018 22:52
Đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền của Đảng nói riêng là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, theo Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết phải xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, thạo kỹ năng, thạo tuyên truyền, thạo nói, thạo viết...
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền theo quan điểm Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác tuyên truyền và là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nước ta, mở các lớp huấn luyện cán bộ, xây dựng lực lượng làm công tác tư tưởng, tuyên truyền chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Nói đến đội ngũ làm công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng”(1). Công tác tuyên truyền do Đảng lãnh đạo được thực hiện thông qua những con người cụ thể, đó là đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền và sự tham gia của đoàn thể và các cán bộ, đảng viên, yếu tố tiên quyết của công tác tư tưởng là đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(2). Như vậy, trong công tác tư tưởng, đội ngũ cán bộ tuyên truyền là nhân tố quyết định. Cán bộ tuyên truyền là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tuyên truyền cho dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Chính phủ để Đảng, Chính phủ xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn; không chỉ làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, người cán bộ tuyên truyền còn phải gương mẫu, hăng hái thực hiện đường lối, chính sách.

Chính từ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền. Từ những bài nói, bài viết của Người về công tác tuyên truyền và cán bộ làm công tác tuyên truyền, có thể rút ra một số vấn đề cốt lõi:

Trước hết, phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng.

Đạo đức cách mạng của người cán bộ làm công tác tuyên truyền trước hết thể hiện ở ý thức, niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tin vào con đường cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, người làm công tác tư tưởng trước hết “phải có lòng tự tin, tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình”(3), thiếu niềm tin vào điều mình tuyên truyền thì không thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đây là phẩm chất vốn có của các thế hệ cán bộ tuyên truyền của Đảng. Trong suốt quá trình cách mạng, dù bất kỳ trong hoàn cảnh khó khăn nào, đội ngũ cán bộ tuyên truyền luôn luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng khẳng định, “kinh qua đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng”(4). Cho nên, người cán bộ tuyên truyền nói riêng cũng như toàn bộ đội ngũ cán bộ nói chung phải là “công bộc” của dân chứ không phải là “quan dân”, “quan cách mạng”. Để thực sự là “công bộc” của dân, lực lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, ngoài tài năng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải có đủ chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ tuyên truyền không chỉ thể hiện ở đạo đức trong sáng, kiên trì trong công việc, lối sống giản dị mà còn phải thể hiện ở tác phong sinh hoạt sâu sát, gần gũi quần chúng, giúp đỡ quần chúng, lời nói và việc làm phải đi đôi, phải thực sự nêu gương trước quần chúng. Người viết: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(5). Do đó, người cán bộ tuyên truyền phải luôn thực hiện đúng những yêu cầu đối với người cán bộ công tác tư tưởng, đi tuyên truyền, giáo dục quần chúng: “... Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét, và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền”(6). Tác phong sinh hoạt, công tác của người cán bộ tuyên truyền có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả của công tác tư tưởng. Nếu người cán bộ tuyên truyền luôn tiên phong gương mẫu trong mọi việc thì hiệu quả tư tưởng đối với quần chúng sẽ rất lớn và ngược lại.

Người cán bộ tuyên truyền cần phải có phẩm chất nghề nghiệp, đó là ý thức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Trước hết ở tinh thần trách nhiệm và đề cao kỷ luật trong công tác, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao, kể cả khi gặp khó khăn, phức tạp.

Đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tuyên truyền đòi hỏi phải có ý thức tiết kiệm, tiết kiệm thời gian, tiền của của nhân dân, tiết kiệm công sản, công quỹ. Đồng thời, phải trong sạch, không tham lam, tư lợi, sách nhiễu nhân dân.

Trong sự nghiệp cách mạng, dân chủ với tính cách là động lực và mục tiêu của sự phát triển, người cán bộ tuyên truyền phải tôn trọng và đề cao dân chủ. Đó là phát huy trí tuệ, tài năng và mọi nguồn lực, của cải của dân để tạo nên sức mạnh; biết tôn trọng lợi ích và quyền của người dân; biết làm chủ bản thân, điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích chung của xã hội.

Thứ hai, phải xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ tuyên truyền, trước hết phải có trình độ lý luận chính trị; vì nếu người cán bộ làm công tác tuyên truyền mà không có trình độ lý luận chính trị thì sẽ không hoàn thành nhiệm vụ công tác. Trong thư gửi Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản ngày 16/01/1935, Người viết: “Trừ một vài đồng chí rất hiếm hoi (đã được huấn luyện ở Trường Đại học những người lao động phương Đông, hoặc là trí thức), còn đại đa số đồng chí của chúng tôi, trình độ lý luận và chính trị rất thấp”(7); do vậy dẫn đến hậu quả là: “Vì không thể giải thích được cho công nhân và nông dân, cho nên các đồng chí ấy thường tỏ vẻ lúng túng trong công tác tuyên truyền và cổ động”(8).

Hoạt động công tác tư tưởng là hoạt động chính trị - xã hội, nhiệm vụ của công tác tư tưởng là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, cán bộ công tác tư tưởng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Do đó, phải có trình độ lý luận chính trị vững chắc là tiêu chuẩn, yêu cầu đầu tiên đối với cán bộ tư tưởng nói chung và cán bộ tuyên truyền nói riêng. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ tuyên truyền “... phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản...”(9). Chỉ có như vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng -văn hóa mới đạt hiệu quả cao, mới có tính thuyết phục để định hướng tư tưởng và hành động của xã hội.

Đồng thời, người cán bộ tuyên truyền phải có trình độ tri thức rộng, phải có hiểu biết những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, khoa học, xã hội, chính trị... Người cảnh báo: “Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”(10).

Thứ ba, người cán bộ tuyên truyền phải thạo nghiệp vụ nghề tư tưởng, thạo tuyên truyền, thạo nói, thạo viết.

Do mục đích, yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động, lan tỏa đối với dân chúng nên Người đòi hỏi cán bộ tư tưởng, tuyên truyền “phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”(11). Người còn chỉ ra rằng: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được”(12). Do đó, theo Người: “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thăm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương”(13). Người còn chỉ giáo “thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”(14).

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ tuyên truyền cần chủ động học tập để không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; phải luôn nắm vững chủ trương, nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng”(15).

Với tình cảm chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, phê phán một số báo cáo viên thiếu chủ động trong việc chuẩn bị bài nói, thuyết trình: “Nhiều người, trước khi nói không sắp sửa kỹ càng. Lúc ra nói hoặc lắp lại những cái người trước đã nói. Hoặc lắp đi lắp lại cái mình đã nói rồi”(16), hoặc “viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu”(17). Ðặc biệt, Người phê phán một số người sính dùng chữ, nhất là thích dùng chữ Hán, “tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”(18). Vì vậy, Người yêu cầu “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(19). “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng. Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói, khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực.

Người yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền, giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng, bởi theo Người: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(20). Do vậy, muốn hướng dẫn nhân dân thì tự mình phải mực thước để người ta bắt chước. Ðây là phương pháp tuyên truyền không thông qua nói, viết mà bằng việc làm, bằng hành động cụ thể, “nói đi đôi với làm”.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cán bộ tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Về phẩm chất chính trị và đạo đức: Bản lĩnh chính trị vững vàng là cơ sở cho người cán bộ tuyên truyền xử lý một cách đúng đắn các tình huống phát sinh trong thực tiễn. Biểu hiện của phẩm chất chính trị, tư tưởng ở người cán bộ tuyên truyền qua một số khía cạnh cơ bản như: Luôn có ý thức chính trị trong mọi công việc, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Giác ngộ sâu sắc về lý tưởng của giai cấp công nhân và có trách nhiệm gây niềm tin, giác ngộ quần chúng nhân dân.

Người cán bộ tuyên truyền phải có đạo đức và lối sống lành mạnh. Nói tới đạo đức là nói tới nhân, thiện. Đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh đúc kết trong bốn chữ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đạo đức của người cán bộ tuyên truyền được thể hiện qua mối quan hệ và cách ứng xử với chính mình với tập thể, với công việc và quần chúng nhân dân.

Về trình độ lý luận chính trị và năng lực chuyên môn: phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Có thế giới quan khoa học, biết đánh giá đúng đắn các hiện tượng và quá trình xã hội đang diễn ra trên quan điểm và lập trường của giai cấp công nhân. Có niềm tin vững chắc vào đường lối cách mạng của Đảng, tương lai của dân tộc. Có khả năng phát hiện các khuynh hướng chính trị và nhận ra các vấn đề chính trị trong đời sống hằng ngày, biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào từng lĩnh vực công việc, kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phản động để bảo vệ các quan điểm của Đảng.

Đồng thời, người cán bộ tuyên truyền phải là những người có năng lực nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, khả năng nắm bắt, hướng dẫn dư luận xã hội, phát hiện, lý giải những khuynh hướng tư tưởng phát sinh trong đời sống xã hội và trong các tầng lớp nhân dân. Có năng lực thu hút và lôi cuốn quần chúng tham gia các quá trình công tác tư tưởng; có khả năng thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng...

Hai là, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền được tham gia học tập dài hạn, ngắn hạn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới địa phương cần lập kế hoạch dài hạn và hằng năm, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền nhằm bảo đảm cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền phải được đào tạo bài bản, chính quy, có khả năng phát triển lâu dài bằng nghề nghiệp, đồng thời tạo nguồn cho cán bộ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Ba là, thực hiện tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tuyên truyền được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn.

Môi trường, điều kiện làm việc khác nhau sẽ giúp cho cán bộ phát huy được khả năng, sức sáng tạo, đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ chưa qua thực tiễn. Để làm tốt việc này, cần tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền từ Trung ương đến cơ sở, dự kiến nhu cầu, khả năng tạo nguồn và phát triển đội ngũ, chủ động xây dựng và thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan làm công tác tuyên giáo ở Trung ương, luân chuyển cán bộ tuyên giáo ở Trung ương về địa phương và đưa cán bộ từ địa phương luân chuyển về Trung ương công tác.

Bốn là, ban hành và thực hiện một số chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách.

Một trong những giải pháp quan trọng là có cơ chế, chính sách phù hợp, không chỉ hấp dẫn được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn khuyến khích sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân; thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành Tuyên giáo của Đảng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền của Đảng có phẩm chất, năng lực và trình độ, có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng là bài học vô cùng quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Đây là trách nhiệm của Đảng, trong đó Ban Tuyên giáo các cấp cần chủ động, tích cực tham mưu giúp cho cấp ủy đảng có các biện pháp hữu hiệu để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền từ Trung ương tới địa phương, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng ta luôn khẳng định vai trò đặc biệt, tầm quan trọng của công tác tư tưởng trong lãnh đạo cách mạng ở mọi thời kỳ. Những lời dạy của Người mãi mãi là hành trang, là phương pháp luận quý báu để Ðảng ta, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, tuyên truyền nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để vững tin hơn, trí tuệ hơn, sắc sảo hơn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa văn minh, giàu đẹp.

Nguyễn Thị Thu Huyền
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2017

(1), (2), (5), (6), (10), (11), (13), (14), (16), (17), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.341, 309, 126, 192, 340, 191, 192, 192, 341, 344, 345, 345.

(3), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10,Sđd, tr.582, 314.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8,Sđd, tr.278.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3,Sđd, tr.110, 110.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12,Sđd, tr.167.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.169.

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr284.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây