Tháng 01/1946, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán độc lập đầu tiên của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”2. Theo quy luật muôn đời của tạo hóa, mùa Xuân là mùa cỏ cây đâm chồi nảy lộc; tuổi trẻ tràn đày sức sống, nhiệt huyết thanh xuân luôn là quãng thời gian tươi đẹp nhất của một đời người. Lời tâm huyết của Bác thể hiện sự liên tưởng, so sánh giữa mùa Xuân và tuổi trẻ; giữa sự khởi đầu với nhiệt huyết thanh xuân!
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh khẳng định lực lượng quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước là thế hệ trẻ thanh niên. Năm 1947, Người khẳng định: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Với Người, thế hệ trẻ không chỉ là bộ phận quan trọng của dân tộc mà còn là lực lượng xung kích của cách mạng: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”3.
Với niềm tin yêu và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ, tháng 5/1950, trên đường công tác, gặp một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường, Bác đã động viên, khích lệ chị em bằng một bài thơ có nhan đề là “Khuyên Thanh niên”: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. Tháng 9/1961, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ”.
Trong bản Di chúc, Người dành một phần quan trọng để nói về thanh niên, vai trò của công tác thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thanh những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên. Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Bên cạnh đó, Người cũng nhắc nhở, thậm chí là thẳng thắn phê bình một số thanh niên xem nhẹ, không biết trân quý công lao của các thế hệ đi trước, đồng thời yêu cầu cần tích cực giáo dục, dìu dắt thanh niên: “Có số thanh niên không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực”4.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng là phải chăm lo đến công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng. Đồng thời, Người yêu cầu thanh niên phải ra sức thi đua học tập nâng cao trình độ về mọi mặt: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Trong bài nói chuyện với các học sinh tại một số trường trung học ở Thủ đô Hà Nội, Bác răn dạy: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập… Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”5.
Bác yêu cầu: “Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang...”. Có như vậy thanh niên mới thực sự trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Đối với công tác giáo dục thanh niên, theo Người là phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội, các chủ thể giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Tại buổi khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam (19/01/1955), Người chỉ rõ: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên,… phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”6.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên đã chứng tỏ vị trí, vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa luôn được Người đề cao và quan tâm đặc biệt. Trong lịch sử dân tộc, thanh niên, thế hệ trẻ luôn phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho quê hương đất nước. Đó là anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản vì không được tham dự hội nghị bàn việc nước đã bóp nát quả cam trong tay; là “đội quân tú tài” của học sinh, sinh viên những chàng trai, cô gái đang ngồi trên giảng đường hay vừa mới ra khỏi ghế nhà trường đã xung phong nhập ngũ vào miền Nam đánh giặc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ… Ngày nay, thanh niên Việt Nam là lực lượng đầy sức trẻ, nhiệt huyết, xung kích đi đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc của Người, nhiều thế hệ trẻ đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện nay trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công bồi dưỡng. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình, ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học, công nghệ, để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng và xu hướng của tuổi trẻ, có nhiều ghi nhận và tôn vinh những thanh niên, học sinh tiêu biểu xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách, kế hoạch giáo dục đào tạo cụ thể, xác thực theo tiêu chí xây dựng con người trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là có kỹ năng, kỹ thuật, kỹ xảo, khả năng sáng tạo trong thời đại kinh tế tri thức.
Thời gian qua, trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để chống phá chế độ, đã ít nhiều ảnh hưởng, gây cản trở con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Chiến lược diễn biến hòa bình được các tổ chức phản động triển khai, nhân rộng thông qua nhiều hình thức: Sự phát triển Internet, mạng xã hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, âm nhạc, điện ảnh… Đối tượng mà chúng nhắm đến là giới trẻ, vì trước tiên đây là những người dễ bị hấp dẫn bởi những cái mới; chưa thực sự trưởng thành về mặt nhận thức, chưa có chứng kiến rõ ràng; bản lĩnh chính trị chưa thực sự vững vàng... Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho thanh niên là một việc làm vô cùng quan trọng. Qua đó, giúp thế hệ trẻ Việt Nam chủ động, nhạy bén trước các vấn đề chính trị - xã hội quan trọng của đất nước; không hoang mang, dao động trước thủ đoạn xuyên tạc, gây chia rẽ của các thế lực thù địch; tránh bị dụ dỗ, mua chuộc, lợi dụng vào hoạt động chống phá chế độ của kẻ xấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới.
---------
Chú thích:
(1). Toàn văn di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nxb trẻ, Thành phố HCM, 2005, tr 33.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H.2000, tr.167.
(3), (4), (5) Những lời Bác Hồ dạy thanh niên thiếu niên và học sinh; Nxb Thanh niên, Nxb Bến Tre, 2000, tr 13; tr 10; tr11.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.488
ThS. Bùi Thành Đạt, ThS. Dương Quốc Thành
Khoa Xây dựng Đảng &CQNN, Học viện An ninh nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn