Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không phải là "sự chuyên quyền"

Thứ hai - 21/02/2022 22:51
Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng, để Đảng luôn là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động; đồng thời, phát huy được sức mạnh của mỗi cá nhân và của tập thể vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, giữ vững và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này là yêu cầu cấp bách, thường xuyên, lâu dài để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TẬP TRUNG DÂN CHỦ LÀ MỘT NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA MỘT ĐẢNG CÁCH MẠNG CHÂN CHÍNH

Khi nói về cách tổ chức của Liên đoàn những người cộng sản - chính đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ, với những người lãnh đạo được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”(1). Sau này, V.I.Lênin cũng nhấn mạnh, “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(2). Điều đó cũng có nghĩa là, “không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy móc”(3). Thực tế, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng cho thấy, là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng, cùng đồng chí, đồng lòng đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội/một chế độ xã hội tự do, dân chủ, công bằng vì con người và cho con người, tất yếu Đảng Cộng sản - bộ phận tiên phong của giai cấp công nhân phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và thống nhất, sinh hoạt và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng Cộng sản phải là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động, không dung thứ sự tồn tại của các phe nhóm, bè phái; lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển của Đảng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu giản dị là, "tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung"(4); và theo đó, “lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”(5). Cho nên, tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột chỉ đạo toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của một Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng; đồng thời, chi phối các nguyên tắc khác, để xây dựng Đảng thành một tổ chức thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật; bảo đảm Đảng luôn thống nhất trong tư tưởng và hành động chứ không phải là một câu lạc bộ.

Thực tế cũng cho thấy, tập trung dân chủ là một nguyên tắc căn bản (trong tổ chức và hoạt động) của Đảng, để phân biệt một chính Đảng Mácxít Lêninnit với một đảng phái chính trị khác. Tập trung và dân chủ là hai mặt không mâu thuẫn với nhau mà luôn thống nhất biện chứng, không thể tách rời, vì tập trung không trên cơ sở dân chủ sẽ thành tập trung quan liêu, độc tài; còn dân chủ đúng đắn phải dựa trên cơ sở tập trung, dân chủ mà tách rời tập trung sẽ thành vô chính phủ. Tập trung được thực hiện trên cơ sở dân chủ, hỗ trợ, bảo đảm để dân chủ được kiểm soát trong khuôn khổ, chứ không phải là tập trung độc đoán, chuyên quyền. Tập trung là để toàn thể đảng viên tư tưởng và hành động đều thống nhất, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Còn dân chủ được thực hiện và là bảo đảm của tập trung, giúp cho tập trung được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, để tránh dân chủ theo kiểu tùy tiện, phân tán, vô tổ chức, hình thức. Dân chủ nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên đều có quyền tham gia vào việc quyết định công việc của Đảng (được bày tỏ chính kiến, thông tin, thảo luận, tranh luận, bảo lưu ý kiến trong tổ chức) để bàn bạc và đi đến thống nhất về quan điểm, chủ trương… không chỉ trong xây dựng nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống mà còn thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, khi tổ chức đảng đã có nghị quyết thì tất cả đảng viên đều phải nói và làm theo nghị quyết.

Được xây dựng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc một Đảng Mácxít Lêninnit chân chính, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; trong đó, thiểu số phục tùng đa số (nội dung cốt lõi, đặc trưng của dân chủ trong Đảng), cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; các tổ chức đảng trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trên thực tế, xuất phát từ bản chất giai cấp công nhân của Đảng; từ yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử của Đảng; từ kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định và kiên trì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ - coi đó là nguyên tắc số một, bất di bất dịch. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, Đảng "luôn luôn nắm vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng thời kết hợp với phân công phụ trách. Đảng chống mọi hiện tượng phân tán, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, tự do vô kỷ luật cũng như chống mọi hiện tượng tập trung quan liêu, sự vụ, gia trưởng, độc đoán, coi thường tập thể, coi thường cấp dưới”(6) để thống nhất trong tư tưởng và hành động; để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”(7) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Theo đó, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đều "thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”(8); đồng thời, luôn có cơ chế để nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện nghiêm trên tinh thần "thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp uỷ. Tạo mọi điều kiện cần thiết để mỗi cấp uỷ viên có thể tham gia đầy đủ vào việc bàn bạc, quyết định các chủ trương; định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng người”(9), nhằm "tránh lối cá nhân độc đoán chuyên quyền" hoặc "tránh lối ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm" mà không dám quyết đoán khi cần phải ra quyết định. Đồng thời, việc phát triển và mở rộng dân chủ trong Đảng luôn đi đôi với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng.

Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định và vì thế, nguyên tắc tập trung dân chủ cũng chính là biểu hiện của tính tiền phong, chiến đấu của Đảng. Vì thế, bất cứ quan điểm/luận điệu nào cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập; cho rằng, nếu thực hiện tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp dân chủ, triệt tiêu dân chủ và ngược lại, nếu muốn thực hiện dân chủ, ắt phải từ bỏ tập trung thì đều là trái với nguyên tắc tập trung dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lênin, đều là phản động. Chính vì thế, việc xuyên tạc bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ nói chung, việc cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng là sự "chuyên quyền của một nhóm quyền lực trong Đảng" là một trong các thủ đoạn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm từng bước hạ thấp vị thế, uy tín, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị như đã hiến định tại Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

THỰC HIỆN TẬP TRUNG DÂN CHỦ KHÔNG PHẢI LÀ SỰ ĐỘC QUYỀN CỦA "NHÓM QUYỀN LỰC"

Đảng Cộng sản Việt Nam "là một khối thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ đầy đủ và kỷ luật chặt chẽ trong sinh hoạt đảng”(10). Sức mạnh tổ chức to lớn của Đảng là ở sự thực hiện đầy đủ nguyên tắc này. Tình trạng tập trung quan liêu, gia trưởng độc đoán, không tôn trọng ý kiến cấp dưới hay không phát huy trí tuệ tập thể dễ dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc tình trạng cục bộ, vô kỷ luật gây hậu quả tai hại… đều làm suy yếu sự đoàn kết trong Đảng, đều làm cho sự lãnh đạo của Đảng kém hiệu lực. Vì thế, mọi cán bộ, đảng viên đều phải nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Song trên thực tế, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn là mục tiêu công kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội, xét lại và nhũng người nhân danh dân chủ, mượn danh dân chủ để xuyên tạc, công kích, hòng phá hoại các Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Các nhà "ảo dân chủ", "ngộ dân chủ" còn suy diễn rằng, trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thì nếu đặt tập trung ở phía trước và dân chủ ở phía sau, thì có nghĩa là tập trung chính là mục đích, còn dân chủ chỉ là phương tiện. Vì thế, dân chủ chỉ là hình thức, nửa vời, là "bánh vẽ"… Đây chính là kiểu lập luận có chủ đích của những người nhân danh dân chủ, khoác áo dân chủ để quy chụp, xuyên tạc.

Dù nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động cuả một Đảng Mácxít Lêninnit, nhưng thực tế cũng cho thấy, nguyên tắc này không phải lúc nào và ở nơi đâu cũng được thực hiện một cách nghiêm túc. Lịch sử đã chứng kiến nguyên tắc này bị vô hiệu hóa trong quá trình tiến hành cải cách, cải tổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu những thập niên trước. Việc từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những sai lầm "không thể cứu vãn" khiến cho các Đảng này tan rã, mất vai trò lãnh đạo xã hội. Việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.Goócbachốp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi quyết định giải tán Ban Chấp hành Trung ương Đảng… làm cho Đảng Cộng sản Liên Xô tan vỡ là một bài học xương máu.

Rút kinh nghiệm sâu sắc bài học của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam nghiêm ngặt thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động; gắn mở rộng dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.

Trong toàn Đảng, những vấn đề cơ bản, quan trọng (chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác cán bộ, công tác nhân sự cấp ủy, cơ quan…) đều phải được dân chủ thảo luận trong tập thể cấp ủy/lãnh đạo cơ quan/tổ chức đảng từ cao đến thấp theo phạm vi, quyền hạn được xác định. Quyết định của cấp ủy được quyết định theo đa số và ý kiến thiểu số vẫn được bảo lưu để trình cấp trên xem xét, nhưng khi nghị quyết đã ban hành, thì mọi đảng viên đều phải đồng lòng nói và làm theo nghị quyết. Trong toàn Đảng, mọi cấp uỷ đều thực hiện sự lãnh đạo tập thể (được bàn bạc và quyết định tập thể) đi đôi với tăng cường trách nhiệm cá nhân; "mọi cấp uỷ viên có quyền và có trách nhiệm phát biểu ý kiến, tranh luận thẳng thắn, tham gia các quyết định của cấp uỷ. Chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, hoặc nể nang, né tránh”(11).

Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, Đảng xác định tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, "tập thể lãnh đạo không phủ nhận trách nhiệm cá nhân, trái lại phải trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân. Mọi cá nhân trên cương vị của mình phải chủ động đóng góp ý kiến với tập thể để tập thể có được quyết định chính xác, và dám chịu trách nhiệm trong việc chấp hành các nghị quyết của tập thể, dám tự phê bình và thành khẩn nhận khuyết điểm của mình trong việc chấp hành các nghị quyết ấy”(12). Đồng thời, mọi cấp ủy từ Trung ương đến địa phương đều quán triệt sâu sắc rằng, bất cứ người đứng đầu nào cũng không được lợi dụng/lạm dụng quyền lực của mình (được bầu/ được trao) để mưu cầu lợi ích cá nhân/nhóm lợi ích và "bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ”(13).

Vì vậy, mọi hiện tượng, biểu hiện “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, "nói một đằng nhưng làm một nẻo", "nói trong hội nghị khác nhưng phản ánh lên cấp trên khác" hoặc lợi dụng tập trung dân chủ vì mục đích không chính đáng… đều là những hạn chế cần phải khắc phục trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; đều là trái với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Những hạn chế này vừa không khuyến khích người đứng đầu nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lại vừa tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân; đồng thời, cũng dễ tạo kẽ hở cho các phần tử phản động, cơ hội xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng.

Thực tế ở Việt Nam, việc mở rộng sinh hoạt dân chủ trong Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát gắn liền với việc không ngừng hoàn thiện, thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn nguyên tắc tập trung dân chủ; tiếp tục xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lãnh đạo tập trung và phát huy dân chủ, bảo đảm để nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ được thực hiện nghiêm trong Đảng mà đã và đang trở thành nguyên tắc quản lý của một xã hội văn minh, hiện đại, nhằm xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, phát triển bền vững.

Trong những năm qua, dân chủ xã hội chủ nghĩa đã ngày càng trở thành hiện thực sinh động, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực thi; nhân dân là người làm chủ xã hội, được thụ hưởng những thành quả của mình tạo ra đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(14)

Cùng với thời gian, chế độ dân chủ, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn gắn với kỷ luật, kỷ cương; được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm và được phổ biến sâu rộng đến mọi người dân. Việc thực hành dân chủ trong Đảng có ý nghĩa quyết định đối với phát triển dân chủ trong tổ chức, hoạt động của cả hệ thống chính trị gắn với dân chủ hóa đời sống xã hội, bởi dân chủ tạo sự đồng thuận xã hội và đồng thuận xã hội tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục nhất quán mục tiêu xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Gần đây nhất, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 16/5/2021 cũng đã tiếp tục khẳng định và làm rõ: Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Dân chủ vừa là bản chất vừa là động lực; đồng thời, cũng chính là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân kiên định xây dựng trong suốt 9 thập niên qua. Đó là sự thật đã được kiểm chứng bởi lịch sử Việt Nam hiện đại; bởi sự tin tưởng, ủng hộ, đi theo của các tầng lớp nhân dân; bởi sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế. Lịch sử cách mạng Việt Nam là minh chứng khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, “nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung”(15).

Vì thế, có thể khẳng định chắc chắn rằng: Nghiêm ngặt thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; đảm bảo lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Nguyên tắc tập trung dân chủ chắc chắn không phải là sự chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ như các thế lực thù địch xuyên tạc, thêu dệt, cho nên, bất cứ sự buông lỏng nào trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ cũng sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, tạo ra phe phái, lực lượng đối lập với Đảng, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng! Vì thế, những luận điệu phản động cho rằng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nhằm mục đích "bảo vệ vị trí độc tài" của Đảng và "thao túng quyền lực" của một nhóm người trong Đảng; việc Đảng thực hành tập trung dân chủ trong Đảng và trong xã hội chỉ là sự "ảo tưởng" "mị dân"… đều là sự xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động của Đảng nói riêng, cần phải bác bỏ!.

TS. Văn Thị Thanh Mai 
ThS. Văn Thị Thanh Hương

------

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1984, t.6, tr.339.

(2) (3) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.36, tr.185, 186

(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.620, 620

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.21, tr.781

(7) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.17, 232.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2016, tr.191

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37, tr.629

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t.51, tr.254

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t.50, tr.507

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37, tr.839

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.47, tr.470

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.263-264.


Theo https://www.tuyengiao.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây