Phát huy vai trò thanh niên trong phát triển kinh tế ở địa phương

Thứ hai - 10/04/2017 03:15
Trong những năm qua cùng với sự định hướng, đồng hành, hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, Hội, phong trào “Thanh niên Phú Yên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã có sức lan toả rộng khắp trong thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác thanh niên, qua đó không chỉ tạo công ăn việc làm, mang lại giá trị kinh tế ổn định mà còn động viên tinh thần giúp thanh niên có chí vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Anh Văn Tấn Thanh Tùng (áo xanh) ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa làm giàu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Anh Văn Tấn Thanh Tùng (áo xanh) ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa làm giàu từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Để thanh niên nông thôn có được định hướng đúng đắn và có cơ hội phát triển các mô hình kinh tế, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên trong xây dựng phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án. Tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh… Ngoài ra, các cơ sở Đoàn, Hội còn tích cực tham gia vào chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Đoàn thanh niên và Ngân hàng Chính sách xã hội; tuyên truyền về các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên toàn tinh quản lý là 106,564 tỷ đồng với 161 Tổ Tiết kiệm và vay vốn.

Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn Phú Yên còn được Trung ương Đoàn ủy quyền quản lý 907,5 triệu đồng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, triển khai với gần 30 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 100 thanh niên. Nhờ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nên hàng trăm thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế hiệu quả, 07 tổ hợp tác thanh niên, mỗi tổ từ 3 - 8 thành viên tham gia, thu nhập mang lại cho các thành viên mỗi năm khoảng hàng trăm triệu đồng.

Ở làng biển xã An Hòa, huyện Tuy An, với lợi thế tiềm năng vùng kinh tế biển nhưng công tác tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương lại gặp nhiều khó khăn. Do đó, thanh niên Đinh Văn Ìn đã mạnh dạn vận động đoàn viên, thanh niên thành lập một Tổ hợp tác “Nuôi tôm, ép nước mắm” với số lượng ban đầu chỉ 8 đoàn viên, thanh niên tham gia. Với nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Quỹ giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, đến nay, hàng năm mỗi thanh niên trong Tổ hợp tác sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 40 - 100 triệu đồng. Đối với bản thân anh Ìn đã xây dựng được 03 mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là mô hình nuôi tôm hùm ươm, tôm hùm thịt; mô hình chế biến nước mắm; mô hình nuôi gà đá. Theo anh Ìn, giá tôm hùm giống dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng/con, nếu nuôi khoảng 3 tháng, từ 5 - 7 lồng, mỗi lồng 300 con thì mỗi lứa xuất bán thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí mỗi lứa lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Tổ hợp tác thanh niên cùng với các mô hình phát triển kinh tế của anh đã giữ chân, tạo niềm tin cho nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia lao động sản xuất ngay tại địa phương và tham gia tích cực các hoạt động Đoàn - Hội ở cơ sở mà không cần phải vào các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm ổn định.

Còn ở một xã miền núi như Sơn Giang, huyện Sông Hinh, một cơ sở đặc biệt tái chế nhựa phế thải thành nhựa vi sinh của hai chàng thanh niên Hứa Văn Hậu và Lê Ngọc Lai không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn giúp địa phương xử lý được lượng rác thải sinh hoạt, đồng thời tạo công ăn việc làm cho thanh niên ở địa phương.  Từ thực trạng các loại bao bì bằng ni lông thải tràn lan ra môi trường tại địa phương, hai thanh niên Hậu và Lai bắt đầu hình thành ý tưởng thu gom và tái chế rác thải từ ni lông vừa giúp giải quyết bài toán về môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Từ ý tưởng đó, Hậu và Lai đã tham quan, tìm hiểu ở nhiều cơ sở chuyên sản xuất hạt nhựa từ phế phẩm ở TP. Hồ Chí Minh và góp vốn mở cơ sở sản xuất với kinh phí khoảng 600 triệu đồng. Thời gian đầu, khi xưởng mới đi vào sản xuất đã gặp rất nhiều khó khăn, như: máy móc vận hành còn nhiều trục trặc, thiếu nguồn vốn, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, giá thành sản phẩm làm ra còn cao khó cạnh tranh với các đơn vị khác cùng loại sản phẩm… Thế nhưng, những khó khăn đó không làm cho hai chàng thanh niên này nản lòng, hai anh tiếp tục mượn vốn đầu tư thêm máy móc, hoàn thiện dây chuyền và đưa quy trình tái chế nhựa phế thải khép kín đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh sản xuất được hơn 1 tấn hạt nhựa, thu nhập hàng tháng của cơ sở khoảng 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 thanh niên tại địa phương.

Đối với địa bàn huyện Đông Hòa, là một trong những huyện điểm sáng về mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Qua công tác định hướng, tuyên truyền của Đoàn, tính tự lực, tự cường, khát vọng làm giàu trong mỗi đoàn viên, thanh niên đã được khơi dậy, toàn huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ. Tiêu biểu như mô hình “Nuôi trồng và phát triển tôm thẻ chân trắng” của anh Văn Tấn Thanh Tùng ở thị trấn Hòa Hiệp Trung hàng năm thu về cho gia đình anh hơn 05 tỷ đồng. Ban đầu có được ít vốn của gia đình, anh Tùng vay mượn thêm đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thủy sản Ngọc Tùng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán thức ăn, thu mua thủy sản và vận tải hàng hóa. Năm 2013, anh Tùng được UBND huyện Đông Hòa cho thuê gần 5ha đất ven biển để xây dựng gần 20 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, tổng kinh phí gần 07 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự có. Sau khi xây dựng, mỗi năm nuôi được 03 vụ tôm thương phẩm với lượng tôm post thả gần 70 triệu con. Hàng năm, anh thu hoạch gần 300 tấn tôm thẻ nguyên liệu với tổng doanh thu gần 28 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh còn tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động là thanh niên tại địa phương.

Còn đối với thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa là một trong những làng nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng của tỉnh, nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình này. Với số vốn ban đầu là 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH tỉnh, anh Nguyễn Đình Hoan đã đầu tư phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương. Áp dụng các kiến thức được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cảnh do Xã Đoàn Bình Kiến phối hợp với các hội, đoàn thể xã tổ chức, cùng với việc hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, giúp nhau cùng phát triển của những người trong nghề và kinh nghiệm từ gia đình, đến nay vườn hoa của anh Hoan đã có hơn 1.000 cây quất và mai. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu nhập của gia đình anh trên 150 triệu đồng. Với kinh nghiệm của bản thân, anh Hoan còn hướng dẫn, giúp đỡ những thanh niên, người dân có hoàn cảnh khó khăn cách chăm sóc cây cảnh, vươn lên làm giàu từ mô hình này.

 

Anh Hoan giúp người dân trong vùng về mô hình trồng quất.
Với một thanh niên nông thôn bình thường, để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế đã khó, nhưng đối với người vừa trở về từ vòng lao lý vì một chút nông nổi của tuổi trẻ là cả một nghị lực đáng trân trọng, anh Nguyễn Thanh Hoài ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa là một gương điển hình như thế. Sau khi mãn hạn tù, anh Hoài trở về quê quyết tâm hoàn lương và làm lại cuộc đời bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và du lịch sinh thái cùng với gia đình với mong muốn bù đắp những lỗi lầm trong quá khứ và tự phát triển bản thân. Tận dụng quỹ đất của gia đình, anh Hoài đầu tư mô hình kinh tế hộ gia đình kết hợp trồng rừng với diện tích 10 ha, nuôi heo rừng lai với số lượng trên 50 con, nuôi trâu lấy thịt với số lượng 40 con, cộng với nuôi cá nước ngọt và kết hợp mở dịch vụ phục vụ ăn uống tại nhà theo hình thức du lịch sinh thái có bể bơi nhân tạo lấy nguồn nước từ suối lạnh tự nhiên. Tổng trị giá mô hình của anh lên tới 800 triệu đồng, cho thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Mô hình của anh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Hoài là minh chứng tiêu biểu cho những thanh niên hoàn lương thể hiện được tinh thần, ý chí, nghị lực của tuổi trẻ trong việc tái hòa nhập với cộng đồng, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
 
Anh Nguyễn Thanh Hoài với mô hình nuôi heo rừng tại gia đình mình.

Cùng với những mô hình tiêu biểu nêu trên, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế khác đã và đang hoạt động hiệu quả như: mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi của anh Bá Minh Cầu ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh; mô hình nuôi tôm hùm ươm và tôm hùm thịt của anh Văn Hữu Tình ở xã An Hòa, huyện Tuy An; mô hình vườn ươm cây giống và nuôi heo thịt hướng nạc của anh Cao Quý Ngà ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An; mô hình nuôi tôm hùm lồng của anh Võ Văn Thạch ở phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu; mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp của anh Võ Hoài Văn, huyện Đông Hòa...

Từ thực tiễn hoạt động và kết quả các mô hình kinh tế của gương thanh niên làm kinh tế giỏi, có thể khẳng định rằng phong trào “Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã tạo cơ hội cho nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh Phú Yên tham gia phát triển kinh tế, trở thành những chủ doanh nghiệp, trang trại trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng của thanh niên trong việc chung tay cùng với các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà địa phương đặt ra.  

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Ban thường Tỉnh Đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn toàn tỉnh định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ cho thanh niên phát triển rộng rãi mô hình kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc triển khai phong trào “Tuổi trẻ Phú Yên chung tay xây dựng nông thôn mới” góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

 

Văn Khang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây